Cổ phần hóa các ‘ông lớn’ ngành xây dựng tính thiếu gần 5.700 tỉ đồng

09/07/2023 19:16 GMT+7

Kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan tới sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng cho thấy nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính có nguy cơ gây thất thoát ngân sách.

Nhiều vi phạm trong cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng

Kết luận thanh tra xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 10 tổng công ty (công ty mẹ) thuộc Bộ Xây dựng có những khuyết điểm, vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính khoảng 5.690 tỉ đồng.

Vi phạm trong cổ phần hóa Vicem, Sông Đà, Viglacera, Licogi… lên tới gần 5.700 tỉ đồng - Ảnh 1.

Tổng công ty Sông Đà được yêu cầu rà soát, xử lý, thu hồi nộp ngân sách hơn 567 tỉ đồng

NGUYỄN TRƯỜNG

Trong đó, trong quá trình xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, tại một số tổng công ty còn tình trạng nhiều khoản công nợ phải thu, phải trả chưa hoàn thành việc đối chiếu xác nhận.

Cụ thể có 8/10 doanh nghiệp chưa hoàn thành đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản công nợ theo quy định trong cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này gồm Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Tổng công ty Sông Đà (Sông Đà), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Fico), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC). 

Các đơn vị này vi phạm quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 5.9.2021 của Bộ Tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác, không đúng quy định, thiếu khoản lãi tiền gửi, giá trị thương hiệu, khấu hao công cụ dụng cụ, xóa khoản nợ không đúng quy định… với tổng tiền hơn 23,3 tỉ đồng. Trong đó, Viwaseen, Fico, VNCC, Lilama vi phạm trong ghi nhận giá trị doanh nghiệp, làm giảm giá trị doanh nghiệp hằng vài tỉ, vài chục tỉ đồng.

Việc xác định giá trị một số tài sản, nhà cửa vật tư kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại một số tổng công ty chưa chính xác, thấp hơn giá trị quy định, làm giảm giá trị doanh nghiệp với tổng số tiền tạm tính phải tiếp tục xử lý là hơn 40,2 tỉ đồng.

Licogi tính thiếu khoảng 348 tỉ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội); Viwaseen tính thiếu 23,8 tỉ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6 (Hà Nội); Vicem khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản các mỏ đá vôi, đất sét khoảng 1.507 tỉ đồng.

Quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, tại Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng (Vicem Hải Phòng), đơn vị này chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỉ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.

Ngoài ra, việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty có nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài nhưng các tổng công ty không có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tại thời điểm 31.12.2019, lỗ luỹ kế của các khoản đầu tư của Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1), Vicem, Viglacera là khoảng 4.817 tỉ đồng. Dù thực hiện thoái vốn nhà nước, một số tổng công ty vẫn đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ khoảng 147 tỉ đồng.

Yêu cầu Vicem nộp ngân sách 2.910 tỉ đồng

Thanh tra Chính phủ yêu cầu các tổng công ty theo nhiệm vụ, thẩm quyền cần nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm thuộc trách nhiệm của đơn vị mình để nêu tại kết luận thanh tra. Trong đó, tập trung rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá đất, kiểm tra, rà soát đối với tài sản đất đai có giá trị, lợi thế thương mại, quyền phát triển dự án, quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ… vào giá trị doanh nghiệp.

Vi phạm trong cổ phần hóa Vicem, Sông Đà, Viglacera, Licogi… lên tới gần 5.700 tỉ đồng - Ảnh 2.

Vicem bị yêu cầu nộp ngân sách hơn 2.900 tỉ đồng

LÊ QUÂN

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự phải kịp thời báo cáo, chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Tập trung rà soát, xử lý theo quy định đối với các vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính đến 31.12.2019 là hơn 5.690 tỉ đồng.

9 tổng công ty đã cổ phần hoá được yêu cầu rà soát, xử lý tiền vi phạm tạm tính là hơn 1.160 tỉ đồng. Trong đó, rà soát xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền tạm tính hơn 753,1 tỉ đồng về khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn góp nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và tiền lãi phát sinh do chậm nộp: Sông Đà hơn 567,8 tỉ đồng, Viglacera hơn 44 tỉ đồng, Coma gần 12,6 tỉ đồng, Licogi hơn 348,8 tỉ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt...

Bên cạnh đó là rà soát, xử lý ghi tăng giá trị phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hoá với tổng tiền tạm tính là 34,6 tỉ đồng.

Đối với số tiền tạm tính là gần 4.530 tỉ đồng tại Vicem, kết luận yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo, xử lý, thu nộp về ngân sách nhà nước đối với số tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của Vicem tạm tính là 2.910 tỉ đồng và xử lý đối với khoản chênh lệch 101 tỉ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Vicem Hải Phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.