Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Ngọc Lan (Phòng khám Tư vấn dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết: muối hồng là một loại muối tự nhiên được khai thác ở dãy Himalaya. Muối này có màu hồng do chứa các khoáng chất khác nhau, bao gồm natri, canxi, kali, magie, iod, sắt, kẽm. Muối hồng được cho là giúp làm sạch không khí, làm đẹp da, giảm huyết áp. Tuy nhiên, các lợi ích này vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Muối hồng được biết đến có hàm lượng natri thấp hơn muối ăn thông thường, vì vậy hiện nay có nhiều người sử dụng muối hồng nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy, với mỗi 1g muối lượng natri trong muối hồng ít hơn trong muối ăn 64 mg không đủ để cải thiện tình trạng huyết áp của người dùng. Bên cạnh đó, có báo cáo ghi nhận một số sản phẩm muối hồng có mặt trên thị trường có chứa hàm lượng chì vượt quá ngưỡng an toàn cho phép.
Muối hồng là một loại muối tự nhiên có một số lợi ích sức khỏe tiềm năng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng muối hồng vẫn chứa nhiều natri và giá thành cao, có thể gấp 30 lần muối thông thường. Nghiên cứu chưa chỉ ra rằng muối Himalaya có bất kỳ lợi ích sức khỏe đặc biệt nào so với các loại muối ăn khác. Sự độc đáo của nó đến từ màu sắc và hương vị. Bạn nên tuân theo khuyến cáo sức khỏe về lượng muối tiêu thụ mỗi ngày dưới 5g (1 thìa cà phê), sử dụng muối hồng một cách an toàn, sản phẩm rõ nguồn gốc và cần có một chế độ ăn uống khoa học cân bằng.
Nên ăn bao nhiêu muối mỗi ngày, cách giảm lượng muối ăn như thế nào?
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết muối được tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua. Muối thường được sử dụng với mục đích tăng thêm hương vị cho món ăn hoặc như một chất bảo quản thực phẩm. Mặc dù natri trong muối là một khoáng chất cần thiết giúp thư giãn và co cơ, hỗ trợ các xung thần kinh và cân bằng khoáng chất và nước trong máu thích hợp. Tuy nhiên, bất chấp những chức năng thiết yếu của muối, việc ăn quá nhiều muối có thể gây ra những tác hại cho sức khỏe cả ngắn hạn và dài hạn theo nhiều cách.
"Ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ, suy tim, phì đại cơ tim, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý tim mạch khác - nguyên nhân gây ra tử vong và tàn phế hàng đầu. Ngoài ra, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, sỏi thận, loãng xương và gây nhiều rối loạn cho sức khỏe", bác sĩ Hà chia sẻ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe. Hiện nay, người Việt Nam đang ăn khoảng 8,1g muối/ngày, chủ yếu lượng muối ăn vào từ gia vị dùng trong chế biến. Bột canh và nước mắm là 2 nguồn cung cấp muối chính hằng ngày, 5g nước mắm có 1g muối, 5g bột canh có 3,8g muối và 5g hạt nêm có 3,6g muối.
Nên hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc natri như thịt nguội, giò chả, xúc xích, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, dưa muối, cà muối, kim chi, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối... Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn. Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối hoặc pha loãng nước chấm.
Bình luận (0)