Thích là… đòi nghỉ việc
Chị Nguyễn Thị Minh Hà, phụ trách nhân sự, Công ty TNHH Thiện Ân, H.Hóc Môn, TP.HCM, cho biết đã từng gặp những trường hợp nhân viên trẻ vì cảm xúc nhất thời mà "chốt" một cách nhanh chóng: "Em xin nghỉ việc".
Cảm xúc nhất thời mà chị Hà đề cập là việc nhân viên bị cấp trên kiểm điểm khi không thực hiện công việc theo đúng yêu cầu, hoặc đôi khi bất mãn với đồng nghiệp. Cũng có lúc muốn nghỉ việc chỉ vì do bản thân… thấy chán nản.
Anh Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Minh Hà, H.Bình Chánh, TP.HCM, cũng kể: "Để xin được công việc ổn định, mức thu nhập như ý là không hề dễ dàng. Các ứng viên phải trải qua quá trình chọn lọc hồ sơ, phỏng vấn, thử việc… đầy thử thách. Tuy nhiên có những trường hợp "hở tí là đòi nghỉ việc". Họ buồn buồn là nói với đồng nghiệp "chắc tôi sẽ nghỉ việc". Họ không hài lòng với những nội quy của công ty, thay vì trình bày với lãnh đạo, thì lại chọn cách lên mạng xã hội viết status (trạng thái) hàm ý đòi nghỉ việc".
Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác cũng không phủ nhận thực tế này. Khi nhiều nhân viên "thích là đòi nghỉ việc". Cá biệt có cả trường hợp "dọa" người quản lý sẽ nghỉ việc trong thời gian gần nhất chỉ từ những lý do đơn giản.
"Có người đi làm trễ 4/6 ngày trong tuần. Lần nào cũng trễ ít nhất 30 phút. Nhưng khi bị nhắc nhở thì tỏ thái độ không chuẩn mực rồi nói ra những câu chữ mang tính bộc phát. Trong đó có đề cập đến chuyện "chắc em sẽ nghỉ việc, chị lo mà kiếm người thay thế vị trí của em", chị Hồ Kim Nhẫn, Trưởng phòng nhân sự một Công ty agency của Nhật Bản ở Q.3, TP.HCM kể.
Một khảo sát nhỏ của phóng viên với những người trẻ đã đi làm cho thấy, 11/15 người thừa nhận đã từng "hở tí là đòi nghỉ việc". Có người "dọa" sẽ nghỉ việc bằng cách úp mở trên mạng xã hội, để cho đồng nghiệp, lãnh đạo công ty thấy các bài viết. Cũng có người nói thẳng trong các cuộc họp nội bộ. Lại có người đưa ra quyết định nghỉ việc một cách… ngay và luôn. Và trong số đó, có 7/11 người thuộc gen Z.
Ngô Trọng Khôi (28 tuổi), từng làm việc tại một công ty lĩnh vực nội thất ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, kể: "Khi nói xong chuyện sẽ nghỉ việc đã thấy… hối hận. Nhiều khi không kiểm soát được cảm xúc. Bực bội là đòi nghỉ việc. Nhưng sau đó không thể thay đổi quyết định vì ngại với đồng nghiệp, sếp".
Chị Đỗ Hà Thanh (32 tuổi), vừa nghỉ việc ở một công ty phần mềm ứng dụng tại TP.Đà Nẵng, thú thật: "Đôi lúc cảm thấy bản thân quá vội vàng đưa ra những quyết định quan trọng. Chẳng hạn như tôi từng nói sẽ nghỉ việc trước các thành viên nhóm maketing của công ty. Sau khi nói ra điều đó được vài giây, tôi biết mình đã quá nóng vội".
Tại nhiều hội, nhóm về chuyện công sở trên Facebook, không ít thành viên cũng tự thừa nhận bản thân là "người trong cuộc", nghĩa là đã từng một hoặc nhiều lần "hở tí là đòi nghỉ việc". Có thành viên còn nói: "Chuyện xảy ra như cơm bữa. Mình cũng vậy, mà đồng nghiệp mình cũng thế".
Nhiều hệ lụy
Anh Nguyễn Phi Hùng cho rằng, việc dựa vào cảm xúc nhất thời, "hở tí là đòi nghỉ việc" sẽ dẫn đến những hệ lụy không thể lường trước.
"Đầu tiên là dẫn đến cảnh rơi vào thất nghiệp, mất thu nhập, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần vì stress trong những ngày không có việc làm, cùng lúc bị áp lực kinh tế đè nặng. Tiếp nữa là không có trách nhiệm, hời hợt với bản thân. "Đụng một tí là đòi nghỉ việc" sẽ có thể khiến bản thân dễ dãi trong các quyết định. Vô tư nghỉ việc thường xuyên, rồi sau đó cứ "nhảy việc" thì khó có công việc ổn định", anh Hùng phân tích.
Chị Đỗ Hà Thanh nói: "Người trẻ không nên nghỉ việc kiểu tùy hứng. Vì ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện quy trình tuyển dụng một cách bài bản, nhưng có người làm được một thời gian ngắn đã vội vàng nghỉ việc một cách vô tư. Điều này dễ khiến bản thân mất điểm. Và khi nhảy việc quá nhiều, kèm theo câu chuyện "hở tí là đòi nghỉ việc" thì khó được những đơn vị, công ty khác đánh giá cao".
Ngoài ra, theo luật sư Huỳnh Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, người lao động cần tuân thủ Bộ Luật lao động năm 2019. Chứ không thể thích là nghỉ việc vì dễ dẫn đến câu chuyện bị kiện vì vi phạm quy định của pháp luật.
Theo chuyên gia kỹ năng sống Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, khi nhân viên chưa hài lòng với môi trường làm việc, có thể đề xuất ý kiến, trao đổi thẳng thắn với cấp trên. Ngoài ra, khi đi làm, mỗi người cần biết hạ cái tôi, phải chuyên nghiệp, tập rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc của bản thân, cần thích nghi với văn hóa doanh nghiệp, tuân thủ tuyệt đối nội quy mà công ty đề ra… để không rơi vào trường hợp "hở tí là đòi nghỉ việc".
"Hiển nhiên, nếu nhận được trao đổi, đề xuất của nhân viên, đại diện doanh nghiệp cũng cần lắng nghe khách quan theo tinh thần cầu thị. Sau đó cần phân tích rõ mọi điều để nhân viên hiểu. Khi đó hai bên sẽ không còn những khúc mắc", chị Khuê chia sẻ thêm.
Bình luận (0)