Có những người 'tính kỳ' suốt ngày lên mạng đi xin và cho… rác

29/09/2022 14:16 GMT+7

“Ai có túi ni lông đã dùng rồi thì cho mình xin?”; “Mình gom được ít chai nhựa, thủy tinh đã vệ sinh sạch, bạn nào cần thì nhắn mình cho”… Có những người “tính kỳ” như vậy, thường xuyên đăng lên mạng để xin và cho rác.

Ai nghĩ đi xin và cho rác bao giờ, thế nhưng, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ và mẹ trẻ thường đăng lên các nhóm trên mạng xã hội để đi xin hoặc là cho những món đồ đã qua sử dụng, đặc biệt là đồ nhựa hay túi ni lông, để có thể tái sử dụng, hạn chế việc thải rác ra môi trường.

Thời gian gần đây, trên các hội nhóm trên mạng, mọi người thường đăng bài để cho đi những vật dụng có thể tái sử dụng và nhiều người cần đến, nhưng nếu vứt ra môi trường sẽ trở thành rác nguy hại. Việc làm này, nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ cộng đồng

CHỤP MÀN HÌNH

“Mọi người tính rất kỳ nhưng lại dễ thương biết nhường nào. Những việc làm rất nhỏ, nhiều khi chỉ là đăng để cho vài cái túi ni lông đã qua sử dụng và được vệ sinh sạch sẽ, hay một vài miếng mút xốp sau những lần mua hàng online tích góp lại… nhưng lại thấy hành động ấy đẹp biết bao. Tích tiểu thành đại, mỗi người một hành động nhỏ thôi nhưng cũng góp phần chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là tác động được đến nhiều người cùng làm theo”, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, bày tỏ khi thường xuyên thấy mọi người đăng bài để xin và cho rác trên các trang mạng xã hội.

Nhiều khi mình không dùng nữa nhưng có người lại cần

Là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ hiện nay khi muốn tăng vòng đời của các sản phẩm đã qua sử dụng, tránh việc thải rác thải độc hại ra môi trường. Chính vì thế, thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện những dòng trạng thái đi xin hoặc là cho những vật dụng đã qua sử dụng trên các hội nhóm yêu môi trường.

Mới đây, Trần Thị Tuyết Anh (ngụ trên đường Trần Khắc Chân, P. Tân Định, Q.1, TP.HCM) đã đăng lên một nhóm trên mạng xã hội để cho đi những cái túi zip cho những ai cần sử dụng.

Cụ thể, Tuyết Anh đăng: “Có một số túi zip như này có shop nào cần thì mình gửi tặng ạ. Đều là túi đựng hàng khô nên rất sạch. Mình ở khu vực Tân Định, Q.1”.

Tuyết Anh đã đăng lên một group để tặng những túi zip đã qua sử dụng cho những ai cần đến

CHỤP MÀN HÌNH

Chia sẻ với người viết, Tuyết Anh cho biết đây cũng là lần thứ 4 gì đó cô nàng đăng lên mạng xã hội để cho đi những thứ đã qua sử dụng nhưng còn dùng được tốt cho những ai cần đến. Thường thì Tuyết Anh cũng sẽ đăng lên những nhóm cộng đồng như thế này để tiếp cận được nhiều người hơn.

“Với tinh thần zero waste (lối sống không rác), mình không muốn bỏ đi những món đồ vẫn còn dùng tốt nhưng gia đình không dùng đến. Đặc biệt rất nhiều đồ dùng trong gia đình làm bằng nhựa, thực ra có thể dùng trong nhiều năm, nếu vứt đi sẽ thêm rác thải cho môi trường. Cho đi nhận lại như thế này sẽ tăng thêm vòng đời của sản phẩm rất nhiều”, Tuyết Anh chia sẻ.

Các món đồ đã qua sử dụng, trước khi cho đi mọi người đều vệ sinh sạch sẽ, mong muốn được gia tăng vòng đời sử dụng cho các loại vật dụng

CHỤP MÀN HÌNH

Tuyết Anh kể cô nàng đến với lối sống xanh bắt đầu bằng việc không sử dụng túi ni lông hay đồ nhựa dùng một lần, cố gắng chỉ mua đồ có thể tái sử dụng nhiều lần mà vẫn an toàn cho sức khoẻ.

“Rất mừng là bây giờ có nhiều group cùng chung mục đích chung tay bảo vệ môi trường bằng cách cho nhau các vật dụng có thể tái sử dụng, các trạm refill mình tự mang chai lọ tới, các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, bền vững để hạn chế phung phí tài nguyên cho việc vận chuyển xa xôi. Nhưng đôi khi cũng không thể tránh được việc phải sử dụng các sản phẩm nhựa, nên việc chia sẻ với cộng đồng để tái sử dụng là một biện pháp rất hay”, Tuyết Anh bày tỏ.

Nhiều người xin túi ni lông đã qua sử dụng để tái sử dụng, thay vì sẽ bị vứt thành rác

CHỤP MÀN HÌNH

Thường thì Tuyết Anh sẽ đăng lên để cho những vật dụng mà gia đình mình có khi mua nhiều quá không dùng đến hoặc muốn đổi loại khác, như khuôn làm bánh, muỗng đo lường, móc dán tường…; đồ bị hỏng nhẹ vẫn xài được, như có lần Tuyết Anh đăng cho cái lò nướng bị hỏng nhẹ nhưng vẫn sử dụng được cho các bạn làm các loại bánh đơn giản; rồi sách, quần áo giày dép cũ, túi xách, hộp nhựa khi mua hạt, bánh quy, túi nhôm…

Hành động nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa

Rất nhiều bạn trẻ đi cho và cũng có rất nhiều người đăng mạng xã hội lên để xin về dùng những thứ mình đang cần.

