Có phải em không, Mưa? - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

22/08/2021 06:20 GMT+7

Đặt chân lên miền bán sơn địa này trời cũng đã chiều, Duyên men theo lối mòn vào bản.

Những tia nắng cuối ngày còn sót lại sóng sánh như mật rải trên sườn đồi, chốc chốc một cánh chim đơn độc vụt qua để lại tiếng hót trong vắt rơi xuống thinh không, không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe cả tiếng suối róc rách qua khe. Vào sâu trong thung lũng, cô dừng lại vốc nước rửa mặt, nước suối mát lạnh xua tan nỗi mệt nhọc đi đường. Đồng mùa này trơ rạ, trên những thửa ruộng bậc thang vừa gặt trắng xóa những cánh cò, những đống rạ đương phơi xông lên mùi ngai ngái, lác đác những chiếc lán nằm chon von trên sườn đồi, thảng có tiếng gà nhói lên rồi im bặt, trên những vạt đồng trũng sâu vài con bò nhẩn nha gặm cỏ.
Rẽ xuống con đường đất, Duyên ghé vào chiếc lán bên đường, một chú chó đen canh giữ lán thấy cô liền xồ ra, cô lùi lại nhìn quanh, đằng kia cũng có một chiếc lán, nhưng để đến đó phải qua mấy cánh đồng, đôi chân cô lúc này đã mỏi, cổ họng khô rang. Cô ngồi bệt xuống vệ đường, bỗng thấy hối hận, để viết một bài phóng sự trên miền trung du này cô đã phải gửi con gái nhỏ về ngoại, một mình lên đường, vượt một chặng hơn ba trăm cây số qua những dốc núi hiểm trở. Chiều sẫm lại, sương mù phủ ngang đồi, cô nắn lại cái chân đau, đứng lên, nhìn thấy bên trong lán có ấm nước, cạnh đó ly nước đỏ au ai chưa kịp uống, cơn khát lại hành hạ cô. Chú chó vẫn gầm gừ, cô quay đi, được vài bước bỗng nghe tiếng chân đến gần, một chàng trai trong bộ đồ bảo hộ, chiếc mũ kéo sụp xuống tận trán, thấy cô anh chỉ vào lán cất giọng bằng tiếng Kinh lơ lớ:
- Chị ơi vào lán nghỉ chân uống hớp nước đã!
Duyên quay lại, mừng như bắt được vàng, chú chó thấy cô lại xồ ra. “Mun, không được hỗn!”. Bị chủ mắng, con chó rúc xuống gầm giường nằm im thin thít. Đón ly nước chàng trai đưa cho, cô uống một hơi, mùi nước lá thật dễ chịu.
- Người Thái chúng tôi uống nước nấu bằng vỏ cây này - Vừa rít thuốc lào, chàng trai vừa kể - Uống vào ăn ngủ tốt lắm!
- Cảm ơn anh, may quá tôi đang khát khô cả cổ.
- Chị người Kinh à, lên đây chơi hay có việc gì không?
- Tôi lên công tác - Lấy mảnh giấy trong túi ra đưa cho anh, cô hỏi - Anh có biết từ đây đến nhà trưởng bản còn bao xa nữa?
Chàng trai xem qua, lẩm bẩm:
- Không còn bao xa, đi hết cánh đồng này có đường mòn rẽ xuống vào thẳng trong bản hỏi nhà ông Lò Văn Sum, ai cũng biết.
Cô cảm ơn, vội vàng đứng lên, vừa ra khỏi lán đã nghe tiếng chàng trai gọi giật:
- Chị gì ơi, hay để tôi đèo giúp chị vào bản, tiện đường tôi về nhà!
