Có nên thăng tướng cho chỉ huy trưởng quân sự tỉnh?

05/11/2024 16:02 GMT+7

Đại tướng Phan Văn Giang giải trình trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc nên xem xét quy định chỉ huy trưởng quân sự tỉnh được trần quân hàm cấp tướng.

Ngày 5.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại biểu Lữ Văn Hùng (đoàn Bạc Liêu) kiến nghị xem xét một số nội dung liên quan đến cấp quân hàm của lực lượng quân đội.

Có nên thăng tướng cho chỉ huy trưởng quân sự tỉnh?- Ảnh 1.

Đại biểu Lữ Văn Hùng, đoàn Bạc Liêu

ẢNH: GIA HÂN

"Chỉ huy trưởng quân sự những thành phố lớn tôi không nói, cấp tướng tôi không nói, nhưng những thành phố còn lại cũng phải xem xét.

Ví dụ, giám đốc công an là thiếu tướng thì chỉ huy trưởng quân sự cũng phải là thiếu tướng, tại sao bên công an là thiếu tướng mà bên quân đội là đại tá, anh cũng là ủy viên thường vụ tỉnh ủy, tôi cũng là ủy viên thường vụ tỉnh ủy.

Việc này cũng phải xem xét nghiên cứu để làm sao cho tương xứng với nhau, mình không phải so bì để bằng nhau nhưng làm sao cho công bằng với nhau", ông Hùng nói.

Giải trình về ý kiến nêu trên của đại biểu, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay đây là vấn đề khó.

Bộ trưởng lấy ví dụ, giám đốc công an tỉnh chỉ có 1 thiếu tướng, nhưng với lực lượng quân đội thì chỉ huy trưởng quân sự tỉnh còn liên quan đến chính ủy, rồi chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh cũng còn có cả chính ủy.

"Bốn 4 anh này như nhau mà lại chỉ chọn ra phong một anh thì khó cân lắm, hôm nay phong cho quân đội, cho quân sự, ngày mai phong cho biên phòng thì khó. Cho nên, chúng tôi xin vẫn cứ đại tá", đại tướng Phan Văn Giang phân tích.

Thêm vào đó, nhiệm vụ giữa lực lượng công an và quân đội cũng khác nhau. Lực lượng vũ trang trong giai đoạn thời bình, nơi biên giới, nơi hải đảo, nơi đảo xa vất vả hơn rất nhiều các tỉnh nội địa. Trong khi đó, công an các tỉnh nội địa lại có khi việc trọng yếu hơn, bởi vì có các việc khác.

"Cho nên, nếu giả sử xét cũng là một cơ sở chúng tôi thấy rất khó khăn", đại tướng Phan Văn Giang cho hay.

Có nên thăng tướng cho chỉ huy trưởng quân sự tỉnh?- Ảnh 2.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

ẢNH: GIA HÂN

Tối đa 415 vị trí cấp tướng

Theo dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tổng số quân hàm cao nhất là cấp tướng tối đa là 415 vị trí, giữ nguyên như luật hiện hành.

Trong đó, cấp quân hàm đại tướng số lượng không quá 3, bao gồm các chức vụ: bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Thượng thướng, đô đốc hải quân, số lượng không quá 14, gồm: thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng, đô đốc hải quân không quá 6.

Phó tổng tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng không quá 3. Ngoài ra, còn có giám đốc, chính ủy Học viện Quốc phòng.

Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, phó đô đốc hải quân, thiếu tướng, chuẩn đô đốc hải quân; số lượng không quá 398.

Các chức vụ, chức danh từ phó tư lệnh, phó chính ủy binh chủng; phó tư lệnh, phó chính ủy vùng hải quân tới trung đội trưởng (quy định từ điểm h tới điểm r điều 11 của luật về chức vụ của sĩ quan), có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy.

Dự thảo luật cũng đề nghị, sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng.

Sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng.

Sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.