Có nên tin vào các TikToker 'review quán ăn'?

14/08/2022 16:41 GMT+7

Sau những tranh cãi của các TikToker và các chủ hàng quán, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ ý kiến và cho biết vì sao trào lưu ' review quán ăn ' tồn tại và thu hút người xem nhiều đến vậy.

Vì sao giới trẻ xem "review quán ăn"?

Mỗi ngày, khi có thời gian rảnh, Đặng Lan Vy (23 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc tại Q.Tân Bình, TP.HCM) đều mở các ứng dụng mạng xã hội để xem và giải trí. Các mạng xã hội Vy thường vào như Facebook, YouTube và nhất là TikTok. Tuy nhiên, kênh giải trí là chủ đề luôn cuốn hút cô gái này, trong đó có những kênh “review quán ăn”.

“Tôi xem video “review ẩm thực” vào những lúc rảnh rỗi vì những chủ đề này được thuật toán hiện lên với tần suất dày đặc. Từ đó, tôi cứ xem, càng xem càng bị cuốn theo nó lúc nào không hay”, Lan Vy nói. Một ngày, Vy mất khoảng 30 phút để xem các kênh "review quán ăn".

Các kênh "review quán ăn" luôn có lượt theo dõi lớn

chụp màn hình

Trong khi đó, Phan Phú Mỹ (28 tuổi, ngụ đường Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận) cho rằng "review món ăn" hay quán ăn đã và đang trở thành xu hướng không thể thiếu với giới trẻ hiện nay. Dù thích hoặc không thì những hiện tượng này sẽ xuất hiện và tồn tại trong thời buổi mạng xã hội phát triển.

Tuy nhiên, với người trẻ, việc chọn xem các kênh của những người, nhóm chuyên "review quán ăn" tùy thuộc vào lựa chọn, độ yêu thích cá nhân. Bản thân Phú Mỹ cũng thường xem vì thú thật nó cuốn hút và đi vào tâm lý của người trẻ là thích ăn, chơi và trải nghiệm…

“Một khi cái gì mới, lạ là đồng nghĩa với việc thu hút người xem. Chưa kể cách thể hiện của người làm nội dung rất lôi cuốn, luôn kéo người xem theo dõi từng video này đến video khác”, Phú Mỹ nói.

Nguyễn Thái Hưng (23 tuổi, chuyên viên sự kiện ở Công ty Golden Event) chia sẻ, thường dành khoảng 30 phút mỗi ngày để xem các “review quán ăn”. Bởi vì những kênh này đánh trúng vào tâm lý thích ăn uống và luôn thích tìm kiếm những địa điểm ăn uống mới của Hưng. Cho nên, xem "review quán ăn" luôn là lựa chọn hàng đầu trong nhu cầu giải trí của cậu.

Phong cách review của các bạn khá cuốn hút, thôi thúc tôi phải trải nghiệm thử. Ngoài ra, khi xem các kênh này, mình có thêm kinh nghiệm, các điểm cần lưu ý khi đến ăn các món/quán ăn. Ngoài ra, hiện nay, có quá nhiều kênh review và nhiều người thực hiện nên đây là xu hướng và dự kiến vẫn sẽ vẫn còn 'hot', nếu khán giả vẫn dành sự quan tâm và tương tác lớn cho các kênh này”, Hưng chia sẻ.

Giới trẻ có tin vào “người review”?

Theo Đặng Lan Vy, câu chuyện “review quán ăn” hiện nay cũng thượng vàng hạ cám. Có những TikToker có tâm, chọn lọc quảng cáo cho sản phẩm rất kỹ lưỡng, phù hợp với định hướng vì thế "review" thật: khen, chê rõ ràng, đúng với bản chất.

Ngược lại, Vy cho rằng cũng có những kênh "review" kiếm tiền. Đâu đó ở giai đoạn đầu họ cũng đầu tư chất xám, nguồn lực rất nhiều để làm thương hiệu nhưng sau đó vì “chốt đơn” quảng cáo quá nhiều nên nội dung "review" trở nên hời hợt, thậm chí chỉ toàn những lời khen có cánh mà sự thật thì quán ăn đó, món ăn đó, hoặc sản phẩm đó không như những cam kết chất lượng được phát đi trên mạng.

Một số chủ quán bị ảnh hưởng không ít bởi những clip đánh giá của các TikToker

hà ngư

Vy nói thêm: “Để là một người "review quán ăn" uy tín thì phải là một chuyên gia, am hiểu trong lĩnh vực ẩm thực. Không phải chọn cảm giác riêng của mình rồi “phủ đầu” bằng những lượt theo dõi khủng để kết luận một quán ăn tệ hoặc quá ngon như vậy. Đa phần các TikToker hiện nay đều dùng câu: “đây là cảm nhận cá nhân” để ngụy tạo vỏ bọc cho mình”.

Với Vy, dù xem nhưng cô chưa bao giờ đến các quán ăn hay mua sản phẩm từ các kênh review, livestream… vì cô luôn hoài nghi chất lượng sản phẩm trôi nổi, thổi phồng trên môi trường internet. “Với tôi, để thuyết phục bản thân chi tiền phải xuất phát từ trải nghiệm từ thực tế của mình”, Vy giải thích.

Thừa nhận đã từng đến các quán ăn theo lời review, nhưng Thái Hưng chọn cách chỉ xem các review chân thật, nghĩa là có điểm gì tốt hoặc chưa tốt, đều đề cập đến và lưu ý.

Tuy vậy, Thái Hưng không bao giờ tin 100% vào TikToker và luôn ở trạng thái tham khảo. “Review là nêu cảm nhận về trải nghiệm của mỗi người. Và dĩ nhiên, mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Cảm nhận về trải nghiệm của các bạn review là yếu tố tham khảo để mình có trải nghiệm tốt hơn”, Hưng cho hay.

Còn Trần Bảo Vy (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) thường đến các quán ăn theo lời của TikToker nhưng chưa bị “sập hầm” lần nào. Còn có nên tin TikToker "review quán ăn" không, Vy cho rằng mỗi người cần trang bị những kiến thức, góc nhìn cụ thể trước khi theo lối dẫn dắt của họ. Vì vậy, Vy luôn đánh giá các quán trước khi tìm đến. Cụ thể là Vy đọc bình luận, số lượt theo dõi, phân tích đâu là video có quảng cáo và đâu là một "review quán ăn" tự nhiên rồi mới quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.