Không đợi cô trả lời, chàng trai xăng xái dắt chiếc xe máy bám đầy bùn đất đang để trong góc, cột lại mấy bao tải chất đầy vỏ cây, cô quay vào lán ngồi chờ đợi. Trong khi chàng trai loay hoay với các thứ lỉnh kỉnh cô mới có dịp nhìn quanh. Trong lán, ngoài chiếc giường nhỏ kê ở góc còn có chiếc radio cũ kỹ, một cái bếp ghép bằng những viên gạch tạm bợ, trên vách treo tờ lịch cũ hình một cô gái duyên dáng trong tà áo dài, cạnh đấy một tấm hình nhỏ được lồng khung cẩn thận. Cô lại gần, là tấm hình cưới chụp đôi vợ chồng trong trang phục người Thái, chú rể là chàng trai này, còn cô dâu có gương mặt khá cân đối, hài hòa. Duyên dừng lại trên gương mặt cô dâu, đôi mắt đen sâu thẳm kia quen quá, cô đã gặp ở đâu rồi.
- Đi thôi chị ơi! - Chàng trai gọi.
Cô ngồi phía sau, chiếc xe thỉnh thoảng lại lồng lên vì qua ổ gà trên đoạn đường ngoằn ngoèo lởm chởm đá, bóng tối phủ dần, cô thầm cảm ơn chàng trai, nếu không giờ này cô còn cuốc bộ. Đến cuối đường chàng trai rẽ vào, dừng lại trước ngôi nhà sàn khang trang có hàng rào đầy hoa hồng leo, ơi ới gọi:
- Ông Sum đâu rồi, có khách quý này!
Nghe tiếng người, đàn chó xồ ra, theo sau là người đàn ông luống tuổi, nhìn thấy cô ông vồn vã dắt cô vào nhà, chàng trai đứng bên ngoài nổ máy đưa tay lên vẫy vẫy:
- Chào chị nhé! Chị ở chơi vui vẻ ạ!
Chưa kịp cho cô cảm ơn, chàng trai đã phóng đi, tiếng xe phành phạch xa dần. Cô theo ông Sum lên nhà sàn, vợ ông ngồi bên đống chổi chít mới bó, thấy cô, bà đứng dậy chào hỏi rồi dắt cô dạo quanh vườn. Bữa tối dọn ra, chỉ có ba người nhưng khá thịnh soạn, biết trước cô sẽ lên nên bà chuẩn bị tươm tất, ngoài xôi trắng còn có thịt nướng gác bếp, rau ban xào, ve rang, me chua ngào đường và mắm cá suối. Cô ăn ngon lành, một ngày trời say xe cô không còn gì trong bụng. Biết cô mệt nên bà Sum giục đi ngủ sớm.
Cô nằm trên chiếc giường kê trong góc nhà sàn nghe gió đêm lùa lên, kéo lại tấm chăn, mới một ngày cô đã thấy nhớ con. Đêm thinh lặng, nghe được cả tiếng mối kẽo kẹt trên trần nhà, cô trằn trọc không sao ngủ được, cứ miên man nghĩ đến đôi mắt cô gái trong tấm hình cưới chiều nay. Thật kỳ lạ, đôi mắt đó đã ám ảnh cô, nhất định cô đã gặp ở đâu rồi. Tiếng đàn ngan ngoài ao kêu quàng quạc, cô ngồi dậy khoác thêm chiếc áo, ra ngoài. Đêm trong thung lũng trăng hạ tuần chỉ còn một mảnh vắt ngang trời, bốn bề núi rừng bao phủ cô thấy mình nhỏ bé đến lạ. Đêm sâu lạnh hơn, cô co ro trong chiếc áo khoác mỏng, tựa vào cột nhà bên bậc thềm…
Ký ức kéo cô trở về ngày cũ...
***
Duyên đạp như bay trên chiếc xe mini đỏ chói, quà tặng của bố ngày cô được vào cấp ba trường chuyên. Cô hí hửng nghĩ đến Tít, nó thấy chiếc xe sẽ hét lên, lại đòi cậu Lâm mua cho bằng được. Tít là em họ, trạc tuổi cô, chị em cứ gặp nhau là dí dủm đủ chuyện trên đời. Đến trước cổng nhà cậu Lâm, cô bấm chuông, mợ Thúy mở cổng, thấy cô với chiếc xe mới toanh, mợ cười:
- Ôi chao là cháu tôi, giỏi hết phần con Tít nhà này!
