Có nên nghĩ đến một bảo tàng tranh Đông Dương?

29/11/2021 07:00 GMT+7

Vừa qua, việc Bảo tàng Munch - nơi trưng bày bộ sưu tập những tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng thế giới Edvard Munch, được chuyển tới tòa nhà mới xây dựng đã trở thành sự kiện văn hóa lớn không chỉ của người dân thủ đô Oslo mà của cả đất nước Na Uy.

Công chúng tới đây có thể chiêm ngưỡng hơn 26.700 bức tranh, bản in, ảnh chụp, bức vẽ và tranh màu nước của danh họa Munch trong giai đoạn từ năm 1873 đến 1944, trong đó có 200 tác phẩm được trưng bày thường xuyên. Bảo tàng Munch (mới) đã trở thành bảo tàng lớn nhất thế giới dành riêng cho một họa sĩ, được chờ đợi không chỉ là nơi thu hút công chúng yêu nghệ thuật mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới Oslo.

Bức tranh sơn dầu Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ đã xác lập kỷ lục giá tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế với giá 3,1 triệu USD

Edvard Munch (1863 - 1944) là họa sĩ Na Uy theo trường phái tượng trưng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bức tranh Tiếng thét, đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của nghệ thuật thế giới. “Đối với người dân Na Uy, Munch không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng thế giới mà còn là niềm tự hào, một trong những biểu tượng nghệ thuật của Na Uy. Khi nói đến Munch là nghĩ ngay đến Na Uy và ngược lại”, ông Stein Olav Henrichsen, Giám đốc Bảo tàng Munch nói. Đó cũng là lý do vì sao việc xây dựng một bảo tàng dành riêng cho danh họa Munch được quan tâm nhiều như vậy tại quốc gia này.

Nhìn lại nền nghệ thuật của Việt Nam, nhiều họa sĩ mỹ thuật Đông Dương (theo học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã góp phần tạo nên thời kỳ phát triển rực rỡ cho mỹ thuật Việt. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được họa sĩ người Pháp Victor Tardieu và họa sĩ Nam Sơn lập nên đã giúp những họa sĩ Việt Nam được tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây đầy mới mẻ qua mỹ thuật. Chính điều này khiến những tác phẩm của họ có sự giao thoa giữa Đông và Tây tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt. Nhiều tác phẩm tranh Đông Dương đã nổi tiếng thế giới và có giá trị cao trên sàn đấu giá quốc tế. Việc những tác phẩm của những họa sĩ Đông Dương được “gõ búa” với mức giá “triệu đô” đã không còn quá lạ lẫm với giới mỹ thuật trong nước và nước ngoài. Tháng 4 vừa qua, bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) được nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông bán với giá 3,1 triệu USD (khoảng 72,3 tỉ đồng), đã xác lập kỷ lục của đấu giá tranh Việt trên sàn đấu giá quốc tế.

Do nhiều yếu tố khác nhau, một số lượng lớn tác phẩm của những họa sĩ Đông Dương đã ra nước ngoài, trong khi số tranh Đông Dương trong nước không còn nhiều. Việc trưng bày những tác phẩm của họa sĩ Đông Dương hiện nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì khá khiêm tốn so với số lượng tranh còn lại ít ỏi này. Theo bà Nguyễn Hải Yến, từ lâu không mấy ai chú ý đến việc quảng bá những tác phẩm mỹ thuật kinh điển của Việt Nam mà cụ thể ở đây là tranh Đông Dương. Bên cạnh đó, suốt nhiều năm, trong nước như không có kho dữ liệu thông tin (bao gồm tác phẩm, phong cách, chữ ký…) của những họa sĩ Đông Dương. Chính việc thiếu nguồn thông tin, tư liệu chính thống đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến việc phân biệt tranh Đông Dương thật - giả khó khăn hơn, từ đó tranh Đông Dương giả xuất hiện ngày càng nhiều trên sàn đấu giá quốc tế, thậm chí trở thành vấn nạn không chỉ làm ảnh hưởng đến giá trị của tranh Đông Dương thật, mà cả vị trí của mỹ thuật Việt Nam.

Một bảo tàng tranh Đông Dương với không gian vừa vặn trưng bày những tác phẩm ở trong nước, cùng việc đưa những tác phẩm đang ở nước ngoài trở về qua hình thức số hóa, cùng với đó là kho dữ liệu thông tin về tác phẩm và họa sĩ, có phải là điều nên được nghĩ đến?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.