Bên lề hội thảo về bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch do Hội tĩnh mạch học TP.HCM tổ chức ngày 28.3, TS-BS Lê Phi Long, Khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ai cũng sợ bị huyết khối vì biến chứng của nó rất nặng nề. Ví dụ như huyết khối lên não sẽ gây đột quỵ, huyết khối ở tim gây nhồi máu cơ tim… Do vậy, trên thị trường hiện có nhiều thuốc kháng đông được quảng cáo có công dụng phòng ngừa huyết khối, phòng ngừa biến cố tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim…
Nhưng theo TS-BS Phi Long những thuốc kháng đông là thuốc độc, rất nguy hiểm, vì chỉ cần uống sai liều 1 xíu thì có thể gây xuất huyết não và nặng hơn gấp 10 lần nhồi máu não. Nên những thuốc này hoàn toàn không thể nào tự uống được, chỉ khi nào bệnh nhân được chẩn đoán có bệnh lý huyết khối thì mới được dùng.
Ngoài ra, có một số bệnh nhân uống thuốc kháng đông để phòng ngừa huyết khối, như bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối từng bị bệnh máu đông, bệnh nhân bị tăng đông bẩm sinh.
"Không phải uống thuốc kháng đông để phòng ngừa đông máu, vì biến cố đông máu có rất nhiều nguyên nhân về huyết học, chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, già yếu nằm lâu ngày, bệnh ung thư, bệnh lý thành mạch, bệnh tăng đông máu… Do đó không phải uống thuốc kháng đông là an toàn", TS-BS Phi Long nói.
Cũng theo TS-BS Phi Long, bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là biến cố cấp tính mạch máu đứng thứ ba sau nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch chính vẫn là điều trị nội khoa dùng thuốc kháng đông, điều trị yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó là phương pháp can thiệp nội mạch (lấy máu đông, nong, đặt stent), phẫu thuật.
Bình luận (0)