Có phải ăn đường phèn 'mát' hơn đường trắng?

11/02/2024 04:08 GMT+7

Theo chuyên gia, quan niệm đường phèn tốt hơn đường cát trắng là không có cơ sở khoa học, do đó lượng đường phèn tiêu thụ nên được giới hạn như đường trắng, đặc biệt trong những ngày tết.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ bản chất hóa học của đường phèn là saccharose (sucrose), hoàn toàn tương đồng với đường cát trắng. Đường phèn được làm từ dung dịch đường và nước, nên loãng hơn đường cát, tạo cảm giác "mát hơn". Tuy nhiên nếu ăn nhiều đường phèn thì tổng lượng đường đưa vào cơ thể vẫn có thể cao.

"Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy đường phèn có lợi cho sức khỏe hơn đường cát trắng", bác sĩ Niên khẳng định.

Đường phèn chỉ cung cấp đường saccharose mà không có thêm vitamin hay chất khoáng nào đáng kể. Lượng đường phèn ăn vào trong ngày cũng tương tự như đường cát trắng.

Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo phụ nữ không ăn quá 100 calo từ đường thêm vào thức ăn, thức uống mỗi ngày (tương đương 25 g đường mỗi ngày), đối với nam giới thì không quá 150 calo (38 g đường).

Có phải ăn đường phèn 'mát' hơn đường trắng?- Ảnh 1.

Bản chất hóa học của đường phèn là saccharose (sucrose), hoàn toàn tương đồng với đường cát trắng

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Bánh kẹo được tạo ngọt bằng fructose có làm tăng đường huyết không?

"Bánh kẹo thường được làm ngọt bằng si rô bắp giàu fructose. Nhiều người nghĩ rằng fructose không làm tăng đường huyết như sử dụng đường cát trắng. Tuy nhiên, fructose vẫn được chuyển hóa thành glucose trong cơ thể, do đó vẫn tác động lên đường huyết và tổng năng lượng đưa vào của cơ thể trong ngày", bác sĩ Niên chia sẻ.

Việc ăn đường, kẹo bánh ngọt ngày tết sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như tăng nguy cơ thừa cân, béo phì do tăng năng lượng đưa vào; tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng

"Ngoài ra, fructose được chuyển hóa ở gan và các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều fructose dẫn đến tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ", bác sĩ Niên cho hay.

Các mẹo giảm đường từ thực phẩm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống).

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Thị Oanh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bên cạnh thức ăn nhanh như pizza, gà rán, khoai tây chiên…, đồ uống có đường (nước ngọt) là nguồn cung cấp thêm calo có thể góp phần làm tăng cân và không mang lợi ích dinh dưỡng. Thậm chí, các loại nước ngọt còn làm tăng nguy cơ gây bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và các bệnh mạn tính khác.

Do đó thay vì uống nước tăng lực, nước ngọt, chúng ta có thể uống nước lọc, các loại nước không đường. Thay vì uống sinh tố trái cây có pha đường và sữa, bạn nên ăn trái cây. Thay kẹo thành các loại trái cây, quả hạch hoặc chocolate đen. Nếu chọn thưởng thức món ăn yêu thích có nhiều đường, hãy tập ăn một phần nhỏ hơn bình thường, nhai chậm.

Khi chọn nước uống cũng như các loại thực phẩm, nên đọc kỹ thành phần cũng như loại đường trong sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thực phẩm có thể sử dụng nhiều dạng đường, mỗi dạng có tên khác nhau và liệt kê từng loại đường riêng lẻ trên nhãn dinh dưỡng. Do đó, bạn cần tính tổng năng lượng các loại đường.

Chúng ta nên cung cấp cho cơ thể lượng đường vừa đủ bằng khẩu phần ăn uống lành mạnh với các loại đường tự nhiên từ các loại trái cây và thực phẩm chưa qua chế biến như đậu, rau củ, ngũ cốc… Các thực phẩm chứa đường tự nhiên gồm nấm, mầm đậu nành, cải xanh, dưa leo, cần tây, củ cải, súp lơ, măng tây, gạo lứt, yến mạch, các loại đậu, lê, táo, nho, sữa tươi, sữa chua…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.