Có nên ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng?

26/02/2022 06:48 GMT+7

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết quy chế quản lý kiến trúc thành phố vừa được phê duyệt, trong đó đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên bến Bạch Đằng (Q.1) sẽ được ngầm hóa làm đường giao thông và bãi đậu xe.

Dành mặt đường cho không gian công cộng

Theo quy hoạch, khu Công viên bến Bạch Đằng giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - sông Sài Gòn có diện tích 11,96 ha sẽ dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên cho không gian đi bộ và xe điện.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Khi đó, đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa với 2 làn xe mỗi hướng. Ngoài ra, còn có bãi đậu xe ngầm, nằm cách Công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía nam đường Ngô Văn Năm. Các lối ra vào bãi xe ngầm sẽ có 2 làn xe riêng biệt, không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Khu vực Công trường Mê Linh sẽ xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa, kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm, có bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng...

Kinh phí trên 1 mét vuông đầu tư đường ngầm Tôn Đức Thắng không kém nhiều so với chi phí 1 mét vuông làm hầm Thủ Thiêm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Bên cạnh các công trình ngầm làm mới, khu vực này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Theo quy hoạch, dưới đường Nguyễn Huệ sẽ là trung tâm thương mại ngầm tại tầng hầm đầu tiên và 2 hoặc 3 tầng giữ xe ở phía dưới. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt, trạm LRT (Light Rail Transit, đường sắt nhẹ, trạm có thể được xây dưới lòng đất) và trạm taxi thủy. Quy hoạch cũng đảm bảo kết nối giao thông cho người đi bộ giữa các trạm này với vườn trũng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM giải thích, ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng để dành mặt đường bên trên mở rộng không gian công cộng và công viên, mảng xanh dọc bờ sông. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Sở cho biết việc chuyển ngầm đường Tôn Đức Thắng hay làm bãi xe ngầm là câu chuyện của tương lai. Trước mắt TP đang chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng và Công trường Mê Linh cũng như làm vỉa hè đường Tôn Đức Thắng để phục vụ người dân.

Tốn kém không cần thiết

Đặt ý tưởng ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng với KTS Ngô Viết Nam Sơn, ông nói không nên thực hiện để tiết kiệm ngân sách, bởi làm tuyến ngầm ven sông có yêu cầu cao về chống thấm, xử lý nhiều thứ rất tốn kém. Theo tính toán, kinh phí trên 1 mét vuông đầu tư đường ngầm Tôn Đức Thắng không kém nhiều so với chi phí 1 mét vuông làm hầm Thủ Thiêm.

Theo ông Nam Sơn, nếu TP làm trục ngầm thì nên làm ngầm ngay dưới đường Nguyễn Huệ. Hiện đường Nguyễn Huệ bên dưới không gian ngầm nhỏ, chỉ có vài khu vệ sinh... là rất lãng phí. Nếu làm ngầm đường Nguyễn Huệ, TP có ga ngầm metro ngay bồn phun nước (giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ), từ đó có đường ngầm ra thẳng bến Bạch Đằng. Trong đường ngầm có thể làm các không gian dịch vụ thương mại; bãi xe ngầm Nguyễn Huệ, kết nối các đường Tôn Đức Thắng, Pasteur, Hai Bà Trưng… giúp toàn bộ trục trung tâm giảm xe. Cuối tuyến ngầm này có thể xây dựng thêm tunnel ngầm dưới sông Sài Gòn cho xe điện công cộng nối sang Thủ Thiêm. Làm được như thế sẽ thu hút được nhà đầu tư, bởi vị trí quá trung tâm, sẽ hiệu quả cao. Tiền cho thuê bãi xe ngầm, dịch vụ thương mại... dư sức trả cho chi phí ngầm hóa phố đi bộ.

“Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến đoạn giáp bến Bạch Đằng có thể làm đường với những bậc thang lớn sang bến Bạch Đằng, từ đó có cầu nối sang Thủ Thiêm nên không cần ngầm hóa ở phía đường Tôn Đức Thắng nữa. Sau này TP còn có trạm metro ngay Thương xá Tax, có thể đi bộ băng qua bến Bạch Đằng, sang Thủ Thiêm trong khoảng 10 phút. Để kết nối bờ Đông và bờ Tây sông Sài Gòn có thể làm thêm tuyến monorail nối từ Thương xá Tax, chạy băng qua bên kia sông đến quảng trường Thủ Thiêm. Người dân, du khách muốn qua quảng trường Thủ Thiêm có thể đi bộ khoảng 2 km, hoặc đi bằng monorail tầm 2 - 3 toa. Khi tổ chức được như vậy, đường Tôn Đức Thắng sẽ là tuyến đường có cây xanh rất đẹp mà đỡ tốn kém chi phí đường ngầm”, ông Nam Sơn đề xuất.

Để có thêm chỗ đậu xe, KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị trục ven sông từ khu Thanh Đa chạy dài đến khu cảng Sài Gòn có thể làm một số điểm dịch vụ thương mại ngắm cảnh, nghỉ chân và những bãi xe dọc tuyến này. Khi đó, người dân thay vì chạy xe đến bến Bạch Đằng để tham quan trung tâm thì có thể đậu xe ở nhiều bãi xe dọc theo tuyến rồi đạp xe đạp dạo chơi vào trung tâm TP. TP lúc đó sẽ có nhiều bãi xe, để khi có lễ hội, người dân thong dong đi xe đạp, đi bộ vào trung tâm và khu vực này sẽ không bị dồn ứ. Khi đó, lễ hội sẽ không chỉ là khu bến Bạch Đằng mà tập trung hai bên sông đèn sáng, người đi lại suốt hai tuyến. Thậm chí, họ có thể đi đường sông, tấp vào các trạm nghỉ chân là bến thuyền… Cả chục cây số ven sông người đi bộ dập dìu nhưng khu trung tâm không kẹt xe, luồng giao thông phân tán, nguyên tuyến này TP có thể trồng cây tạo bóng mát hai bên.

Nếu làm đường ngầm Tôn Đức Thắng và dọc bến Bạch Đằng sẽ tạo thành các bức tường của đường hầm, từ đó ngăn thoát nước ra sông, tạo nguy cơ nước dội ngược làm ngập khu trung tâm. Các công trình ngầm cũng vậy, sẽ ngăn nước thấm xuống đất. Bài học đã thấy ở TP là nhiều vỉa hè bị bê tông hóa, giảm diện tích thấm nước làm gia tăng nguy cơ ngập cục bộ do mưa, nên sau đó phải bóc lên làm lại để có diện tích thu nước.

KTS Khương Văn Mười (nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.