Cổ phần hóa ì ạch vì lợi ích cá nhân, cục bộ...

17/10/2019 06:25 GMT+7

Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 16.10, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Ủy viên Bộ Chính trị , Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp , cùng chủ trì.

“Cô sợ sai thì tôi cũng sợ sai”

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), cho rằng thời gian gần đây có nhiều dư luận nói ủy ban đang “câu giờ”, “làm khó” với các đề nghị của các DN liên quan đến chủ trương đầu tư, dự án, công tác cán bộ… Thực tế là do sự chồng chéo trong nhiều luật nên nhận thức, áp dụng pháp luật giữa các cơ quan này có sự khác nhau, khiến cơ quan này phải thận trọng.
“Một số dự án các DN trình, đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù, bộ, ngành cũng muốn đẩy nhanh. Nhưng nhiều vụ án vừa qua cho thấy một nguyên nhân là do trước đây chúng ta làm theo mệnh lệnh hành chính. Cho nên, nếu làm không khéo, không xem xét kỹ thì 5 - 7 năm nữa chúng ta lại bị xử lý”, ông Hoàng Anh nói.
Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp nhà nước. Phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn nên 1 - 2 ngày là xong, cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Dù vậy, ông thừa nhận, trong nhiều vụ việc hiện nay, nếu chần chừ hay không giải quyết sớm theo nguyên tắc thị trường, thì càng thua lỗ, mất vốn. Ví dụ như trong xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương, do lỗ kéo dài từ 5 - 10 năm rồi nên hiện nhiều dự án đã mất 50% vốn. “Không làm ngay thì 1 - 2 năm nữa là hết sạch. Nhưng muốn giữ hay bán thì phải trên tinh thần xác định giá trị thực, chứ không phải khoản đầu tư ban đầu. Đã làm kinh tế thị trường thì phải theo nguyên tắc thị trường, không áp dụng mệnh lệnh hành chính, phi kinh tế được”, ông Hoàng Anh bày tỏ.
Chia sẻ vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn chứng dự án bột giấy Phương Nam, dù đã là mớ sắt vụn nhưng được định giá 1.800 tỉ đồng, rồi xuống 1.500 tỉ đồng mà vẫn không ai mua. “Tuy nhiên, liệu giờ có dám bán với giá sắt vụn không, vì mai mốt thanh kiểm tra vào xử lý thì sao”, ông Huệ nói.
Đây cũng là điều mà cả lãnh đạo DN lẫn các địa phương rất e ngại. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc, kể rằng khi cổ phần hóa vướng mắc là sắp xếp đất đai. Do đặc thù là các cửa hàng lương thực lẫn nhà ở cho cán bộ nhân viên từ hàng chục năm trước nên theo quy hoạch của địa phương thì đều là đất ở. “Nhưng nếu giữ lại thì chúng tôi sai vì DN không có chức năng kinh doanh bất động sản. Còn trả lại cho địa phương thì phải là đất sạch, tức không có tranh chấp gì, nhưng nhiều dự án lẫn với nhà ở của cán bộ nhân viên từ 30, 40 năm trước nên rất khó. Chúng tôi muốn trả nhưng địa phương cũng không dám nhận, vì họ nói cô sợ sai tôi cũng sợ sai”, bà Tâm chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay các nghị định hướng dẫn xử lý đất đai đã có vài năm nay, nhưng Bộ TN-MT mới có thông tư hướng dẫn xử lý đất đai nông lâm trường còn với đất nội đô thì không có. “Điều này khiến chúng tôi không dám, vì có khi làm đúng, nhưng rồi lợi ích nhóm thì sao. Khi đó sợ lại tù tội, lại mất cán bộ. Kể cả anh em có muốn làm khách quan đi nữa thì cũng sợ lắm”, ông Sửu nói.
Bình luận về điều này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bức xúc: “Từ đầu 2017, tôi đã có văn bản giao Bộ TN-MT hướng dẫn Nghị định 126, nhưng 2 năm sau Bộ mới báo cáo lại là không làm được. Vậy trách nhiệm ở đâu?”.

Ngại thay đổi, đặc quyền, đặc lợi

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc sắp xếp, đổi mới DN nhà nước (DNNN) chậm trước hết là do nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch. Vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Thậm chí, có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện tượng tham nhũng trong DNNN là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có.
Thủ tướng khẳng định, danh mục sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã có hết rồi, vấn đề là có làm hay không. Song, DNNN như chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người nên các cơ quan quản lý, kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn, không được để chậm như thời gian qua, từ công tác cán bộ đến đầu tư các dự án. “Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN. Phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn nên 1 - 2 ngày là xong, cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng ủng hộ quan điểm “trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực”, không để cái gì cũng chạy đi xin. Dù vậy,
Thủ tướng cũng yêu cầu các DNNN cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Bộ máy điều hành, hệ thống quản trị phải được kiện toàn, nâng cấp thông qua áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Năm 2019, số DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tính đến tháng 9 chỉ bằng 45% so với năm 2018. Tổng giá trị thực tế bán được đạt hơn 4.771 tỉ đồng, bằng hơn 12% tổng giá trị thực tế bán được năm 2018, bằng hơn 3,7% tổng giá trị thực tế bán được năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.