Duyên đi sau mợ, trong chiếc đầm hoa văn đắp nổi rực rỡ trông mợ càng quý phái, mái tóc loăn xoăn màu hạt dẻ cột cao khiến mợ trẻ trung hơn nhiều so với tuổi. Tít đợi sẵn, nó nhảy ra kéo cô vào phòng sau khi xuýt xoa chiếc xe mới toanh của cô rồi rướn cổ vào trong gọi bố inh ỏi: “Bố ra xem xe của chị Duyên đi, con muốn một chiếc như thế!”. Tít dắt cô vào phòng khoe mấy chiếc đĩa nhạc mới, toàn những ca sĩ nó hâm mộ. Hai chị em rúc rích cho đến khi mợ Thúy gọi xuống ăn cơm, xuống chân cầu thang cô vấp phải một đứa bé đang bế em, thấy cô nó lí nhí chào.
- Đây là Mưa, dưới quê lên - Tít nhanh nhảu giới thiệu - Mưa nhỏ hơn chị Duyên hai tuổi thôi đấy!
Không đợi cô gật đầu chào, Mưa lảng vào bếp. Bữa cơm dọn ra, cô ngồi yên chưa cầm đũa, mắt cứ nhìn vào bếp, hiểu ý cô mợ Thúy giục:
- Ăn đi cháu, Mưa nó bế em rồi ăn sau!
Cô ngồi ăn, thỉnh thoảng nhìn ra vườn, ngoài kia Mưa đang thơ thẩn bế thằng Mít. Cậu mợ sinh Tít, mười ba năm sau mới có được Mít nên cưng lắm, hơn hai tuổi rồi mợ vẫn chưa cho Mít đi nhà trẻ. Cô ăn vội bát cơm rồi kiếm cớ đứng lên ra vườn, trên xích đu Mít ngồi nghe Mưa thủ thỉ chuyện gì đó mắt nó cứ tít lại cười. Cô lại gần bế Mít, quay sang Mưa:
- Em vào nhà ăn cơm đi, kẻo đói!
- Không sao ạ! Lát em ăn sau.
Mưa trả lời cô, gương mặt cúi xuống. Cô nhìn Mưa chợt nhận ra Mưa có đôi mắt thật đẹp, đen và sâu hun hút ẩn dưới hàng mi rợp. Trong bộ đồ tuềnh toàng trông Mưa vẫn xinh dù hơi gầy. Cô bỗng thấy thiện cảm với gương mặt hiền lành của Mưa, cô lân la nói chuyện, cô hỏi câu nào Mưa trả lời câu đó, cụt ngủn, có vẻ như Mưa ngại tiếp xúc với cô, gương mặt với cái nhìn xuống như an phận của Mưa khiến cô thấy thương. Cô ở chơi với Tít đến chiều mới về.
Cô đến nhà cậu Lâm nhiều hơn trước, cô đến không phải vì Tít nữa, mà vì Mưa. Cô nhìn thấy trên gương mặt xinh đẹp của Mưa đầy những nỗi niềm, nhất là trong đôi mắt, nó ẩn chứa những nỗi thống khổ mà cô không sao hiểu được. Lâu dần Mưa cũng nhận ra tình cảm của cô, Mưa đã nói nhiều hơn khi cô hỏi, Mưa cũng tâm sự những thầm kín mà tuổi con gái dậy thì như bọn cô đứa nào cũng tâm tư. Tít từ dạo thấy cô thân với Mưa, nó vô tư đi chơi cùng đám bạn mặc cô ở nhà, đã có Mưa.
