Có nên tiết kiệm khi chống khủng bố bạo loạn?

26/10/2021 15:34 GMT+7

Thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Cảnh sát cơ động sáng 26.10, đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều quan điểm khác nhau về quy định trang bị máy bay, tàu thuyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ủng hộ quan điểm mua sắm trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động

gia hân

Tại khoản 2, điều 21 dự thảo luật quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), quy định này là không hợp lý bởi lực lượng quân đội như không quân, cảnh sát biển hay kiểm ngư đã có sẵn các phương tiện, thiết bị này.

“Tại sao chúng ta không phối hợp sử dụng khi cần thiết?”, đại biểu Hoà băn khoăn, và cho rằng quân đội sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với lực lượng công an, lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ.

“Nếu trang bị thêm máy bay, tàu thủy cho Cảnh sát cơ động sẽ rất tốn kém về ngân sách trong việc mua sắm, huấn luyện”, đại biểu này nói và cho rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn về kinh tế và Việt Nam được đánh giá là quốc gia yên bình, khủng bố, bạo loạn có thể xảy ra nhưng rất ít, thì việc mua sắm đó có cần thiết?

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, việc trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn và nó cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.

"Đất nước chúng ta còn khó khăn nhưng đã dành dụm, ưu tiên rất lớn đầu tư nguồn lực, trang bị cho các lực lượng vũ trang bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm, chứ nhất định không thể có tư tưởng quyền tôi, quyền anh, gây lãng phí không cần thiết. Trong khi quân đội, công an rất cần được đầu tư thêm phương tiện, vũ khí để tiến lên chính quy, hiện đại. Vậy cách nào tốt hơn và tối ưu hơn?", ông Thắng đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo đại biểu Thắng, có nhất thiết và nhất định phải trang bị riêng phương tiện tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ không, khi mà chúng ta có sẵn các phương tiện để huy động sử dụng khi cần thiết?

"Tôi đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định", đại biểu Thắng bày tỏ.

"Không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị máy bay, vũ khí cho cảnh sát cơ động"

Bấm nút xin tranh luận lại với đại biểu Hòa, ĐB Đặng Hồng Sỹ ((Bình Thuận)) cho rằng nếu để lực lượng Cảnh sát cơ động trưng dựng phương tiện tiện thiết bị của quân đội là không phù hợp. Theo ĐB Sỹ, chức năng nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là bảo đảm an an ninh trật tự ở địa phương, chống bạo loạn, khủng bố.

"Nếu chúng ta sử dụng phương tiện của quân đội tham gia trong các vụ việc này không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cảnh sát cơ động và dễ bị thế lực thù địch lợi dụng đưa ra quân đội, công an ra để đàn áp nhân dân”, ĐB này nói, và đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo Luật.

Cùng tranh luận lại với quan điểm của ĐB Phạm Văn Hòa và đại biểu Hoàng Đức Thắng, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) bày tỏ chia sẻ quan điểm phải tiết kiệm trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đại biểu này nhấn mạnh vai trò lực lượng cảnh sát cơ động là nòng cốt của Công an trong việc chống khủng bố, bảo đảm an ninh trật, và cho rằng không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị máy bay, vũ khí cho họ.

"Nếu họ ngăn chặn được những vụ khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh quốc gia thì không thể đo đếm được bằng tiền. Kinh nghiệm thế giới cho thấy lực lượng này cần phải được trang bị hiện đại nhất. Thế giới phát triển rất nhanh, nếu chúng ta không phản ứng kịp thời thì không theo kịp tình hình. Nếu chuyện này mà tiết kiệm, có gì xảy ra sẽ rất ân hận”, ĐB Thịnh nhận định, và tiếp tục đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo Luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.