Có nên thêm quyền điều tra cho công an phường, xã?

08/08/2014 09:00 GMT+7

Dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đề xuất tăng quyền hạn của công an xã, phường đã khiến nhiều người lo ngại.


Nếu lực lượng công an phường, xã được tăng quyền điều tra, có thể dẫn đến nhiều bất cập - Ảnh: Minh Sang

Vừa qua, Bộ Công an có đưa ra dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để lấy ý kiến góp ý, trước khi trình Quốc hội xem xét. Trong đó, khoản 2, điều 25 ghi rõ: Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an tiếp nhận người phạm tội do nhân dân giải đến thì tiến hành lập biên bản vụ việc, cử người vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, dẫn giải người phạm tội lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường... chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến cả quá trình tố tụng sau này

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch

Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an tự phát hiện bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám người, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật, lấy lời khai, dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền...

Đơn giản là tiếp nhận và chuyển thông tin ?

Trả lời Thanh Niên về vấn đề trên, đại tá Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ Công an, khẳng định: dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự của Bộ Công an hoàn toàn không đề cập tới việc công an xã có thẩm quyền hoạt động điều tra, mà chỉ là tiếp nhận những thông tin vụ việc và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, nếu đúng là tin báo tố giác tội phạm. Điều này phù hợp với Pháp lệnh công an xã, phù hợp với bộ luật tố tụng. Giải thích thêm, ông Quân đưa ra ví dụ: “ở địa bàn xã xảy ra một vụ đâm chém, thanh toán nhau, nhận được tin báo, lực lượng công an xã phải lập tức xuống hiện trường. Tại hiện trường, có nhân chứng bị trọng thương, khả năng sống rất thấp. Trong trường hợp này, các công an xã phải bằng mọi cách khẩn trương ghi lại lời khai, tránh không để nhân chứng tử vong, như vậy việc điều tra là rất khó khăn”.

Giải đáp về những lo ngại sẽ xảy ra oan sai, khi công an xã tiếp nhận, phân loại và gửi tới cơ quan điều tra thông tin không xác thực, đại tá Quân cho hay: “Trong trường hợp không phải là tin báo tố giác tội phạm mà công an xã nhận thức là nguy hiểm, chuyển cho cơ quan điều tra thì cũng không thể coi đó là oan sai. Và khi đó cơ quan điều tra phải có trách nhiệm điều tra lại”. Chưa hết, về vấn đề công an xã được “tăng quyền”, cụ thể là tham gia vẽ sơ đồ hiện trường, theo đại tá Quân, đây mới là dự thảo và còn thay đổi nhiều khi trình ra Quốc hội.

Khó thực thi, dễ oan sai

 

Phải là người có chuyên môn

Theo tôi, không nên quy định công an xã, phường được tham gia một số hoạt động điều tra ban đầu vì công tác điều tra phải là người có chuyên môn, có trách nhiệm chuyên về nghiệp vụ này, không thể dùng số lượng thay chất lượng được.

Với các thành phố lớn, đông dân, có thể tăng cường thêm một số điều tra viên phân công đặc trách địa bàn thôi, chứ không nên đặt thêm một cấp điều tra ở xã, phường nữa. Quy định như vậy vừa không giúp công an xã, phường làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn có thể làm tăng biên chế, tăng thêm gánh nặng ngân sách, nghiệp vụ không bảo đảm, sau này khi xảy ra chuyện như lọt tội, oan sai sẽ rất khó truy trách nhiệm.

LS Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH

Bảo Cầm (ghi)

Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Thêm (Viện phó Viện phúc thẩm 3 - Viện Kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố - Viện KSND tối cao tại TP.HCM) cho biết đây chỉ là dự thảo luật, còn việc thực hiện không dễ. Bởi dự thảo chỉ là đề xuất, thực thi được hay không chưa nói được.

Trên thực tế, khi ban hành luật cần căn cứ vào bộ luật gốc. Hoạt động điều tra và công tác điều tra phải được xây dựng đồng bộ, không thể đưa “luật con lên trước luật cha”. Việc xây dựng luật này nếu không khéo sẽ “chồng chéo, đá lẫn nhau”. Trong thực tiễn thì công an cấp xã, phường không có chức năng điều tra theo bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, hiện nay cấp xã không có bộ máy điều tra viên chuyên nghiệp, nên không thể giao việc điều tra cho công an cấp xã. Ngay cả các cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên gọi là điều tra viên chuyên nghiệp còn có những sai sót, sai lầm trong công tác tố tụng thì công an cấp xã cũng khó tránh khỏi.

Hiện tại, các công an cấp xã, phường chỉ có nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, giữ nguyên hiện trường để điều tra viên các ngành chức năng cấp trên xuống làm công tác điều tra theo chuyên môn. Làm sao công an phường, xã có chức năng thu thập dấu vết, lấy lời khai, khoanh vùng đối tượng như điều tra viên chuyên nghiệp.

Còn theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), dự thảo trên có một số vấn đề cần phải bàn luận. Về mặt chủ quan, có thể nhận thấy rằng việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường… nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn tội phạm, bắt giữ người phạm tội, không để người phạm tội lẩn trốn, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ… là hoàn toàn có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên về mặt khách quan, có thể nhận thấy việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường... chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến cả quá trình tố tụng sau này. Nếu như những hoạt động điều tra ban đầu này phiến diện, chủ quan duy ý chí thì chắc chắn sẽ dẫn đến hàng loạt các kết quả sai lệch trong điều tra vụ án hình sự.

Qua thực tiễn hiện nay, nhiều vụ án oan đã xảy ra, nhiều cái chết mang tính “bất thường” khi được “mời về xã, phường làm việc”... cũng là điều đáng quan ngại. Do đó, giao thêm “thẩm quyền” tiến hành hoạt động điều tra ban đầu (cho dù là những hoạt động giản đơn, cơ bản) cho công an xã, phường là không thuyết phục.

Rõ ràng là bất cập

Rõ ràng là bất cập... Nói nôm na, ở xã còn có quan hệ họ hàng, dòng tộc, ông trưởng công an xã đó sẽ chịu sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND, có khi làm mất đi tính khách quan của công tác phòng chống tội phạm. Quy định như vậy có nguy cơ dẫn đến lọt tội phạm, oan sai, vì cho xác minh đến 6-7 ngày thì còn gì là bằng chứng nữa. Hơn nữa, ở cấp xã thì cũng đã có công an huyện ở gần đấy rồi. Phải chăng chỉ nên giao công an xã, phường bảo vệ hiện trường và thông báo ngay cho cơ quan điều tra chuyên trách xuống làm việc, chứ không nên quy định cho phép tiến hành một số bước điều tra như dự luật.

Quan điểm cá nhân tôi là không nên giao quyền điều tra cho công an xã, phường.

Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH

Bảo Cầm (ghi)

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.