Có nên lập vi bằng tin nhắn trên Zalo, Facebook để làm chứng cứ?

16/07/2023 06:51 GMT+7

Người dân có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về nội dung tin nhắn, hình ảnh, clip trên điện thoại, Zalo, Facebook… để làm chứng cứ giao nộp cho tòa, cơ quan chức năng.

Tôi cho một người đồng nghiệp vay 150 triệu đồng, có lấy lãi. Vì tin tưởng nên khi cho vay, tôi không lập văn bản, mà chỉ chuyển khoản rồi chụp màn hình gửi cho họ qua Zalo có nội dung: "Giao dịch chuyển khoản thành công".

Tuy nhiên, họ mới trả cho tôi được 30 triệu đồng nhưng sau đó không trả nữa, rồi xin nghỉ việc ở công ty nên tôi không liên lạc được.

Khi cho vay, chúng tôi có trao đổi nhắn tin bằng chính số điện thoại của họ, Zalo và Facebook. Tôi nghe bạn bè khuyên nên lập vi bằng để có chứng cứ tố cáo ra công an hoặc khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, tôi chưa hiểu về giá trị, ý nghĩa của vi bằng, nhờ báo tư vấn giúp.

Bạn đọc Phương Thảo ở Tây Ninh.

Chuyên gia tư vấn

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hằng Nguyễn (Tây Ninh), vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (khoản 3 điều 2 Nghị Định 08 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại).

Có nên lập vi bằng tin nhắn trên Zalo, Facebook để làm chứng cứ? - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, vi bằng là một trong những chứng cứ giúp cơ quan chức năng đánh giá vụ việc được đầy đủ hơn

NVCC

Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (khoản 3 điều 36 Nghị định số 08).

Ngoài ra, tại điều 94 và điều 95 bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định, tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

"Do đó, các tin nhắn giữa bạn và người vay được xem là chứng cứ khi bạn xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận nguồn gốc của các tin nhắn hoặc văn bản có liên quan đến các tin nhắn đó", bà Hằng nói.

Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc (điều 36 Nghị định 08).

Để có chứng cứ cung cấp cho tòa, cơ quan chức năng và cũng để tránh rủi ro khi điện thoại bị hư hỏng, mất tin nhắn, bạn có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng điện thoại chứa đựng tin nhắn, cuộc gọi điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.