Tại một hội thảo do tỉnh Bắc Giang tổ chức, nhiều đề xuất cơ quan có thẩm quyền khôi phục lại tên có xuất xứ từ thời Lý là Phủ Lạng Thương cho thành phố Bắc Giang.
Cầu sông Thương, TP.Bắc Giang - Ảnh: Việt Hung |
“Phủ Lạng Thương rất đẹp và thơ mộng”
Theo GS sử học Lê Văn Lan, người chủ trì hội thảo Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến thành phố Bắc Giang ngày 16.10, tại hội thảo này có nhiều ý kiến đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu khôi phục lại tên gọi Phủ Lạng Thương cho thành phố Bắc Giang.
Theo thông tin tại hội thảo, đơn vị hành chính Phủ Lạng Thương ra đời năm 1888. Tuy nhiên, cái tên Phủ Lạng Thương, theo ông Lê Văn Lan, có nguồn gốc xuất xứ từ thời Lý. “Lạng là họ nhắc lại tên của châu Lạng có từ thời nhà Lý. Về sau, nó tách ra làm đôi thành Lạng Sơn là miền có nhiều núi và Lạng Giang là miền có nhiều sông. Phủ Lạng Thương có nghĩa toàn bộ là thủ phủ của xứ Lạng bên bờ sông Thương. Nghĩa là nó rất đẹp”, ông Lan phân tích.
Ý kiến đề xuất này, theo ông Lan, thoạt tiên là của ông Nguyễn Đình Bưu - nguyên Giám đốc Sở VH-TT Bắc Giang. Sau đó, TS Khổng Đức Thiêm ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng cũng đưa ra. “Chính là những người Bắc Giang thủ xướng việc này”, ông Lan nói.
Là người chủ trì hội thảo, ông Lan tổng kết: Có 5 cơ sở được các nhà khoa học đưa ra để đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương. “Thứ nhất, Phủ Lạng Thương là đô thị sớm nhất của tỉnh Bắc Giang. Thứ hai, đây là nơi có nhiều danh nhân văn hóa để lại các sự nghiệp quan trọng. Thứ ba, cảnh quan đẹp đẽ ngay bên bờ sông Thương nước chảy đôi dòng. Thứ tư, đấy là đô thị không chỉ có lịch sử sớm nhất mà có truyền thống vẻ vang, đặc biệt là về mặt quân sự, kinh tế. Tất cả đều là tốt đẹp. Cuối cùng, tên Phủ Lạng Thương nó cũng thơ mộng”, ông cho biết.
PGS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng là người ủng hộ đổi tên. Theo ông, khối lượng tư liệu lưu trữ Pháp về xứ Đông Dương nói chung, Bắc Kỳ nói riêng có nhiều tư liệu liên quan đến địa danh này, cả văn bản hành chính lẫn các ngành kinh tế như giao thông, hỏa xa. Ngay cả tài liệu liên quan đến lịch sử như khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám cũng nói đến địa danh này. “Thực ra không có nhiều địa phương có địa danh thay đổi trong lịch sử đâu. Theo tôi, các tên có được trong lịch sử, đi vào lòng người mà người ta lại muốn đổi theo như thế thì nên ủng hộ”, ông Bình nói.
Sao lại phải đổi ?
Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Giang Nguyễn Thế Chính cho biết: “Đấy chỉ là ý kiến của các nhà khoa học trong hội thảo. Còn về phía quản lý chúng tôi chưa có ý kiến gì. Muốn thay đổi thì phải để nhân dân, thành phố Bắc Giang đề xuất. Nếu ý kiến nhân dân thì thuận tình chúng tôi ủng hộ thôi”. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, việc thay đổi tên sẽ dẫn đến thay đổi nhiều vấn đề khác như con dấu, hộ khẩu... Bất chấp điều đó, GS sử học Lê Văn Lan vẫn khẳng định quan điểm ủng hộ việc thay đổi lại tên.
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, lại cho rằng các lý lẽ đưa ra không ổn. “Sao lại phải đổi? Tôn vinh Bắc Giang thì vẫn cứ tôn vinh chứ sao mà phải đổi tên mới tôn vinh được”, bà Chi nói. Theo bà Chi, việc đổi tên này sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn, gây lãng phí tiền bạc. Trong khi chẳng cần đổi tên vẫn có thể giữ được giá trị văn hóa cũ. Đặc biệt là nếu địa phương giảng dạy sử địa phương tốt thì mọi giá trị này sẽ được lan tỏa.
Về khả năng sẽ tiêu tốn tiền của khi trưng cầu dân ý hay hiện thực hóa việc đổi tên, trong hội thảo không ai đề cập đến.
Chưa cấp thiết
Đổi tên xưa cho Bắc Giang có thể thể hiện tình cảm của số đông người ở trong đơn vị hành chính. Còn cấp thiết - tức là buộc phải làm để đáp ứng yêu cầu nào đó - thì cũng chẳng phải là cấp thiết.
Gs-Ts Trương Quốc Bình
(Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) |
Bình luận (0)