Cổ phần hóa DN Nhà nước: Không hiệu quả thì cần thoái vốn sớm

04/11/2014 17:30 GMT+7

(TNO) Ngày 4.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp về tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM.

>> Nhiều doanh nghiệp nhà nước ‘sợ’ cổ phần hóa

 Doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp mà nhà nước chi phối vốn sở hữu - Ảnh: Diệp Đức Minh
Doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp mà nhà nước chi phối
vốn sở hữu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đánh giá về tiến độ cổ phần hóa, ông Huỳnh Trung Lâm - Phó Trưởng ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho biết việc cổ phần hóa các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, phức tạp vì có những dự án dở dang, khó xác định giá trị tài sản do lĩnh vực bất động sản “đóng băng”.

 

Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho biết tổng số doanh nghiệp 100% vốn ngân sách nhà nước đã chuyển đổi hoạt động theo loại hình Công ty TNHH một thành viên trên địa bàn TP.HCM là 91 doanh nghiệp. Trong đó, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con: 17 doanh nghiệp; công ty con thuộc tổng công ty: 36 doanh nghiệp; công ty độc lập khác (bao gồm cả 22 doanh nghiệp công ích quận, huyện): 38 doanh nghiệp.

Theo phương án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM duy trì 12 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn lại cổ phần hóa 79 doanh nghiệp.

Theo nhìn nhận của một số đại biểu, thực tế cho thấy các doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước nắm giữ phần vốn dưới 50% thì hiệu quả hoạt động cao hơn; còn nếu nhà nước vẫn giữ phần vốn trên 50% thì hoạt động không hiệu quả vì không thay đổi được cách quản trị, điều hành doanh nghiệp nên luôn gặp khó khăn.

Có ý kiến cho rằng đối với các doanh nghiệp loại này cần phải thoái vốn sớm. Chứ trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa sôi động, doanh nghiệp cả nước đều bán theo kế hoạch cổ phần hóa thì lúc đó sẽ rất khó bán, đặc biệt là những đơn vị đang thua lỗ.

Mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả.

Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng thu ngân sách thấp. TP.HCM trong 10 tháng đầu năm 2014 thu ngân sách 213.059 tỉ đồng. Đứng đầu nguồn đóng góp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và ngoài quốc doanh. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đóng góp ngân sách không đáng kể.

Ông Dương cảnh báo cổ phần hóa trong thời gian tới phải đảm bảo cạnh tranh tốt. Nếu để thua lỗ hoài thì phải bán cho công ty mua bán nợ, chứ không chỉ là mua bán cho các thành phần kinh tế.

 

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, TP.HCM sẽ có điều chỉnh lại quy trình thủ tục nhằm giúp rút ngắn hơn thời gian hoàn thành cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra.

“Cổ phần hóa cần đổi mới quản trị doanh nghiệp làm sao cho năng động hơn, mức độ cạnh tranh tốt hơn. Nếu không thì thời gian qua ì ạch nên hiệu quả kinh doanh thấp. Khi cơ quan thuế vào kiểm tra thì doanh nghiệp chần chừ”, ông Dương nói.

Ông Lê Hoàng Quân lưu ý, sau năm 2015 có 48 doanh nghiệp cần cổ phần hóa, nhưng cũng cần xác định rõ thời điểm để đẩy mạnh, chứ không thể kéo dài đến năm 2017 hay năm 2020.

“Năm 2016 và hạn chót là 2017 phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho xong”, ông Quân nhấn mạnh.

TP.HCM kiến nghị thành lập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung

Ngày 4.11, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung là chuỗi các khu công nghệ thông tin tập trung, gồm các thành viên: Công viên phần mềm Quang Trung tại quận 12, khu công nghệ phần mềm tại quận Thủ Đức, dự án Công viên phần mềm Quang Trung 2 (dự kiến xây dựng tại TP.HCM), dự án Công viên phần mềm Quang Trung - Đà Lạt (dự kiến xây dựng tại Đà Lạt), dự án Công viên phần mềm Quang Trung - Nam Định (dự kiến xây dựng tại tỉnh Nam Định), dự án khu công nghệ thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và dự án Công viên khoa học - Công viên phần mềm Bách khoa tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung là “Công viên phần mềm trọng điểm quốc gia”; đồng thời đưa chuỗi này vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Đình Phú

 

>> Xóa nợ thuế cho 4 doanh nghiệp nhà nước đã giải thể
>> Đã sắp xếp, cổ phần hóa được 76 doanh nghiệp nhà nước
>> Thủ tướng: 'Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, tiêu cực
>> Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước: Biến 'vịt nhà' thành 'vịt trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.