Có nên 'giải thoát' cho nhân tài?

25/07/2018 20:03 GMT+7

Theo ông Nghĩa, cần phải xem xét đề án này một cách “cởi mở”. Nếu chưa “trúng” thì phải xử lý chứ không phải vì đầu tư cho khu vực công mà học viên chuyển sang khu vực tư thì TP không dám làm.

“Học giỏi nhưng thi công chức không đậu”

Ngày 25.7, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho biết, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) thực hiện từ năm 2004, TP đã bỏ ra khoản kinh phí lớn với hơn 680 tỉ đồng, đào tạo cho 616 học viên.

Trong quá trình tiển khai, đề án đã bổ sung nguồn lực cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý. Theo đó, đã bổ nhiệm được 16 học viên vào cấp Phó giám đốc; gần 50 học viên vào cấp trưởng, phó phòng hoặc tương đương.

Nhiều “nhân tài” thuộc đề án 922 của Đà Nẵng mong muốn ra làm việc ở khu vực tư ẢNH: HOÀNG SƠN

Theo Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, việc không thích nghi với môi trường khu vực công chỉ là 1 trong 2 nguyên nhân. Nguyên nhân nữa là do học viên thi công chức không đỗ.

“Học giỏi nhưng thi công chức không đậu. Có sự chưa phù hợp giữa đào tạo của môi trường các nước tiên tiến với hệ thống công của ta. Các em không kém nhưng thi vẫn rớt. Câu chuyện này phải xem và có vấn đề. Thay vì đưa vào khu vực công thì khi học viên về Đà Nẵng thích làm đâu thì làm và khi thi công chức thì ưu tiên cho thi vì có sự tích lũy và làm việc tích cực hơn. Có nên cho học viên làm bất cứ đâu ở Đà Nẵng hay không?”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, TP cần phải xem xét đề án này một cách “cởi mở”. Nếu chưa “trúng” thì phải xử lý chứ không phải vì đầu tư cho khu vực công mà học viên chuyển sang khu vực tư thì TP không dám làm. “Để vậy thì còn lãng phí cho xã hội hơn nhiều”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết thêm, trên cơ sở những bất cập đã nêu, trong năm 2018, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP có văn bản điều chỉnh. Nếu cần TP thu hút nhân lực, tuy nhiên thu hút không được TP vẫn phải đào tạo.

Nên kết thúc “sứ mệnh” của đề án?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “TP nên suy nghĩ và kết thúc vai trò của đề án và chuyển sang triển khai thu hút nhân tài”.

Ông Hùng phân tích, trong 14 năm triển khai đề án 922, TP đã cử 616 người học viên đi học với kinh phí 680 tỉ đồng là quá lớn. Trong khi đó, 616 học viên chỉ tuyển vào công chức, viên chức 207 người. Đề án “nhân tài” nhưng vô biến chế thấp, so với con số đầu tư thì học viên làm lãnh đạo thấp.

“Con số này khiêm tốn so với kinh phí bỏ ra. 616 người thuộc đề án chỉ có 88 đảng viên, việc phấn đấu vào đảng cũng khiêm tốn, thiếu nhiệt huyết”, ông Hùng nhận định.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng vừa tổ chức đối thoại và tháo gỡ những vướng mắc cho những “nhân tài” đang làm việc ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Vũ Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, 616 học viên với kinh phí đào tạo trên 680 tỉ đồng tương đương mỗi học viên tốn trên 1 tỉ đồng.

“616 học viên nhưng về bố trí công tác có 460 người, còn 156 em không rõ đi đâu, tương đương số tiền 160 tỉ. Có 12 trường hợp thanh lý hợp đồng. Phải đánh giá hiệu quả con số này”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện TP đang triển khai thi công chức để tinh giản biên chế. Khối Đảng TP hiện có 20 chỉ tiêu vào công chức, trong đó có nhiều học viên đề án 922 phải thi. Ông Hùng đề xuất, TP nên thực hiện thu hút nhân lực theo nhu cầu của TP vì chi phí không lớn. TP có nhu cầu đào tạo thì đưa con người hiện có đi đào tạo sẽ hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, cần bác sĩ tim mạch thì chọn bác sĩ tim mạch TP đi đào tạo trong và ngoài nước sẽ tốt hơn vì họ có thực tiễn.

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, kinh phí cho 616 học viên với 680 tỉ đồng chỉ mới là kinh phí đào tạo.

Theo ông Nghĩa, vấn đề thu hút “nhân tài” cần nhưng phải làm kỹ càng. “Tại sao chúng ta không thu hút 1 ông trưởng ban quản lý, thu hút hẳn 1 ông giám đốc sở khi đang cần 1 người có sự đột phá cho một lĩnh vực nào đó. Chúng ta tuyển hẳn một người cỡ như thế thì mới đáng thu hút”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.