Cổ phiếu Yeah1 'bốc hơi' gần 50% trong khủng hoảng với YouTube

13/03/2019 19:11 GMT+7

8 phiên giảm sàn liên tục và nhà đầu tư vẫn đang cố bán cổ phiếu YEG bằng mọi giá.

Mất gần 50% sau 10 ngày

Chốt phiên hôm nay 13.3, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tiếp tục bị mất 10.300 đồng xuống 137.300 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ khi YouTube công bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với các công ty liên quan của Yeah1. Nếu so với mức giá 245.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 1.3, giá này đã bay mất hơn 44%, tương ứng 107.700 đồng/cổ phiếu/ Đây cũng là cổ phiếu đang có chuỗi ngày giảm sàn dài nhất trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Đặc biệt, trong cơn ác mộng buộc phải bán tháo cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn không thể nào bán ra được vì luôn luôn trắng bên mua. Chẳng hạn trong phiên hôm nay, lượng dư bán giá sàn luôn ở mức trên 2,1 triệu đơn vị nhưng cuối phiên tổng cộng chỉ có 21.710 cổ phiếu được mua. Trong phiên ngày 12.3, có 135.330 cổ phiếu được khớp lệnh thì đã có 100.000 cổ phiếu do Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 mua vào như đăng ký trước đó.
Theo phân tích của trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại TP.HCM, lượng cổ phiếu YEG chất sàn trong một hai phiên vừa qua chắc chắn là lệnh bán “call margin” (nhà đầu tư bị buộc bán cổ phiếu vay margin khi cổ phiếu giảm giá mạnh). Bởi thông thường, khi cổ phiếu giảm từ 15% trở đi là họ được cảnh báo. Trong khi đó, chỉ riêng 5 phiên giảm sàn tuần trước đã khiến YEG bốc hơi hơn 30%. Đó là chưa kể, lượng cổ phiếu YEG giao dịch trên thị trường từ khi niêm yết đến nay rất ít nên theo vị này, lượng bán ra có thể không phải cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài. Ví dụ với mức giá xoay quanh 240.000 đồng/cổ phiếu trước đó, một số công ty chứng khoán có thể cho vay ký quỹ cổ phiếu YEG ở tỷ lệ 35-40%, tương đương khoảng 90.000 đồng/cổ phiếu. Dù hiện nay giá YEG giảm chưa chạm giá cho vay margin nhưng  lệnh bán “call margin” sẽ còn tiếp diễn. Do đó khả năng YEG sẽ rớt xuống dưới ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vẫn có thể xảy ra.
Cổ phiếu YEG giảm sàn phiên thứ 8 liên tiếp Ảnh chụp màn hình
Vì vậy, tỉ lệ lỗ của những nhà đầu tư đang sở hữu YEG sẽ không chỉ dừng lại ở con số 44% vì cơn giảm sàn chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, nếu so với giá 343.000 đồng/cổ phiếu sau khi lên sàn vài ngày của YEG vào cuối tháng 6.2018 thì đến nay, nhà đầu tư đã phải mất đi 60% giá trị.
Theo cơ cấu cổ đông hiện tại của Yeah1, ban lãnh đạo doanh nghiệp và một số quỹ đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 80% số cổ phần. Chỉ còn khoảng 20% cổ phần Yeah1, khoảng hơn 6 triệu cổ phiếu do các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu.

Từ đỉnh cao đến vực sâu

Cơn lao dốc của YEG không chỉ đơn thuần từ khủng hoảng với YouTube. Ngay khi cổ phiếu này công bố chào sàn với giá cao ngất ngưỡng, báo Thanh Niên đã có bài viết xoay quanh chuyện định giá cổ phiếu YEG. Các chuyên gia khi đó được phỏng vấn cũng không thể lý giải được vì sao một công ty truyền thông, quy mô vốn và lợi nhuận không có gì đột biến lại được định giá cổ phiếu “trên trời”. Với giá lên hơn 300.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu) của YEG đã lên tới gần 100 lần, trong khi P/E chung của sàn chứng khoán TP.HCM giữa năm 2018 chỉ ở mức 17 - 18 lần. Hệ số P/E của YEG khi đó cao hơn gấp 4 lần Vinamilk, gấp hơn 12 lần FPT và gấp 14 lần P/E Công ty cổ phần Đầu tư thế giới di động…
Đại hội cổ đông năm 2018 ngay sau khi Yeah1 lên sàn YEG
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Everest nhận định: Cổ phiếu YEG giảm sàn nhiều phiên nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bởi qua phân tích cơ bản, rất khó định được giá trị thật của cổ phiếu này vì công ty hầu như không có tài sản lớn. Trong khi đó, các hoạt động mang lại lợi nhuận cao chủ yếu phụ thuộc vào bên thứ ba, như hoạt động quản lý các kênh YouTube. Vì vậy rủi ro khá cao. Khi YouTube ngưng hợp tác thì công ty sẽ bị lao đao và lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Chưa kể trước khi lên sàn, cũng rất ít thông tin về Yeah1.
Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng cho rằng cổ phiếu Yeah1 đã được định giá quá cao khi lên sàn. Thế nên, việc nhà đầu tư “né”cổ phiếu này khiến thanh khoản khá èo uột. Hơn nữa, công ty luôn cho rằng mình hoạt động trong ngành nghề khác biệt, chưa có công ty nào cùng lĩnh vực ở Việt Nam đang niêm yết nên nhà đầu tư cũng khó có sự so sánh. “Nhà đầu tư không hiểu khác biệt như thế nào mà định giá cao hơn tất cả cổ phiếu blue-chips khác nên không ai dám đầu tư. Do đó ngay cả khi cổ phiếu đã giảm mạnh 50 hay 60% thì cũng không phải hấp dẫn để họ tham gia”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Ngay cả Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) là đơn vị tư vấn niêm yết cổ phiếu cho Yeah1 mới đây trong bản tin gửi các nhà đầu tư cũng cho rằng trong kịch bản xấu nhất, lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Group có thể giảm 83,3% so với dự báo trước đó. Trường hợp này xảy ra nếu công ty không đạt được thỏa thuận với YouTube và phải trích lập hết, đồng thời xóa khoản đầu tư 12 triệu USD vào ScaleLab trong năm nay.

Trong định giá khi lên sàn, Yeah1 liệt kê một số công ty cùng ngành truyền thông ở Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản để đưa ra chỉ số P/E trung bình của ngành truyền thông là 39,3 lần và P/B (giá/giá trị sổ sách) bình quân ngành là 7,5 lần. Từ đó theo thu nhập mỗi cổ phiếu bình quân đạt 6.382 đồng và giá trị sổ sách là 13.884 đồng để tính theo phương pháp P/E là hơn 250.000 đồng/cổ phiếu và giá theo phương pháp P/B là 104.130 đồng
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.