Có nghị định vẫn vướng, Chính phủ xin Quốc hội gia hạn nhiều quy hoạch cũ

14/05/2019 13:57 GMT+7

Chính phủ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép trình Quốc hội ban hành nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do thực hiện luật Quy hoạch mới.

Chính phủ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép trình Quốc hội ban hành nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do thực hiện luật Quy hoạch mới. Điều đáng nói là trong các vướng mắc này, có cả các vướng mắc vừa phát sinh sau khi Nghị định 37 vừa được ban hành nhằm... tháo gỡ khó khăn. 
Cụ thể, Chính phủ cho hay, sau khi có luật Quy hoạch và trước khi Nghị định 37 được ban hành, có một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoach vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập. Tuy nhiên, một số quy hoạch này lại không đúng với hướng dẫn chi tiết về nội dung, trình tự, nhiệm vụ lập quy hoạch, việc lấy ý kiến quy hoạch và thẩm định quy hoạch theo như Nghị định 37 vừa được ban hành. “Nếu phải tổ chức lập lại các quy hoạch nói trên theo quy định của Nghị định 37 sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch”, báo cáo Chính phủ nêu rõ.
Một khó khăn nổi bật khác được Chính phủ đề cập là mối quan hệ giữa quy hoạch “mẹ” với các quy hoạch “con”. Cụ thể, luật mới quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị… Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại luật Quy hoạch lại… có sự khác biệt với hệ thống quy hoạch đã được lập cho thời kỳ 2011 - 2020. Bên cạnh đó, một số quy hoạch chưa được lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia. “Do vậy, hiện chưa có định hướng phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng và nếu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030”, Chính phủ lo ngại. Từ đó, Chính phủ muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép được triển khai lập quy hoạch quốc gia đồng thời với lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời lỳ 2021 - 2030. 
Các dự án cần thiết, cấp bách sẽ gặp khó?
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đặc biệt lo ngại trước việc luật Quy hoạch không có quy định về trình tự khi muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Cụ thể, điều 54 của luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với lập, thẩm định, phê duyệt. “Việc áp dụng trình tự như trên đối với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định trước ngày luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, không đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cấp thiết, cấp bách”, báo cáo Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị để Quốc hội gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.
Như Thanh Niên đã phản ánh, thống kê mới đây của Văn phòng Chính phủ cho biết, tính đến gần giữa tháng 4.2019, đang có khoảng gần 370 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch. Bên cạnh đó, cả nước có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó là có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành cũng tại… luật Quy hoạch mới.
Ngành công thương là ngành có nhiều vướng mắc nhất khi đang tiếp nhận hơn 300 đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong đó có tới hơn 270 dự án nguồn điện, hàng chục dự án lưới điện. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết hiện nay có 5 địa vương chưa thể ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương.
Ngoài ra, hàng loạt địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng bị mắc kẹt. Ví dụ hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận không thể chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ti tan trước đây sang phát triển các dự án công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng hoặc dự án điện mặt trời.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.