Có nên nới 'room' cho người nước ngoài mua nhà?

28/04/2020 06:21 GMT+7

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có kiến nghị Chính phủ nới room (tỷ lệ) được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều người có nhu cầu nhưng hết room

Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) cao cấp, tại khu vực Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), cho biết hiện nay nhu cầu về nhà ở cao cấp của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn vì giá BĐS tại Việt Nam rẻ hơn một số nước trong khu vực. Đơn cử, giá căn hộ tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình 5.500 - 6.500 USD/m2 (hơn 130 - 155 triệu đồng), thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) trong khi tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Tăng tỷ lệ cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp thu hút nguồn vốn, tăng tính minh bạch của thị trường
Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc SonKim Land
Chính vì vậy, khi dự án của công ty ông mở bán đã thu hút được rất lớn các khách hàng nước ngoài mua để ở và đầu tư, trong đó nhiều nhất là khách hàng đến từ Hồng Kông và Hàn Quốc. “Dự án của chúng tôi ở Q.2 có mức bán khoảng 5.000 USD/m2 (gần 120 triệu đồng), người nước ngoài đăng ký rất nhiều nhưng do giới hạn room nên rất nhiều khách hàng trong số đó không thể mua được. Những người này đang sống và làm việc ở Việt Nam, họ muốn mua nhà để an cư cũng như kỳ vọng giá căn hộ sẽ tăng trong thời gian tới”, vị này cho hay.
Dự án Nassim Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) thu hút khách nước ngoài tham gia mua căn hộ và cũng có không ít khách nước ngoài đã không mua được căn hộ do hết room. Nhiều người trong số này đã đồng ý phương án thuê nhà trong thời gian 50 năm, hết 50 năm tiếp tục gia hạn thuê với chủ đầu tư.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết qua nghiên cứu và thống kê của hội cho thấy nhu cầu mua BĐS của khách nước ngoài chủ yếu tập trung ở phân khúc BĐS cao cấp bao gồm nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng và có vị trí đắc địa ở các địa phương.
Họ không thật sự hứng thú với các sản phẩm ở phân khúc trung cấp và bình dân như người Việt. Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng theo ông Hoàng, theo luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, liền kề thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà trong một khu dân cư tương đương cấp phường.
Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng không được sở hữu nhà quá 50 năm trong các thỏa thuận giao dịch mua bán, cho thuê, thừa kế. Chỉ trong trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam mới được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Điều này đã hạn chế một phần nguồn lực đổ vào BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Lo phân khúc nhà ở bình dân bị quên lãng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây cơ cấu hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng ghi nhận nguồn cung khá lớn. Bộ Xây dựng cho rằng đang có chiều hướng tồn kho BĐS cao cấp. Đó là lý do Hội Môi giới BĐS Việt Nam có kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp.
Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc SonKim Land, kiến nghị nếu tăng tỷ lệ người nước ngoài sở hữu căn hộ trong một dự án khoảng 49% là hợp lý bởi điều này sẽ giúp nền kinh tế trong nước phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch sớm hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào.
“Tăng tỷ lệ cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp thu hút nguồn vốn, tăng tính minh bạch của thị trường. Đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, ông Han Suk Jung kiến nghị.
Một lãnh đạo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea) lại cho rằng việc nới room cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường BĐS, nhất là ở phân khúc BĐS cao cấp, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng khi người nước ngoài ở trong một dự án quá nhiều. Không những thế, khách hàng nước ngoài do mạnh về vốn có thể cạnh tranh trực tiếp đối với khách hàng trong nước. Nguồn vốn nước ngoài khi đổ mạnh vào một phân khúc cao cấp có thể “hút” các doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào phát triển các dự án nhà ở phân khúc này quá nhiều mà “quên” đầu tư vào nhà xã hội, căn hộ bình dân, từ đó cơ hội cho người nghèo mua nhà ở bình dân sẽ “hẹp đi”.
Trong khi Bộ Xây dựng đang báo cáo phân khúc nhà ở cao cấp, condotel, BĐS nghỉ dưỡng cung vượt cầu thì với việc mở room cho người nước ngoài mua nhà ở phân khúc này càng khiến các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư BĐS cao cấp, gây mất cân đối nguồn cung hơn nữa. Do đó, trước khi nới room cần nghiên cứu cẩn thận, có những đánh giá xác đáng hơn, nhất là về mặt tác động an ninh, an sinh xã hội và đối với cơ hội cho người nghèo mua nhà.
Một lãnh đạo HoREA
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.