Cổ phiếu 'vua' trở lại

01/06/2021 08:47 GMT+7

Hơn 1 thập kỷ, cổ phiếu ngân hàng giờ đây lại được nhiều người gọi tên cũ "cổ phiếu vua" với mức tăng khủng.

Những mức giá "đỉnh của chóp"

Khi cổ phiếu MBB xuất hiện ở mức giá 31.000 đồng vào hồi tháng 4, ông Phan Thắng (TP.HCM) thực hiện bán dần lượng 400.000 cổ phiếu đang nắm, chốt lời gần như 1 ăn 1 bởi giá mua vào chỉ 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu vào quý 3/2020. Thế nhưng ông không thể ngờ được, mình đã chốt lời quá sớm. “Cứ nghĩ bán được giá đỉnh, ai ngờ nhiều liên tiếp sau đó, cổ phiếu này cứ lừ lừ tiến tới 38.000 đồng, bay mất hơn 3 tỉ đồng tiền lãi” - ông Phan Thắng tiếc rẻ. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, MBB tăng hơn 9,35%, nâng mức tăng trong 1 tháng qua lên hơn 25%, tăng 37% trong 1 quý và tăng 120% trong vòng 1 năm. Thế nhưng đây chưa phải là mã cổ phiếu nhà băng tăng mạnh nhất trên thị trường.
"Cắt lỗ không khó bằng chốt lời" - là nỗi niềm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay khi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn xu hướng tăng liên tục, phá vỡ mọi dự báo của các tổ chức, cá nhân. Đó cũng là lý do, nhiều nhà đầu tư bất chấp rủi ro "đu đỉnh", vẫn tiếp tục đổ tiền vào mua nhóm cổ phiếu này. Chị N.H (Q.3) kể, dù đang nắm trong tay 2 mã CTG (Vietinbank) và ACB (Ngân hàng Á Châu) với mức lợi nhuận đạt kỳ vọng đặt ra, 20% trong 1 tháng nhưng chị vẫn không bán ra. Ngược lại, chị còn mua vào thêm 2 mã khác là BVB (Ngân hàng Bản Việt) và LPB (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt). Ngày 31.5, cổ phiếu BVB phủ sắc tím khi tăng trần gần 15%, lên 25.700 đồng/cổ phiếu, đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của BVB. Chỉ trong 1 tuần giao dịch, giá cổ phiếu BVB đã tăng hơn 37,4%, tăng 87,5% trong 1 tháng và hơn 110% trong quý qua. Tương tự, LPB của chị N.H cũng có 2 phiên "tím lịm", tăng hết biên độ cho phép trên sàn HOSE là 7%. Nhưng hiện tượng này không phải là cá biệt. Những mức tăng khủng xuất hiện ở khắp các mã cổ phiếu ngân hàng. Chào sàn chứng khoán HOSE vào cuối tháng 3 ở mức 20.306 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu SSB đã tăng gấp đôi, lên 40.800 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 31.5. Các cổ phiếu khác như ABB lên 25.000 đồng/cổ phiếu, tăng 28,8% trong tuần qua, tăng hơn 47% trong 1 tháng là 96% trong 1 quý
Mặc dù có những tranh chấp nội bộ cổ đông lớn nhưng giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây không nằm ngoái “vòng xoáy” tăng giá. Sau 2 phiên tăng trần, mã cổ phiếu EIB vẫn giữ được sắc xanh khi tiếp tục lên mức giá 32.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 31.5, tăng gần 26% trong tuần qua, nâng mức tăng trong 1 quý lên 81%. Hay STB, bất chấp là ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, không chia cổ tức nhiều năm gần đây, giá cổ phiếu này tăng không ngừng. Với mức giá cao nhất hơn 5 năm trở lại đây ở 33.800 đồng/cổ phiếu, STB đã tăng gần 17% trong 1 tuần qua, tăng 41% sau 1 tháng, mức tăng quý lên hơn 84%.
Mã cổ phiếu tăng giá giữ phong độ trong suốt thời gian dài đó là VIB, lên 68.500 đồng/cổ phiếu khi tăng gần trần vào ngày 31.5, giúp cổ phiếu này tăng giá hơn 23% trong tháng qua, tăng 73% trong 1 quý, tăng gần 200% trong 1 năm qua.
Với tốc độ tăng giá khá nhanh, dòng tiền đổ vào mạnh của các nhà đầu tư trong nước đã hỗ trợ các chỉ số chứng khoán tăng dù nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng.