Hai tuần bận ôn thi, xong môn cuối cô đi thẳng sang nhà Tít, hí hửng vì có quà cho Mưa, một chiếc kẹp tóc mới mua ở nhà sách, tưởng tượng chiếc kẹp này lên tóc trông Mưa càng duyên dáng. Thoắt đó Mưa đã cao vổng lên, dáng người dong dỏng, mái tóc đen bóng lúc nào cũng cột cao. Có lúc cô nhìn Mưa say sưa, thật chả bù cho cái dáng lùn tịt như nấm của cô. Chào cậu mợ xong cô xuống bếp tìm Mưa nhưng chẳng thấy đâu, cô ra vườn thấy Mít đang ngồi trong lòng một bà cụ. Mợ Thúy như chỉ chờ cô đến là được dịp tuôn ra. Hóa ra đôi bông tai cậu Lâm tặng mợ hôm sinh nhật, mợ khoe khắp chưa kịp đeo, qua tuần sau đã không cánh mà bay. Mợ kể, rõ ràng mợ để trong ngăn kéo tủ trong phòng, chỉ có mợ và cậu Lâm, ngoài ra còn có Mưa mỗi ngày vào lau chùi quét dọn. “Không nó thì ai vào đây? Còn chối, mợ tống cổ đi rồi!”. Mợ Thúy kết thúc bằng một câu giận dữ: “Gì chứ tắt mắt là mợ không chứa!”. Cô đứng lặng bên hiên, cảm giác đông cứng lại. Lẽ nào… Mưa ơi! Cô thầm nghĩ, tự đáy lòng cô không tin Mưa là kẻ cắp, cả khi Tít về đến nhà cũng kể lại và kết luận như mợ Thúy, cô vẫn không tin. Cô về lòng buồn rượi, thầm mong Mưa không phải là người đã đánh cắp đôi bông tai, và Mưa sẽ được giải oan, bởi cô nhìn vào đôi mắt ấy, nó thăm thẳm, trong veo, cô tin tâm hồn Mưa cũng thế, như dòng suốt mát lành.
Cô lười qua nhà cậu Lâm hơn trước, Tít rủ cô cũng kiếm cớ bận học. Buổi chiều đi học về, vào nhà đã thấy Tít ngồi trước cửa, thấy cô Tít lao ra:
- Mẹ đã tìm thấy đôi bông tai rồi, nó nằm dưới sô pha, là cu Mít nghịch vất vào đấy chị ạ! - Ngừng một lát nó nhìn cô - Giờ sao chị, tội Mưa quá?
Cô ngồi yên nhìn những cánh hoa giấy mỏng manh rung lên trong gió, cô ngồi rất lâu như thế, nghe lòng ướt sũng.
Tan học cô đạp xe thẳng đến nhà cậu Lâm, mợ Thúy ra mở cổng, thấy cô mợ có phần ngượng ngùng, cô hỏi mợ địa chỉ nhà Mưa. Cầm trong tay mẩu giấy mợ ghi, cô đạp xe lùng sục khắp các ngõ ngách, đến chiều cô mới tìm thấy căn nhà mẹ con Mưa thuê trọ. Nhà trọ đóng cửa im ỉm, hôm sau cô quay lại, ra mở cửa là mẹ Mưa, trong nhà còn có em trai và dượng. Biết cô tìm Mưa, bà cho hay Mưa đã tìm được việc làm, rửa bát cho một quán ăn ở ngoại thành, để đến đó phải mất hai mươi cây số. Cô ghi lại địa chỉ quán ăn rồi ra về, yên tâm phần nào về Mưa. Phải hơn một năm sau cô mới có dịp đến nơi Mưa đang làm thuê, hỏi thăm người làm mới biết Mưa đã rời nơi đó hơn một tháng vì lão chủ quán thường xuyên gạ gẫm Mưa, cũng không ai biết sau đó Mưa đi đâu…
Cô thôi ý định tìm Mưa, có vẻ như Mưa làm một cuộc trốn chạy với cô. Năm cuối cấp bận bịu cô quên bẵng Mưa. Bốn năm đại học trôi qua, cô ra trường, mọi thứ như trải thảm, bố dành sẵn cho cô một vị trí thật tốt trong công ty của bố. Có lúc cô chợt nhớ đến Mưa, nhớ dáng Mưa buồn rượi và lầm lũi, rồi thầm hỏi không biết giờ này Mưa làm gì, ở đâu?
