(TN Xuân Nhâm Thìn) Ở nước ta, ngay từ thời tiền sơ sử, ngọc đã được sử dụng làm vũ khí, công cụ, đồ trang sức... Trải qua thời gian, kỹ thuật chế tác càng ngày càng tinh xảo, đạt đến độ tuyệt mỹ.
Vòng tay, hạt chuỗi, rìu, bôn kích thước nhỏ mài nhẵn toàn thân, bằng đá ngọc nephrite màu vàng, trắng, hay xám xanh - được tìm thấy tại các di chỉ văn hóa hậu kỳ thời đại đá mới vùng ven biển đông bắc và vùng núi phía Bắc (văn hóa Hạ Long, văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha) - được cho là những cổ ngọc có niên đại sớm nhất. Trong thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (cách đây chừng 4.000 - 3.500 năm), ngọc được sử dụng phổ biến, cư dân đã biết chế tác ngọc thành thạo. Vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn, người thợ thủ công hầu như chỉ chuyên sản xuất một loại hình trang sức là khuyên tai.
Tại các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, đồ ngọc được tìm thấy chủ yếu là trang sức với các loại vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai hai đầu thú. Cổ ngọc được tìm thấy trong khoảng thế kỷ 1-3 chủ yếu là đồ tùy táng trong những ngôi mộ gạch: khâu đeo thắt lưng, trang sức, tượng như rồng, hổ, linh thú… Một điều đáng tiếc là cho đến giờ, cổ ngọc ở các triều đại Lý, Trần, Lê vẫn còn nhiều khuyết trống. Tuy vậy, chúng ta đã gìn giữ được khối di sản cổ ngọc quý giá thời Nguyễn, nhất là đồ được sử dụng trong cung đình Huế.
Người xưa coi ngọc là biểu tượng cho quyền lực, sự giàu sang, sắc đẹp. Vậy nên, có thể thấy ngọc được dùng để chạm khảm lên vương miện, quyền trượng, ấn, kiếm, nhiều đồ ngự dụng của vua và hoàng tộc... Bên cạnh đó, ngọc còn được tôn sùng vì cho rằng có những quyền năng huyền bí như mang lại phúc lành, chữa bệnh, giữ xác chết mãi nguyên vẹn... |
Trong số các cổ ngọc triều Nguyễn, không thể không nhắc tới ngọc tỷ. Sử sách còn ghi lại chuyện người dân tìm được ngọc quý dâng vua làm ngọc tỷ. Như năm 1837, có người dân dâng vua Minh Mạng viên ngọc trắng. Vua liền sai làm ngọc tỷ Hành tại chi tỷ. Vào năm Thiệu Trị thứ 6 - 1846, vua được người dân dâng lên một viên ngọc rất lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hòa Điền (Quảng Nam). Nhà vua liền sai giũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được làm xong.
Đáng chú ý, còn có bộ văn phong tứ bảo gồm: nghiên mực, gác bút, thùy trì, ống bút, quản bút… Trong đó, có bốn chiếc nghiên mực ngọc được làm vào các thời gian khác nhau. Mỗi chiếc khắc một bài Ngự chế thi của vua Thiệu Trị vào các năm 1841, 1846, 1847. Nhóm cổ ngọc độc đáo nằm trong bộ sưu tập còn phải kể đến bộ đồ ăn trầu trang trí phượng (gồm 1 khay, 1 ống nhổ và 2 chiếc hộp), được chế bằng ngọc trắng xanh, ngọc xanh celadon, kết hợp với vàng và đồi mồi. Có giả thiết cho rằng, chỉ có đồ vật của hoàng hậu mới trang trí hình chim phượng. Vì vậy, có thể bộ đồ ăn trầu này chính là vật dụng của hoàng phi triều Nguyễn.
Mặc dù cổ ngọc Việt vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần được các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá, giải đáp, nhưng tư duy thẩm mỹ, tài năng của người xưa khiến hậu thế không khỏi ngỡ ngàng.
|
Minh Ngọc
Bình luận (0)