Dự báo tăng nhưng rủi ro lớn

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Maybank Kim Eng, nhận định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở đỉnh của đỉnh, đặc biệt nhiều ngân hàng nhỏ, hay cỡ trung bình nhưng giá vẫn cao hơn cả những ngân hàng lớn lâu đời nhưng dư địa tăng vẫn còn khi kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Đó là kỳ vọng kinh tế phục hồi, cho vay nhiều hơn, đồng thời ngân hàng rất giỏi trong việc "làm thêm" như bán chéo sản phẩm bảo hiểm (vay ngân hàng mua thêm gói bảo hiểm), bán trái phiếu... nên dù mảng truyền thống như tín dụng nếu có suy giảm vì mùa dịch thì ngân hàng vẫn ăn đậm từ nơi khác.
Chính vì vậy mà ông Phan Dũng Khánh cho rằng đà tăng của nhóm cổ phiếu này còn kéo dài một vài tháng nữa tùy thuộc vào dòng tiền và sự hào hứng của các nhà đầu tư. Trong ngắn hạn đây là nhóm tốt và dẫn dắt thị trường. Yếu tố khiến giá cổ phiếu nhóm ngân hàng quay đầu, theo ông Phan Dũng Khánh đó là sự hào hứng của nhà đầu tư suy giảm, từ trạng thái Fomo (nỗi sợ hay là một hội chứng sợ bị vụt mất, bỏ lỡ cơ hội nên quyết định tham gia vào thị trường - PV) chuyển sang FUD (tham gia thị trường khi nghe thông tin, dù thông tin chưa kiểm chứng). Việc Fomo khiến các nhà đầu tư đôi khi không quan tâm các yếu tố khác, cứ thế mua.
Ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng cổ phiếu ngân hàng có 3 đợt đánh lên, hiện ở vòng thứ 3 đẩy giá các mã cổ phiếu từ hơn 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 20.000 đồng/cổ phiếu và có thể cao hơn. Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi các nhà băng công bố lợi nhuận quý 1 tăng cao, các nhà đầu tư mới tham gia ngày càng nhiều vào thị trường và không khó hiểu khi chọn cổ phiếu ngân hàng đầu tư. Nhưng với giá của nhóm này hiện nay là đang ở mức khá rủi ro, việc “lướt sóng” kiếm lời chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ mua bán đẩy giá, tạo thanh khoản cho thị trường. Giá cổ phiếu ngân hàng dự báo có thể tăng nhẹ vào thời gian tới nên những nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường không nên vào vì độ rủi ro đang ở mức cao.
Nếu các ngân hàng nhỏ tăng phi mã thì các mã cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, CTG, BIDV, ACB … vẫn giữ nhịp cùng thị trường. Ở mức giá cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, giá VCB quay quanh 100.000 đồng/cổ phiếu gần như đi ngang từ cuối năm 2020 đến nay. Giá cổ phiếu BID tăng hơn 3%, lên 48.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 31.5, nâng mức tăng trong 1 tuần lên gần 6%, 1 tháng tăng hơn 18%. Sau thông tin được Chính phủ cho phép tăng vốn nhà nước lên gần 7.000 tỉ đồng, giá cổ phiếu CTG phủ sắc xanh những ngày qua, lên 53.100 đồng/cổ phiếu, nâng mức tăng trong tháng 5 hơn 30%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.