Có nơi trở thành thành phố sáng tạo mà cư dân không biết

17/12/2019 06:24 GMT+7

Tại tọa đàm về kinh tế văn hóa do Văn phòng UNESCO Việt Nam tổ chức chiều 16.12, tại Hà Nội, TS Christiaan De Beukelaer (Đại học Melbourne, Úc) cho biết nền kinh tế văn hóa chỉ đi vào đời sống khi có kế hoạch “đo ni đóng giày” cho từng nơi.

Kinh tế văn hóa - toàn cầu và rủi ro

Và phải làm sao để đảm bảo nghệ sĩ theo đuổi được nghệ thuật của mình mà vẫn chi trả hóa đơn hằng ngày

TS Christiaan De Beukelaer (Đại học Melbourne, Úc)

TS Christiaan De Beukelaer mở đầu thuyết trình bằng hình ảnh cuốn sách của ông về nền kinh tế văn hóa. Ông cho biết khi làm bìa sách, ông đã sử dụng một bản đồ thế giới rất khác. Ở đó, nước Mỹ không to lớn như trong các bản đồ khác. “Qua đó, tôi muốn lồng thông điệp diện tích địa lý rất khác với thể hiện về văn hóa”, TS Christiaan De Beukelaer nói.
Đây cũng là quan điểm của UNESCO về văn hóa, về đa dạng văn hóa. Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, thảo luận về đa dạng văn hóa cũng như hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa là điều cơ quan này quan tâm. Đặc biệt, sau sự kiện Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu thì tư vấn phát triển kinh tế văn hóa càng được chú ý.
“Nói chung, sự chú ý đang gia tăng về lĩnh vực này. Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là thành viên thành phố sáng tạo toàn cầu theo tiêu chí thiết kế. Đây là bước đi đầu tiên để Hà Nội định vị nâng cao vai trò thiết kế trong văn hóa và phát triển. Nó cũng đặt thành phố những trách nhiệm nhất định. Văn phòng UNESCO và các thiết chế khác có thể tư vấn để phát triển kinh tế dựa trên văn hóa”, ông Michael Croft nói.

Bộ cửa gỗ của nghệ nhân Trần Nam Tước (Hà Nội) vừa giành giải nhất Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019, được thiết kế kết hợp kỹ thuật chạm truyền thống và sơn mới

Ảnh: Trinh Nguyễn

TS Christiaan De Beukelaer lưu ý đặc điểm của kinh tế văn hóa (ở Việt Nam quen gọi là công nghiệp văn hóa) là rất rủi ro. “Nếu chúng ta mở quán cà phê, chỉ cần cà phê ngon và giá tốt thì chúng ta tồn tại. Rủi ro mở cà phê thấp hơn nhiều so với kinh tế văn hóa. Vì nếu đưa ra sản phẩm văn hóa rất khó dự đoán được nhu cầu. Không thể nào dự đoán được chúng ta có tồn tại hay không. Ý tưởng có thể rất hay nhưng không được đón nhận”, ông Christiaan De Beukelaer nói.
Chính vì thế, theo ông, điều quan trọng là làm sao để xây dựng được các chính sách của Chính phủ phù hợp. “Chúng ta quen với khái niệm kinh tế, nhưng nhiều người làm trong lĩnh vực sáng tạo chưa chắc đã quen. Họ cũng vẫn đang khó khăn trong kiếm sống, lương thấp, thu nhập thấp. Nhưng công việc của họ quan trọng. Và phải làm sao để đảm bảo nghệ sĩ theo đuổi được nghệ thuật của mình mà vẫn chi trả hóa đơn hằng ngày. Tài trợ miễn phí thì không hẳn là tốt. Ta phải giúp họ sống bằng nghề, để không chỉ ngôi sao mà nghệ sĩ bình thường cũng sống được”, ông Christiaan De Beukelaer nói.

Cần các khu thuận lợi

Theo ông Christiaan De Beukelaer, cần chú ý hơn đến việc làm sao có được những tác phẩm mang tính văn hóa của mình. Đó là cách phát triển điện ảnh ở Nigieria. “Chúng tôi gọi nền điện ảnh của Nigieria là Nollywood. Môi trường của họ không bảo vệ được tác quyền, phim bị ăn cắp ngay khi ra rạp. Nhà sản xuất không thu được tiền nhiều như họ đáng được hưởng. Nhưng họ vẫn xoay sở để trở thành một nước làm rất nhiều phim. Nhiều người thích xem phim Nollywood vì tính văn hóa của nó. Rồi sau đó, việc phát hành phim sẽ dần dần đi vào đúng luật”, ông nói. Điều hay nhất, theo ông Christiaan De Beukelaer, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo cũng sẽ thúc đẩy các diễn đàn trao đổi, lên kế hoạch về điều này. Đây cũng là trải nghiệm đã xảy ra với nhiều thành phố khác.
Hiện tại, sau khi Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo, nhiều thành phố khác cũng mong muốn điều đó. Theo ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Huế và TP.HCM cũng có ý định này. Vì thế, một câu hỏi đặt ra là liệu các thành phố sáng tạo có bị rơi vào hình thức không. Ông Christiaan De Beukelaer cho rằng: “Mạng lưới thành phố sáng tạo là điều nhiều thành phố mong muốn. Nó mang tính khát vọng, là hình ảnh mà chính thành phố đó muốn hướng tới. Nhưng quan trọng là việc chính quyền thành phố sử dụng nó như thế nào”.
Cũng theo ông Christiaan De Beukelaer, có nhiều nơi, danh hiệu này chỉ để đó cho hay thôi và không dùng làm gì cả. Ở Melbourne, thành phố được công nhận là thành phố sáng tạo trên phương diện văn học, nhưng chính người dân Melbourne không biết về điều này, một số khác lại phản đối danh hiệu.
Tuy nhiên, lại có những thành phố thay da đổi thịt khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo. Chẳng hạn, thành phố Bandung (Indonesia) gia nhập mạng lưới này năm 2013 và tới nay đã khác hẳn. “Họ có một diễn đàn để trao đổi về chiến lược phát triển. Họ có kế hoạch tham vọng về 10 điểm trong tương lai. Đây là một dự án rất lớn và quá rộng, rộng tới mức khó có thể làm hết ngay một lúc. Vì thế, có cái hay là lúc nào nhóm thực hiện cũng có việc để đề nghị làm với thành phố”, ông Christiaan De Beukelaer chia sẻ.
Ông Christiaan De Beukelaer cũng đưa ra lời khuyên về địa điểm để xây các khu cho kinh tế sáng tạo. Các khu này nên được xây ở những nơi có tiền thuê nhà thấp để thu hút người sáng tạo đến ở, làm việc. “Chúng ta cần các khu thuận lợi cho các không gian sáng tạo phát triển”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.