Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Tương lai mịt mờ

22/09/2017 07:00 GMT+7

Trước những ồn ào liên quan việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện VN, Bộ VH-TT-DL đã có cuộc họp trả lời báo chí vào ngày 21.9.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đưa ra thông tin suốt 20 năm nay, Hãng phim Truyện VN bị nợ và lỗ. Theo báo cáo tài chính, khoản lỗ lũy kế từ năm 2004 đến ngày 30.9.2014 vượt hơn 39,9 tỉ đồng. Chỉ chi một nửa lương so với mức lương tối thiểu nhà nước quy định. 90% doanh thu của hãng là từ nguồn kinh phí của nhà nước thông qua hỗ trợ, đặt hàng làm phim.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái Ảnh: N.A
“Hãng phim không có tiền mới lấy một phần tiền làm phim để chi trả thường xuyên, như trả lương, nên thực chất làm phim có hạn chế. Bộ vẫn biết, nhưng nếu siết cái đó thì hãng phim không đủ điều kiện hoạt động, bị lỗ, nợ tiền thuê đất”, ông Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận. Thậm chí, Bộ VH-TT-DL đã nhiều lần gửi công văn đến UBND Hà Nội để xin không siết nợ tiền thuê đất, tiền thuế cho hãng phim. Câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan quản lý lại để một hãng phim trong tình trạng như vậy suốt 20 năm?
Ông Ái lý giải: Năm 2006, Bộ dự định cổ phần hóa nhưng hãng phim lỗ quá, không biết làm sao cổ phần hóa được. Đến năm 2010, hãng phim chuyển sang công ty TNHH MTV. Sau đó, Chính phủ tiếp tục đề nghị cổ phần hóa, nhưng việc này rất khó khăn. “Chúng tôi bắt đầu kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2014, dự định đến 2015 thì xong nhưng vẫn phải kéo dài đến bây giờ”, ông Ái cho hay và giải thích việc cổ phần hóa một hãng phim mang nhiều tính “di sản” cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ lớn khiến cơ quan quản lý cũng lúng túng và gặp khó.
Ông Ái cũng cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc định giá giá trị thương hiệu hãng phim với lịch sử truyền thống, Bộ đã phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Tài chính để định giá. “Nhưng hiện thời chưa có văn bản nào xác định hay chưa thể tính được giá trị theo lịch sử truyền thống”, ông nói.
Nhà đầu tư duy nhất !
Trong bối cảnh đó, hầu hết nghệ sĩ tại hãng phim lại hoang mang về việc cổ phần hóa, bởi nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) vốn chưa từng có hoạt động liên quan đến điện ảnh.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, Bộ đã tiến hành thẩm định khả năng của VIVASO chưa và vì sao lại lựa chọn một nhà đầu tư chiến lược duy nhất là VIVASO, đại diện Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ VH-TT-DL cho biết: “Theo Nghị định 59 (Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần - PV), có thể lựa chọn từ 1 - 3 nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tiêu chí đã được Bộ phê duyệt. Hãng phim đã đăng công bố thông tin rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ tham dự. Bộ căn cứ vào tiêu chí đã thông báo, căn cứ trên hồ sơ và năng lực của nhà đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chỉ có 1 nhà đầu tư này vì chỉ có một mình họ đăng ký”.
Trong khi đó, vừa qua đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thanh tra Chính phủ về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thiếu minh bạch tại VIVASO. Khi được hỏi ý kiến về việc này, đại diện Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ VH-TT-DL cho biết: “Bộ thực hiện việc cổ phần hóa hãng phim truyện theo các quy định hiện hành về cổ phần hóa, còn việc chất vấn của Thanh tra Chính phủ thẩm quyền giải quyết không phải của Bộ”.
Biết ra sao ngày sau
Về hướng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết nhà đầu tư chiến lược đề xuất phương án sản xuất, kinh doanh, trong này trình bày tất cả các phương án để hãng phim tồn tại và phát triển, hỗ trợ kinh doanh, cam kết doanh thu từ sản xuất phim sẽ chiếm 90% doanh thu của công ty cổ phần. Ban lãnh đạo công ty hứa với Bộ từ đây cuối năm sản xuất phim đặt hàng, năm tới 2 phim, tiếp đó là 4 phim. Còn trong trường hợp VIVASO không thực hiện theo đúng cam kết, sẽ bị xử lý theo luật pháp.
Trước ý kiến dư luận hoang mang về việc VIVASO có thể tận dụng những mảng đất vàng mà Hãng phim Truyện VN có quyền thuê và được giao để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, Thứ trưởng khẳng định: “Đất của hãng phim không phải muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư chiến lược phải đưa ra phương án sử dụng đất ở Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đông Anh (Hà Nội) và Thái Văn Lung (TP.HCM). Toàn bộ đất đai sẽ tập trung cho sản xuất phim và dịch vụ làm phim. Trong cam kết cũng có ghi về việc sử dụng đất đó, nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ áp dụng chế tài, sẽ đề nghị UBND Hà Nội thu hồi, rút giấy phép xây dựng, còn trường hợp xấu nữa sẽ đưa ra tòa”.
Hiện tại, Bộ VH-TT-DL có tỷ lệ biểu quyết ứng với 28,84% cổ phần. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Bộ không chỉ đạo trực tiếp công ty cổ phần mà chỉ giám sát thông qua các đại diện vốn nhà nước (hiện tại là ông Vương Đức - Giám đốc Hãng phim Truyện VN, và 2 phó giám đốc là ông Vũ Đức Tùng và Nguyễn Tuấn Anh). Những vị đại diện này có chức năng giám sát và báo cáo với Bộ để Bộ kịp thời chỉ đạo khi xảy ra vấn đề gì.
Theo thông tin đã được công bố, Bộ VH-TT-DL sẽ thực hiện giám sát công ty cổ phần trong vòng 5 năm. Câu hỏi đặt ra: Sau 5 năm đó, Bộ có “bỏ mặc” hãng phim? Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói: “Nếu nhà nước vẫn muốn giữ cổ phần, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chiến lược phát triển kinh doanh của công ty sau thời hạn 5 năm, thông qua vị đại diện vốn nhà nước”.
Như thế, chưa có gì chắc chắn, sau thời hạn 5 năm, nhà nước vẫn tiếp tục giữ cổ phần hay không. Rõ ràng, đơn vị tư nhân có thể hoàn toàn tự quyết định toàn bộ hoạt động của hãng phim sau thời hạn 5 năm.
Phó thủ tướng yêu cầu thanh tra lại quá trình cổ phần hóa
Chiều 21.9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng công ty vận tải thủy (nhà đầu tư chiến lược), một số nghệ sĩ công tác tại Hãng phim Truyện VN… Sau khi nghe báo cáo về những sự việc vừa qua, Phó thủ tướng đã yêu cầu thanh tra lại quá trình cổ phần hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.