Nhiều ngành có lương 25, 30, 40 triệu đồng/tháng
Dẫn chứng cụ thể tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường, thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết 80% sinh viên (SV) trường này có việc làm ngay khi tốt nghiệp; 15% lựa chọn được công việc tốt sau 3 - 6 tháng; còn 5% thì chọn học liên thông lên ĐH.
Theo thạc sĩ Dũng, thế mạnh của SV trường là kiến thức vững, nền tảng kỹ năng vững vàng, tác phong công nghiệp, có khả năng giải quyết vấn đề kỹ thuật trong sản xuất, được thực tập sớm, nhiều SV đi thực tập xong đã được ký hợp đồng. Thậm chí nhiều SV được ký hợp đồng ngay sau buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, dự đoán trong giai đoạn 2021 - 2025, những lĩnh vực như công nghệ thông tin, logistics, marketing, nhóm ngành công nghiệp sẽ tuyển dụng rất lớn, nhiều doanh nghiệp tới tận trường tuyển người, cho biết sẽ trả mức lương 25, 30 hoặc 40 triệu đồng/tháng, tùy SV sẽ đáp ứng được những tiêu chí nào.
Các chuyên gia tư vấn cho thí sinh |
Thanh Hải |
Tuy nhiên, 40 triệu đồng vẫn chưa phải là thu nhập gây nhiều bất ngờ. Trả lời câu hỏi của một thí sinh tên Bảo Châu: “Em nghe nói ngành marketing online có lương cao, có thể 100 triệu đồng/tháng đúng không?”, thạc sĩ Phụng cho biết thực tế nhiều bạn trẻ đi làm có thu nhập cao hơn thầy cô nhiều. Trung bình, lương khởi điểm là 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhiều bạn đi làm từ năm thứ 3 ĐH, rồi dần dần tăng lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng.
“Khi các bạn tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm thì được 100 triệu đồng/tháng cũng không có gì bất ngờ. Marketing ngày càng phát triển, trong đó đặc biệt là marketing online, các bạn có thể thấy rõ trong đợt dịch vừa rồi, tất cả mọi thứ đều chuyển đổi sang trực tuyến”, cô Phụng cho hay.
Trình độ hay thái độ quyết định thu nhập ?
Theo thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, có nhiều yếu tố tác động tới thu nhập của người học sau ra trường. Mỗi bạn trẻ cần tập trung nâng cao chuyên môn và đừng quên “quan trọng nằm ở thần thái”. “Bên cạnh trình độ hãy chú ý thái độ. Mỗi người xây dựng cho mình một thương hiệu cá nhân. Hoàn thiện bản thân qua các hoạt động xã hội, cộng đồng”, thạc sĩ Trắng nói.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết không có sự lựa chọn sai, chỉ có “không phù hợp”. Khi chọn không phù hợp, dù trúng tuyển, các em học không hiệu quả, tiếp thu kiến thức ì ạch, luôn cảm thấy chán chường, khi bỏ học giữa chừng thì tốn kém tiền bạc, tuổi xuân...
Giải pháp của tình huống này là gì? Tiến sĩ Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2, cho hay trường đào tạo nhóm ngành kỹ thuật (như điện, cơ khí, tự động hóa) là chính. Năm đầu SV được đào tạo kiến thức chung. Khi kết thúc học kỳ đầu, nếu thấy không phù hợp, các em có thể chuyển ngành được.
Trong khi đó, thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể một ví dụ tại trường cho thấy biến “không” thành “có phù hợp” khi chọn ngành. Ông Nhơn kể một bạn trẻ tới từ một gia đình kinh tế tốt ở miền Trung, chuyên làm về cơ khí, do đó bạn chọn học cơ khí theo nguyện vọng của cả nhà. Tuy nhiên, bạn chỉ thích làm truyền thông và hay rong ruổi theo các đoàn làm phim để quay, chụp ảnh. Do đó điểm của bạn rất thấp, bị cảnh cáo học vụ. Gia đình rất sốc, bay từ quê vào TP.HCM hỏi rõ ngọn ngành, cuối cùng cho bạn được học truyền thông. Chỉ sau một năm, kết quả học tập của bạn thay đổi hoàn toàn.
“Chúng tôi cho phép SV chuyển ngành học khi thấy không phù hợp, nhưng vẫn rất mong các em và gia đình cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi chọn”, thầy Nhơn chia sẻ.
Đặt tay lên trái tim mình !
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nhấn mạnh 3 nguyên tắc để chọn đúng ngành là các em phải tự đặt câu hỏi tôi muốn gì, tôi kỳ vọng gì trong tương lai, cân nhắc đúng giữa năng lực và khát vọng; theo dõi dự báo xu hướng ngành nghề trong xã hội và tham khảo ý kiến từ người thân, bạn bè.
“Có thể người thân nhìn ra năng khiếu của em, mà chưa chắc các em đã nhận ra. Hãy đưa ra 10 ngành, rồi dần dần suy nghĩ, giảm bớt còn 3 ngành để đăng ký”, tiến sĩ Viên khuyên.
Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết không ai hiểu mình bằng chính mình. “Các em hãy đặt tay lên trái tim mình, để lắng nghe xem mình có phù hợp với công việc muốn làm trong tương lai không. Chọn nghề, ngành rồi mới chọn trường, chọn phương thức tuyển sinh. Chọn đúng ngành sẽ giúp các em không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, có thêm cơ hội thăng tiến trong tương lai”, thạc sĩ Thái trao đổi.
Ý kiến
Tiến sĩ Hà Thúc Viên |
Tiến sĩ Hà Thúc Viên: “Các em nên tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh mỗi trường, dù xét tuyển bằng học bạ hoặc tuyển thẳng, mỗi trường cũng sẽ khác nhau”.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu |
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: “Chúng tôi khuyến khích SV khởi nghiệp. Để khởi nghiệp thành công, ngoài kiến thức, thái độ, các em cần kỹ năng”.
Tiến sĩ Lê Quang Trung |
Tiến sĩ Lê Quang Trung: “Không học giỏi toán các em vẫn có thể học ngành điện, điện công nghiệp. Ngành này doanh nghiệp nào cũng cần”.
Thầy Võ Ngọc Nhơn |
Thầy Võ Ngọc Nhơn: “Kinh tế càng phát triển, con người càng gặp nhiều vấn đề liên quan tâm lý, đây cũng là ngành cho các em nhiều vị trí việc làm khi tốt nghiệp”.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành |
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành: “Trường chúng tôi có kỳ thực tập nhận thức, SV từ học kỳ đầu tiên đã được tới các đơn vị mà các em sẽ làm trong tương lai để học hỏi, hiểu về nghề”.
Bình luận (0)