Giải pháp này được đề cập đến trong những ngày xăng dầu VN chuẩn bị tăng giá lần thứ 4 trong năm nay.
Cây xăng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) để bảng thông báo hết xăng |
ngọc dương |
Mở kho để giảm đà tăng giá
Theo đó, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều mở kho dự trữ, đặc biệt Mỹ mở kho đến 2 lần. Cụ thể, cuối tháng 11.2021, trước đà tăng của giá dầu thế giới lên trên mốc 80 USD/thùng, chính quyền Mỹ đã kêu gọi các nước thuộc top tiêu thụ nhiên liệu lớn thế giới cùng với Mỹ mở dự trữ dầu để kiềm chế giá cả tăng cao. Mỹ cho biết sẽ xả khoảng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược và bơm ngay vào tháng 12.2021. Đến cuối tháng 12, Mỹ mở kho dự trữ lần thứ 2. Tương tự, Ấn Độ đồng ý xả 5 triệu thùng, cùng thời điểm có các nước: Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng cho phép các công ty “tự nguyện giải phóng” kho dự trữ dầu lên tới hàng triệu thùng và cho rằng đây là bước đi hợp lý để hỗ trợ các thị trường toàn cầu khi đang hồi phục trong đại dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không phải làm sao kìm hãm giá xăng tăng mà phải tìm cách kìm đà tăng lạm phát.
Tốt nhất, các doanh nghiệp phải tự tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, quản trị tốt để giảm bớt tác động tới giá thành của thị trường.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng Chính phủ có thể tính toán mở kho dự trữ xăng dầu quốc gia để kìm đà tăng giá trong nước, như cách các nước phát triển đã triển khai cuối năm ngoái. Bởi quan trọng nhất là không để giá xăng dầu ảnh hưởng đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế của đất nước. Năm 2022, nền kinh tế phải phục hồi một cách cơ bản bởi câu chuyện đại dịch có thể trở thành quá khứ hoặc được đề cập đến như bệnh cúm thông thường.
Chưa cần và không nên
Tuy nhiên, bàn về phương án mở kho dự trữ quốc gia, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khẳng định không nên vào giai đoạn này. Ông lập luận kho dự trữ là để đề phòng thiên tai, hiểm họa. Trường hợp nguồn nhập khẩu từ nước ngoài quá khó khăn trong tình hình thế giới căng thẳng hoặc thiên tai, hiểm họa, chiến tranh thì mới tính chuyện mở kho dự trữ xăng dầu quốc gia. Ở các nước, nguồn sản xuất xăng dầu trong nước lớn, tương đối chủ động, như Mỹ chủ động 100% nguồn nhiên liệu xăng dầu trong nước nên có thể mở kho dự trữ để kiềm chế giá tạm thời. Trong khi đó, VN hiện mới chỉ đảm bảo 70 - 75% nguồn cung trong nước, nguồn dự trữ ít, đặc biệt trong bối cảnh Nhà máy Nghi Sơn đang gặp trục trặc, nếu mở sớm quá thì trong trường hợp giá quốc tế tiếp tục tăng hoặc có sự cố bất trắc, sẽ rất nguy hiểm tới an ninh năng lượng.
Cũng theo ông Long, 2 trong 3 “chiếc van” cơ sở để định giá xăng dầu trong nước là quỹ bình ổn và thuế hiện rất khó có thể tác động. Cụ thể, quỹ bình ổn ngày càng âm, chi nhiều hơn và đã đến ngưỡng rất nguy hiểm. Nếu giá xăng tiếp tục tăng, thu thêm thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Quỹ sẽ âm hết và buộc phải tính tới phương án vay ngân hàng. Về phương án giảm thuế, kịch bản hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đã tính mọi phương án bù đắp để đưa vào chương trình giảm thuế vừa ban hành. Nếu tiếp tục giảm thì ngân khố quốc gia khó có khả năng chịu đựng được. Do đó, giá xăng dầu buộc phải dựa vào “chiếc van” cuối cùng là giá thế giới.
“Xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp và gián tiếp tới tất cả ngành kinh tế sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng… Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ tác động tới mặt bằng giá, ảnh hưởng lạm phát tăng cao. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không phải làm sao kìm hãm giá xăng tăng mà phải tìm cách kìm đà tăng lạm phát. Tốt nhất, các doanh nghiệp phải tự tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, quản trị tốt để giảm bớt tác động tới giá thành của thị trường”, vị này nêu ý kiến.
Bình luận (0)