Có nhất thiết phải ghi tên cả 2 vợ chồng trên sổ hồng?

17/07/2021 07:01 GMT+7

Hiện sổ hồng có thể ghi tên vợ hoặc chồng, nhưng nếu tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được xác định là tài sản chung.

Khi bán, phải có sự đồng ý của cả hai mới được thực hiện giao dịch. Vì vậy, việc Bộ TN-MT mới đây gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi sổ hồng ghi tên cả hai vợ chồng cũng gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Đã quy định trong luật

Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, phân tích điều 33 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Ngoài ra còn có tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Luật cũng quy định, quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Về việc ghi tên trong sổ hồng, tại khoản 1 điều 34 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã quy định rõ, trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì sổ hồng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp cả 2 có thỏa thuận khác. Ngoài ra, theo khoản 2 điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31.12.2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hôn nhân và gia đình, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi sổ hồng để ghi tên của cả vợ và chồng (có quyền yêu cầu cấp đổi - pháp luật không bắt buộc).
Hiện nay sổ hồng chỉ đứng tên vợ hoặc chồng nhưng nếu tài sản đó được mua bằng tiền chung của cả hai được tạo lập nên trong thời kỳ hôn nhân, do công sức đóng góp của cả hai vợ chồng vẫn được xác định là tài sản chung. Do vậy, cả vợ và chồng đều có quyền với tài sản chung là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất được ghi nhận trong sổ hồng. Hai người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung. Khi thực hiện các giao dịch mua, bán liên quan đến quyền sử dụng đất phải cần có sự đồng ý của cả vợ và chồng bằng văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vợ hoặc chồng chưa đứng tên trên sổ hồng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi sổ hồng để ghi tên của cả vợ và chồng.
“Tài sản chung, bắt buộc phải ghi tên 2 người, còn khi giao dịch như mua thì có thể 1 người ký kết hợp đồng, khi bán thì bắt buộc phải là hai vợ chồng (hoặc phải trình chứng minh độc thân hoặc quyết định ly hôn có chia tài sản), cần thì làm ủy quyền cho người kia. Quy định hai vợ trồng trên sổ hồng là phù hợp. Nhất là thời điểm hiện nay, vợ chồng giao dịch không giống ngày xưa, có nhiều nhà, ở xa nhau. Tốt nhất là nên ghi tên cả hai vợ chồng trên sổ hồng để tránh các vấn đề phát sinh như khiếu kiện, tẩu tán tài sản, chiếm dụng làm tài sản riêng...”, luật sư Phượng khuyến cáo.

Bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ

Theo Bộ TN-MT, việc này nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai. Từ đó, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ủng hộ quan điểm này, luật sư Trần Minh Cường, đoàn luật sư TP.HCM, phân tích trên thực tế, cơ quan nhà nước mặc nhiên hiểu rằng khi bên bán đứng tên một mình trên hợp đồng mua bán (đã kết hôn) thì giải quyết như trường hợp đã có thỏa thuận ghi tên một người mà không yêu cầu các bên cung cấp một thỏa thuận riêng biệt. Quy định mở như vậy để tạo thuận tiện cho người dân khi tham gia giao dịch khi không cần phải cả vợ và chồng cùng ra ký hợp đồng lúc mua và bán (tổng cộng mất 2 lần) góp phần đơn giản hồ sơ giấy tờ lúc mua (vì lúc bán, công chứng chịu trách nhiệm xác định tài sản chung hay tài sản riêng).
“Quy định này hỗ trợ thuận tiện cho người dân khi giao dịch. Tuy nhiên quá trình hành nghề cũng như thực tiễn tố tụng phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc xác định tài sản chung hay riêng. Thậm chí trong các vụ việc lừa đảo/lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng do sổ hồng chỉ đứng tên một người. "Để thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng cũng như vị thế của người phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tôi ủng hộ quan điểm này. Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết nhưng việc đỡ tốn thời gian công sức (chỉ 2 lần đi lại đến tổ chức công chứng) nhờ giải quyết thủ tục hành chính đơn giản và tương đối tinh gọn như hiện nay thì việc để cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ hồng để đảm bảo quyền lợi, hạn chế các tranh chấp phát sinh cũng như để nâng tầng, bình đẳng cho người phụ nữ Việt Nam là điều phù hợp”, luật sư Cường nói.

Lo phát sinh thủ tục

Thế nhưng không ít người cho rằng, quy định này mang lại khá nhiều phiền phức trên thực tế. Anh Tiến (Q.10, TP.HCM) mới đi mua đất ở H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng kể, khi lên làm thủ tục công chứng, nơi đây bắt cả vợ và chồng phải đứng tên trên hợp đồng mua bán và sổ hồng. Thế nên khi ký tên xong trên hợp đồng công chứng, anh phải đi cùng với công chứng viên trên H.Bảo Lâm về lại TP.HCM cho vợ anh ký tên và lăn tay trên hợp đồng. Nhưng để “mời” được công chứng viên về TP.HCM giúp vợ anh ký tên công chứng anh phải lo tiền ăn ở, đi lại và tiền phí tổng cộng hết 4,5 triệu đồng/bộ hồ sơ.
“Tôi cứ nghĩ như trước đây khi đi mua nhà đất chỉ cần vợ hoặc chồng đứng tên trên hợp đồng mua bán và sổ hồng là được, ai ngờ bây giờ bắt cả hai vợ chồng. Như vậy thật quá bất tiện vì dù ai đứng tên trên sổ hồng thì theo luật đều là tài sản chung. Tôi có muốn lén lén đi bán cũng đâu ai cho vì bán phải có sự đồng ý của cả hai. Quy định này chỉ làm mất thêm thời gian, thêm thủ tục và tốn kém thêm cho người dân”, anh Tiến than vãn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định này là không cần thiết, sẽ làm phát sinh thêm giấy tờ và thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bởi nếu là tài sản được tạo lập trước hôn nhân thì ai sở hữu, người đó đứng tên. Nếu là tài sản hình thành sau hôn nhân, luật Hôn nhân và gia đình đã nêu rất rõ là của chung hai vợ chồng.
"Luật Đất đai cũng đã quy định, nếu giữa vợ và chồng không có thỏa thuận tài sản riêng hoặc ủy quyền cho người còn lại đứng tên trên sổ, buộc trong quá trình xin cấp mới hoặc cập nhật thông tin trong sổ hồng, buộc phải ghi tên cả hai vợ chồng. Khi chuyển nhượng đất đai, văn phòng công chứng sẽ yêu cầu cả vợ chồng ký giấy công chứng, dù ai đứng tên đi chăng nữa. Vì vậy, theo cá nhân tôi là không cần thiết", anh Quân, một người dân tại TP.Thủ Đức, nêu quan điểm.
Lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM cho biết hiện nay theo quy định của pháp luật, để thêm tên vợ hoặc tên chồng vào sổ hồng phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, nhà, đất là tài sản chung nhưng sổ hồng đã cấp chỉ ghi tên một người; Thứ hai, phải có đơn đề nghị bổ sung tên theo mẫu quy định. Lệ phí thực hiện không quá 100.000 đồng/giấy. Theo khoản 4 điều 98 luật Đất đai 2013, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mà sổ hồng đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang sổ hồng ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.