Có nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường?

20/02/2024 16:29 GMT+7

Mới đây Bộ Giáo dục nước Anh yêu cầu các hiệu trưởng kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt thời gian ở trường, bao gồm giờ ra chơi, để các em tập trung vào việc học.

Có nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường?- Ảnh 1.

Nhiều trường ở TP.HCM quy định học sinh không được dùng điện thoại di động trong trường, chỉ được dùng trước khi vào trường, sau khi ra ngoài cổng trường

THÚY HẰNG

Theo tờ The Guardian, chỉ đạo mới của Bộ Giáo dục Anh đưa ra các hướng dẫn cho các trường để kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường như học sinh chỉ được phép dùng điện thoại trước khi đến và sau khi rời khỏi trường; yêu cầu học sinh để điện thoại ở nhà; giao điện thoại cho nhà trường cất giữ hoặc để trong tủ khóa khi đến trường… Học sinh vi phạm có thể bị tịch thu điện thoại. Giáo viên cũng không sử dụng điện thoại trong trường học trừ trường hợp cần thiết phục vụ công việc.

Ở Việt Nam thì quy định như thế nào? Học sinh, giáo viên, phụ huynh nói gì về việc học sinh dùng điện thoại di động trong trường? Chúng tôi lấy ý kiến của nhiều bên và nhận được hai luồng ý kiến khác nhau.

Anh: Kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại trong trường

"Nên cấm, kể cả trong giờ ra chơi''

H., học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8, TP.HCM), cho biết học sinh trường mình không được mang điện thoại di động vào lớp. Khi cần liên lạc với gia đình thì đã có phòng gọi điện thoại trong trường để sử dụng. Học sinh nào mang điện thoại đến trường thì gửi cho thầy cô giám thị, để cuối buổi học nhận lại. Nếu học sinh cố tình mang điện thoại di động bên người và sử dụng, kể cả trong giờ ra chơi, giám thị phát hiện sẽ thu, mời phụ huynh lên trường mới được trả lại điện thoại. H. ủng hộ cách làm này, bởi học sinh sẽ tập trung học, không bị xao nhãng bởi các tin tức, phim ảnh trên mạng xã hội.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết học sinh không được mang điện thoại bên mình nhằm tránh xao nhãng, không tập trung cho việc học. Chưa kể, cho học sinh mang theo tài sản giá trị như điện thoại di động bên người, khi xảy ra hư hỏng, mất mát sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp. Việc liên lạc với gia đình - giáo viên đều thông qua điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, phòng ghi danh, giám thị nhà trường…

Phụ huynh Tốt Bùi Ngọc, độc giả của Báo Thanh Niên, nêu quan điểm: "Tôi nghĩ nên tuyệt đối cấm mang điện thoại đến trường đối với học sinh cấp 1, 2, 3 vì lứa tuổi này phải chú tâm vào việc học. Muốn tìm hiểu thông tin gì thì về nhà, các em học sinh sẽ thoải mái tìm hiểu. Còn muốn liên lạc gia đình khi có chuyện cần thiết thì nên theo số điện thoại bàn của nhà trường".

Phụ huynh Vân Anh, trú Q.5, TP.HCM, nói: "Cho học sinh mang điện thoại di động vào trường thì hại nhiều hơn lợi. Những học sinh có ý thức, kỷ luật tốt không sao. Còn lại những học sinh thiếu nghiêm túc, lợi dụng việc được mang điện thoại bên người, trong giờ học thì các em lên mạng, chơi game, xem phim, nói chuyện riêng… rất không tập trung cho việc học tập".

Thăm dò ý kiến

Nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Anh Vinh San Phạm, đại diện DOL English, cho biết nếu không có sự cho phép của giáo viên, học sinh nên tuyệt đối không dùng điện thoại di động trong thời gian đang trong giờ học. "Giáo viên nhìn thấy học trò nhìn chằm chằm màn hình điện thoại sẽ mất lửa nghề, cảm thấy không được tôn trọng, hoặc nghi ngờ chất lượng bài giảng của mình. Còn học sinh khi dùng điện thoại di động trong giờ học gây mất tập trung, mất kiên nhẫn, tư duy phản biện bị ảnh hưởng", anh Vinh San Phạm nêu quan điểm.

"Không nên cấm tuyệt đối''

Trong khi đó, Bảo Nghi, 20 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cho biết không đồng tình với việc cấm tuyệt đối học sinh dùng điện thoại di động trong trường.

"Tôi ủng hộ việc cấm học sinh dùng trong giờ học khi chưa có sự đồng ý của giáo viên và việc sử dụng đó không phục vụ cho việc học thôi. Còn giờ ra chơi là tự do giải lao, cũng chỉ có 30 phút thôi. Chính hồi đó tôi học THPT trong giờ học, 45 phút mỗi tiết không đủ để giáo viên vừa giảng mà học sinh có thời gian chép bài nên giáo viên có thể nói học sinh chụp lại bài giảng về nhà chép, hay chụp lại các lời dặn dò, lịch kiểm tra, thi cử… rất cần thiết. Điện thoại di động có nhiều ứng dụng hay, cho phép học sinh vừa chơi vừa học, cũng rất thú vị. Do đó không nên cấm tuyệt đối học sinh dùng điện thoại di động trong trường", Bảo Nghi cho hay.

Có nên kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường?- Ảnh 2.

Một số trường học ở TP.HCM cho học sinh dùng điện thoại di động trong trường dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhằm phục vụ việc học tập

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cử tri băn khoăn

Đăng tải trên website chính thức của Bộ GD-ĐT (moet.gov.vn), tại mục Tổng hợp hỏi đáp ngày 4.3.2021, có đăng ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình liên quan việc học sinh dùng điện thoại di động trong trường học.

Cụ thể, theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, một số cử tri phản ánh quy định tại Khoản 4, Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.6.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có quy định: "Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép" chưa thực sự phù hợp, khi mà còn nhiều học sinh thiếu tự giác và chăm chỉ trong học tập.

Theo cử tri, quy định này đồng nghĩa với việc không cấm học sinh mang điện thoại vào lớp; theo đó, với một lớp học giáo viên sẽ rất khó kiểm soát hành vi sử dụng điện thoại vào mục đích khác ngoài phục vụ học tập của học sinh. Thực tế, đã có nhiều học sinh lợi dụng việc được mang điện thoại vào lớp để sử dụng vào việc riêng, như xem phim, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng, vì hiện nay đa số đều sử dụng điện thoại thông minh; những hành vi trên đã làm xao nhãng việc học tập của cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc tập trung học tập của lớp. Cử tri Quảng Bình đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy định trên.

Dùng điện thoại di động trong trường có bị cấm ở Việt Nam?

Trước ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đăng tải công khai trên website Bộ GD-ĐT ngày 4.3.2021, Bộ GD-ĐT đã trả lời cụ thể như sau:

"Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ GD-ĐT có quy định "học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra.

Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: "không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học".

Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.