Có nên trao hết nước sạch vào tay tư nhân?

01/11/2019 06:34 GMT+7

Để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân..., trong khi chính sách có quá nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả vô cùng khó lường.

Cá bé “nuốt” cá lớn

Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, khi CPH chọn đối tác phải buộc DN cam kết đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu nước dùng cho người dân, đảm bảo đúng quy chuẩn VN, giải quyết yêu cầu hợp lý của khách hàng. Cơ chế này phải được điều chỉnh bằng luật, ai làm sai, sai đến đâu phải truy cứu trách nhiệm chứ không thể bằng các cơ chế bắt tay, thỏa thuận rất lỏng lẻo như hiện nay. Sau khi ban hành được hệ thống chính sách, pháp luật CPH đầy đủ mới tiếp tục thoái vốn.
Theo các quyết định của Thủ tướng, nước sạch thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50%; năm 2020 nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.
Số liệu của Hội Cấp thoát nước VN cho thấy, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp (DN) nhà nước thoái vốn. Trên 63 tỉnh, thành cả nước làn sóng thâu tóm các DN nước sạch diễn ra rầm rộ với sự nhập cuộc của các đại gia trong nước và cả các DN nước ngoài. Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mua lại Công ty TNHH MTV nước sạch Vinaconex thuộc Bộ Xây dựng. “Ông chủ” của Viwasupco là Tổng CTCP thiết bị điện VN (Gelex). Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT của Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, một doanh nhân còn khá trẻ (35 tuổi). Ông Tuấn cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Viglacera.
Mới bước chân vào ngành nước sạch 2 năm, CTCP nhựa Đồng Nai (DNP) đã thâu tóm, mua lại hàng loạt công ty tại nhiều địa phương trên cả nước như: Công ty nước sạch 3 Hà Nội, Công ty cấp thoát nước Bình Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Long An... Phía bắc, CTCP cấp thoát nước Ninh Bình “rơi” vào tay Công ty Hoàng Dân thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Dân, một đại gia với thú chơi siêu xe. Tuy nhiên, xét về vị thế thì Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne mới là ông lớn đích thực. Tập đoàn thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT; đang triển khai nhà máy 5.000 tỉ đồng, cung cấp 300.000 m3 nước/ngày đêm cho khoảng 3 triệu người dân Hà Nội.
Sự xuất hiện ồ ạt của các DN tư nhân từ đủ mọi ngành nghề biến thị trường nước sạch định giá hàng chục tỉ USD bị giành giật rất khốc liệt. Song nó cũng để lại nhiều hệ lụy rất tiêu cực. Đầu tháng 10 vừa qua, sự cố Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống, đe doạ sức khỏe của hàng vạn hộ dân... Qua đó, bộc lộ rất nhiều yếu kém và sự tắc trách của DN cũng như chính quyền từ T.Ư đến địa phương khi “đá” trách nhiệm cho nhau; lúng túng trong giải quyết hậu quả.
Không chỉ vụ nước sạch sông Đà, 4 ngày trước lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 (xã Phù Đổng, H.Gia Lâm, Hà Nội), Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã gửi công văn cảnh báo nhà máy này chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống... Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, H.Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3.6.2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế. Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác.

Lo ngại mất an ninh nguồn nước

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị nhà nước không nên thoái vốn toàn bộ mà cần phải có lộ trình và nắm một phần vốn nhất định trong các công ty cấp thoát nước. Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước VN, cho biết nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển KT-XH; và đây cũng là quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Do đó, việc bảo đảm nước sạch cho cộng đồng, theo ông Hưng phải là của nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một nhóm hay một DN nào làm thay. Vừa qua, TP.HCM đã gửi văn bản xin Chính phủ không cổ phần hóa (CPH) DN ngành nước, với các công ty đã bán vốn một phần thì nhà nước vẫn phải giữ cổ phần chi phối.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng CPH là đúng nhưng nhà nước chưa nên buông hoàn toàn nước sạch trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn quá nhiều lỗ hổng. “Nguyện vọng của các DN ngành nước là phải có một luật cấp thoát nước để điều chỉnh. Còn cứ để như thế này rất khó xử lý khi sự cố xảy ra. Chúng ta đang chạy theo CPH mà không quan tâm đến kết quả sau CPH”, ông Thỏa nói và kiến nghị, đối với các DN trước đã thoái vốn dưới 50% sẽ giữ nguyên không hồi tố. Còn với DN chưa CPH thì nhà nước vẫn nên giữ tỷ lệ cổ phần trên 50%.
Lý giải thêm, theo ông Thỏa, ngoài rủi ro cấp nước, nhiều quốc gia đã đối mặt với việc mất an ninh nguồn nước khi bị các công ty nước ngoài thâu tóm. Thực tế, tại VN đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, chẳng hạn CTCP đầu tư VN - Oman là liên doanh giữa Quỹ Dự trữ quốc gia của Oman và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy nước sông Hậu phục vụ địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang; Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) thông qua việc mua cổ phần của CTCP hạ tầng nước Sài Gòn (SII)... “Nếu DN nước ngoài vào làm ăn chính đáng thì rất tốt, nhưng núp bóng nơi nọ nơi kia mua cổ phần, thâu tóm kiểm soát toàn bộ khâu sản xuất, bán lẻ thì nhà nước không quản lý được, họ sẽ khống chế hết hệ thống nước sạch”, ông Thỏa đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.