Cổ phiếu châu Á bị hạ mục tiêu giá vì căng thẳng thương mại

06/07/2018 11:17 GMT+7

Thị trường chứng khoán châu Á va vấp trong tháng 6 khi căng thẳng thương mại lên cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là sự kiện khiến triển vọng cổ phiếu khu vực trong tương lai ít màu hồng hơn so với đầu năm nay.

Theo CNBC, các chiến lược gia nhận định các thị trường châu Á sụt giảm gần đây không những vì các nhà đầu tư lo ngại rủi ro đến từ cuộc chiến thương mại tiềm tàng, mà còn vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu có nhiều dấu hiệu rạn nứt trong khi USD lại mạnh lên. Tất cả các yếu tố trên khiến một số tổ chức xem xét lại mục tiêu giá thị trường khu vực cuối năm nay và mục tiêu giá cho 12 tháng tới.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhận định Hồng Kông là thị trường “đặc biệt có nguy cơ”, nhấn mạnh khả năng chỉ số Hang Seng “giảm giá mạnh hơn”. Các nhà phân tích và chiến lược gia thuộc ngân hàng Mỹ trong tháng 6 từng hạ mục tiêu 12 tháng của chỉ số Hang Seng từ 30.350 điểm xuống còn 27.200 điểm. Mức mục tiêu mới giảm 3% so với ngưỡng của chỉ số này hiện thời. Chỉ số Hang Seng đang nằm trong vùng điều chỉnh, giảm hơn 19% so với mức cao nhất hồi tháng 1.
Trong số các lý do được Morgan Stanley nhắc đến có sự nhạy cảm của chỉ số chuẩn Hồng Kông đối với chính sách tiền tệ toàn cầu (vì đô la Hồng Kông được neo vào USD), sự suy yếu của nhân dân tệ và dòng chảy về hướng nam giảm thông qua liên kết giúp nối nhà đầu tư Đại lục với thị trường Hồng Kông.
Morgan Stanley cũng hạ thấp mục tiêu của họ cho thị trường Đại lục, sửa đổi dự báo 12 tháng cho chỉ số CSI 300, một chỉ số khác theo dõi các cổ phiếu lớn nhất được giao dịch ở Đại lục, từ 4.200 điểm xuống còn 3.500 điểm. Dù CSI 300 không bị ảnh hưởng bởi việc nhân dân tệ yếu đi, chỉ số CSI lại đang trên đà chịu tác động lớn hơn so với mức ngân hàng dự báo trước đó.
Trong khi đó, JPMorgan thì đặt mục tiêu cuối năm cho chỉ số MSCI Trung Quốc là 105 điểm. Chỉ số này theo dõi các cổ phiếu lớn và trung bình ở ngoài Đại lục. Chỉ số MSCI Trung Quốc đạt 83,757 điểm hôm 4.7. Chiến lược gia vốn chủ sở hữu Pedro Martins tại JPMorgan cho hay doanh thu mạnh mẽ là lý do chính khiến ngân hàng lạc quan, dù thị trường vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng lên. Ông Martins nhận định sự phát triển vĩ mô, chẳng hạn như nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giảm đòn bẩy, là tín hiệu tích cực trong dài hạn.
Ngân hàn Nomura thì giữ mục tiêu chỉ số MSCI China cố định ở 80 điểm, tức giảm khoảng 4% so với mức hiện thời. Người đứng đầu mảng nghiên cứu vốn chủ sở hữu Wendy Liu tại ngân hàng cho biết mục tiêu vẫn có vẻ hợp lý vì bà đã bắt đầu với ước tính thận trọng. Bà Liu cho rằng mùa báo cáo doanh thu sắp tới sẽ là bước ngoặc tiềm năng cho tâm lý nhà đầu tư.
Giữa lúc mục tiêu giảm, vẫn còn ít nhiều sự tự tin gửi vào thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Goldman Sachs hạ mục tiêu 12 tháng cho chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản từ 640 điểm xuống 625 điểm. Con số này vẫn trên ngưỡng hiện tại hơn 17%. Một số thách thức mà thị trường khu vực phải đối mặt là tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chính sách tiền tệ Mỹ chặt chẽ hơn và USD đang tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.