Có ngành chỉ 1 người trúng tuyển !

20/10/2020 08:17 GMT+7

Các trường ĐH địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh năm nay. Nhiều ngành thí sinh trúng tuyển lác đác phải tuyển bổ sung, có ngành trường xác định 'đóng cửa' ngay sau đợt 1.

Theo điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Quảng Nam lấy điểm chuẩn các ngành sư phạm bằng điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý, trường này có 7 ngành cử nhân ngoài sư phạm điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi chỉ ở mức 13 điểm 3 môn. Ở phương thức xét học bạ, điểm trúng tuyển cũng ở mức 15.
Dù điểm chuẩn trung bình trên 4 điểm/môn (gồm cả điểm ưu tiên nếu có) nhưng nhiều ngành của trường này vẫn rất ít thí sinh (TS) trúng tuyển đợt 1 bằng điểm thi tốt nghiệp. Theo danh sách TS trúng tuyển trường công bố, ngành bảo vệ thực vật chỉ có 2 TS, ngành văn học có 6 TS, ngành lịch sử 13 TS, sư phạm toán 8 TS. Hiện trường này đang nhận hồ sơ xét bổ sung 3 ngành (công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học) với điểm bằng điểm chuẩn đợt 1.

Điểm chuẩn 24 nhưng không có thí sinh trúng tuyển, vì sao ?

Một tình huống đặc biệt diễn ra tại Trường ĐH Đà Lạt năm nay. Trường công bố điểm chuẩn ngành sư phạm tin học 24 điểm nhưng không có TS trúng tuyển. Theo đại diện nhà trường, ngay từ thời điểm xác định điểm sàn, do số lượng TS đăng ký quá ít nên trường đặt điểm sàn 24 để TS điều chỉnh sang ngành khác. Bên cạnh đó, 2 ngành khác cũng có điểm chuẩn cao nhưng mỗi ngành chỉ có 2 TS trúng tuyển đợt 1 gồm: sư phạm sinh học điểm chuẩn 22 và sư phạm vật lý điểm chuẩn 21.
Trường này hiện đã ra thông báo xét tuyển bổ sung 700 chỉ tiêu cho 28 ngành từ 3 phương thức: điểm thi tốt nghiệp, học bạ và điểm thi đánh giá năng lực
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng nhà trường, đến thời điểm này trường có hơn 300 TS nhập học. Một số ngành có TS trúng tuyển nhưng không đến nhập học là: bảo vệ thực vật, văn học, vật lý… Một số ngành sư phạm từ đầu không có TS trúng tuyển là: sư phạm vật lý, sư phạm sinh học.
“Với những ngành chưa có người trúng tuyển hoặc trúng tuyển nhưng không nhập học, trường có thể không mở được lớp. Vì vậy, trường chủ động không thông báo xét tuyển bổ sung để TS không đăng ký”, thạc sĩ Thoa cho hay.
Trường ĐH Phú Yên chỉ tuyển TS bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho các ngành đào tạo sư phạm. Ngay trong đề án tuyển sinh ban đầu, trường thông báo chỉ xét tuyển học bạ với các ngành ngoài sư phạm bằng điểm học kỳ 1 hoặc học kỳ 2 lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 16,5 điểm.
Với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (18,5 điểm), trường này tuyển được 91 TS đợt 1 bằng điểm thi tốt nghiệp. Trong đó, một số ngành rất ít TS trúng tuyển như: sư phạm tiếng Anh 3 người, sư phạm lịch sử 2 người, sư phạm ngữ văn 3 người, sư phạm tin học 1, sư phạm toán học 4.
Theo thạc sĩ Lê Thị Kim Loan, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Đào tạo, trường hiện tuyển được hơn 300 TS từ tất cả các phương thức. Trong số 14 ngành tuyển sinh năm nay, trường chỉ có thể mở lớp với 7 ngành liên quan đến sư phạm, ngôn ngữ Anh và công nghệ thông tin. 7 ngành còn lại không có TS trúng tuyển, có ngành chỉ có 1 người nên trường đã chủ động trao đổi để TS chuyển nguyện vọng.
“Xu hướng này không khác năm trước đó khi những ngành khó tuyển đều liên quan đến khoa học cơ bản. Do xác định sớm về khả năng không thể mở lớp nên trường quyết định không tuyển bổ sung 7 ngành này”, thạc sĩ Loan chia sẻ.
Trường ĐH Đồng Nai năm nay không còn tuyển ngành sư phạm sinh học và 8 ngành sư phạm bậc CĐ. Dù vậy, một số ngành của trường này TS trúng tuyển không tới 10 người như: ngành quản lý đất đai 6 TS trúng tuyển, ngành khoa học môi trường 6 TS, sư phạm vật lý 3 TS… Trong khi đó, ngành giáo dục tiểu học chỉ tiêu xét điểm thi hơn 300 nhưng có tới hơn 500 TS trúng tuyển. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.