Một lần cô được mời đến nhà hàng sang trọng sau khi đã ký hợp đồng với đối tác, các cô tiếp thị trẻ trung trong những chiếc váy ngắn cũn cỡn đi ra, vừa rót bia vừa nở nụ cười đã “lập trình”.
- Mỹ Yến đâu hôm nay không thấy? - Một người đàn ông trong đoàn lên tiếng - Gọi Mỹ Yến cho tôi - Gương mặt bóng nhẫy cười cợt.
Cô khó chịu đứng lên, một cô gái cao dong dỏng từ trong đi ra, trong chiếc váy bó sát, gương mặt xinh đẹp được trang điểm công phu. Cô sững lại. Là Mưa? Mưa nhìn thấy cô, một thoáng khựng lại rồi quay đi. Đúng là Mưa! Đôi mắt ấy cô chẳng thể nào nhầm lẫn. Mưa cúi xuống nói thầm vào tai người đàn ông vừa gọi rồi quay người vào trong, mất hút...
* * *
Cô ngồi yên tận hưởng không khí trong lành đêm Tây Bắc, miên man nghĩ về Mưa. Sau ba ngày đi ròng rã cô đã viết xong bài. Tạm biệt ông bà Sum, cô quay trở lại lán trại hôm trước, vẫn chú chó canh giữ lán, thấy cô nó ve vẩy đuôi nhận ra người quen. Cô ngồi nghe gió tràn về, nắng tắt cô đứng lên, bỗng nghe tiếng xe máy quen thuộc, chàng trai gặp lại cô vội cười toe. Ngồi nói chuyện một lúc cô mới biết anh từng sang biên giới Trung Quốc tìm việc làm theo đường dây môi giới, hóa ra bị lừa rồi mất tiền. Cô chỉ tấm ảnh cưới treo trên vách khen vợ chồng thật đẹp đôi, mắt anh tít lại cười, say sưa kể về vợ, cô ấy là gái dưới xuôi, anh tình cờ gặp trong một lần vào bệnh viện chăm mẹ, cô ấy là bệnh nhân nằm một mình không ai chăm sóc, họ cưới nhau và đã có một con trai hai tuổi. Gương mặt chàng trai ngời lên khi kể về tổ ấm của mình. “Thắm hiền lành chịu khó lắm chị à!”, anh khoe. Cô hỏi lại: “Cô ấy tên Thắm sao?”. “Vâng!”, chàng trai trả lời, không để ý đến nỗi thất vọng trên gương mặt cô.
Cô đứng lên ra về, chàng trai đưa cô ra đường lớn, đến chân dốc anh reo lên chỉ tay về phía trước: “Vợ tôi đấy!”. Anh quay sang cô hớn hở. Tim cô thắt lại khi thiếu phụ đang đến gần, vẫn dáng người cao dong dỏng, gương mặt nhìn xuống dịu dàng, đôi mắt ấy từ xa cô vẫn nhận ra, nó mênh mang không thôi… Cô chợt hiểu, em giờ đã là Thắm, phải rồi, là Thắm! Trong trang phục phụ nữ Thái, chiếc váy đen dài phết đất, vành khăn sặc sỡ quấn trên đầu trông em đẹp đến mơ màng. Màn sương lãng đãng bao phủ xuống sườn đồi, làng mạc như tan trong sương, em thong thả đi, chốc chốc ngước nhìn những cánh ban trắng trên cao. Một bức tranh đẹp tuyệt hiện ra trước mắt cô. Em đó phải không Mưa? Cô thầm hỏi rồi vội vã tạm biệt chàng trai, lấy cớ quay lại nhà ông Sum lấy món đồ bỏ quên, cô đi như chạy nhưng lòng ấm hơn bao giờ. Chỉ cần vậy thôi, em đã an yên, đã có một cuộc đời, một tổ ấm phải không, Mưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.