Đang chuẩn bị kinh doanh quán ăn và vì không muốn thải rác thải nhựa ra môi trường nên chị Lê Nhã Hân (ngụ trên đường Hồ Thị Kỷ, P.1, Q.10, TP.HCM) đã đăng lên một nhóm để xin các chai thủy tinh nhỏ để đựng nước chấm cho khách hàng mua mang đi.

Trên dòng trạng thái xin chai thủy tinh của mình, chị Hân viết: “Dạ em chào các anh chị. Hiện em cần chai thủy tinh nhỏ như hình để đựng nước chấm, anh chị nào có thì nhắn em với nha, em ở Sài Gòn ạ. Dạ em cám ơn”.

Chị Hân cần những loại chai thủy tinh như này để tận dụng đựng nước chấm cho khách hàng

CHỤP MÀN HÌNH

Chị Hân cho biết chị tham khảo ý tưởng này từ 1 bạn trong group và do bản thân chị cũng muốn giảm thiểu rác thải nhất có thể, nên chị đã đăng lên mạng để đi xin.

“Mình dự định kinh doanh bún cá, lọ nhỏ đó để đựng nước chấm cá, khi dùng khách rót ra sẽ tiện hơn dùng bao ni lông và cũng như là khách có thể tái sử dụng, hạn chế được việc dùng bao ni lông quá nhiều. Thì vô tình mình biết đến group về yêu môi trường này, nên mình thấy hoạt động rất hay vì giúp bảo vệ môi trường. Nếu hoạt động được lan toả cho nhiều người biết đến thì sẽ hạn chế rác thải rất nhiều, không khí đỡ ô nhiễm hơn”, chị Hân bày tỏ.

Cũng giống chị Hân, chị Trương Thị Thùy, ngụ tại Bình Đường 3, P. An Bình (Dĩ An, Bình Dương), cũng đăng lên để gom các chai thủy tinh đã qua sử dụng. Chị Thùy đăng: “Sau 1 lần được nhận lọ thủy tinh của bạn Thúy Phương trong nhóm thì em rất mê lọ này, làm sạch hơi cực nhưng khi sạch rồi thì rất đẹp và sạch. Em lên đây hỏi xem có chị nào có gom, em sẽ mua làm sạch, tận dụng tái sử dụng ạ”.

Dòng trạng thái muốn gom chai thủy tinh rất dễ thương của chị Thùy

CHỤP MÀN HÌNH

Chị Thùy chuyên bán các sản phẩm như mật ong, chanh đào ngâm, rượu xoa bóp, các loại lá xông, lá trị ngứa… và chị thường tận dụng những chai lọ thủy tinh để làm sạch, sau đó tái sử dụng để chiết sản phẩm ra bán cho khách hàng.

“Những sản phẩm mình bán thay vì muốn mọi người mua nhiều, nhưng khu mình ở có nhiều công nhân, họ không nhiều tiền, nên mình muốn chia nhỏ ra, dĩ nhiên chai sẽ đội lên, nhưng mình vẫn không tăng tiền. Mình đi gom chai thủy tinh như vậy để về tái sử dụng sẽ hiệu quả và tiết kiệm được nhiều, hạn chế rác thải ra môi trường”, chị Thùy chia sẻ và cho biết ngoài việc chị đăng lên nhóm thì bình thường bạn bè của chị cũng gom lại và cho chị tái sử dụng.

Là một người trẻ Vũ Thị Ngọc Anh (27 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, dành rất nhiều tâm huyết cho việc tái chế túi ni lông, rác thải khó phân hủy thành những sản phẩm vô cùng xinh xắn và hữu ích, nên Ngọc Anh cũng thường xuyên đăng bài để xin những loại rác này.

Sản phẩm túi xách vô cùng xinh đẹp được Ngọc Anh tái chế từ túi ni lông

NVCC

“Nguyên liệu mà mình đang dùng để tái chế là đi thu gom từ người khác về, chứ mua hàng thì mình không nhận túi ni lông, cũng tránh mua đồ đóng gói ni lông hay nhựa sẵn”, Ngọc Anh chia sẻ và cho biết khi cần cô nàng sẽ đăng bài lên 1 group yêu môi trường quen thuộc để kêu gọi thu gom các nguyên liệu cũ đã làm sạch mà mọi người vẫn tích trữ lại. Nếu ai cần đưa nguyên liệu cho Ngọc Anh thì sẽ nhắn tin để nhận thông tin liên hệ cụ thể. Ngoài ra, đôi khi những người từng gửi nguyên liệu tái chế cho Ngọc Anh trước đó, nếu có dư cần gửi lần tiếp theo thì sẽ chủ động hỏi lại Ngọc Anh để gửi đến cho.

Tuy nhiên, theo Ngọc Anh việc xin rác, mà đặc biệt là túi ni lông dùng 1 lần để tái sử dụng thì sau đó chúng vẫn sẽ bị bỏ đi, tác dụng bảo vệ môi trường là không lớn, chỉ có thể giúp giảm một ít việc tiêu thụ túi mới từ các nhà sản xuất ni lông. Nên theo Ngọc Anh tối ưu nhất thì mọi người vẫn là ưu tiên các món đồ tái sử dụng và tránh dùng đồ nhựa, ni lông dùng 1 lần. Có thể dùng các cách thủ công để tạo ra các món đồ bền vững từ ni lông dùng 1 lần (đã qua sử dụng), còn có thể giúp hạn chế tiêu thụ thêm nguyên vật liệu sản xuất mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.