Cơ quan nào chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp xả thải trộm ra sông?

03/05/2021 16:15 GMT+7

Xả thải trộm, bức tử các dòng sông, gây ô nhiễm môi trường ..., ngoài trách nhiệm của đối tượng xả thải thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Xả thải bức tử nhiều dòng sông vẫn tiếp diễn

Vụ việc gây bức xúc dư luận gần đây nhất là “thảm hoạ môi trường” trên sông Mã từ giữa tháng 3 đoạn qua các huyện Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ… gây thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn người dân cũng như hệ sinh thái trải dài gần 100 km.
Sở TN-MT Thanh Hoá xác định có nguyên nhân từ quá trình xả thải trái phép của các doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy, vàng mã tại các Bá Thước, Quan Hoá (H.Bá Thước phát hiện 3 công ty, H.Quan Hóa phát hiện 6 công ty và hợp tác xã). Hành vi của các DN là vi phạm nghiêm trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời gian dài. Do đó không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc đảm bảo môi trường cho sông Mã.
Cụ thể, UBND H.Bá Thước đã có văn bản chính thức đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu về việc xử lý hành vi vi phạm của các đơn vị xả nước thải trái phép ra sông Mã. Đồng thời, yêu cầu các công ty vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng có cá chết. Về lâu dài, UBND H.Bá Thước kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cho dừng hoạt động và thu hồi giấy phép đối với hoạt động sản xuất giấy của một số doanh nghiệp xả thải trái phép ra sông Mã.

Cá nuôi trong lồng bè của người dân ở sông Mã chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống khi dòng sông này bị doanh nghiệp xả thải trái phép đầu độc

Ảnh Minh Hải

UBND H.Quan Hóa sau khi phát hiện 6 DN, hợp tác xã có hành vi chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã, đã yêu cầu tất cả phải phá hủy, đào bỏ hoặc đổ bê tông tươi vào các đường ống chôn trái phép để ngăn chặn việc tiếp tục xả thải. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy, ngâm ủ bột giấy không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết để sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền các địa phương, nơi phát hiện các doanh nghiệp có hành vi chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã.
Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân ở ven sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang khốn khổ vì dòng sông bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều cơ quan chức năng cấp địa phương đã vào cuộc nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Bộ TN-MT nhiều lần gửi văn bản đề nghị 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có biện pháp phối hợp cải thiện tình hình ô nhiễm ở sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê. Bộ TN-MT cũng lên kế hoạch làm việc với 2 tỉnh về tình hình ô nhiễm môi trường tại 2 dòng sông kể trên. Nhưng, đến nay việc cải thiện môi trường sông vẫn dường như dậm chân tại chỗ.
Mới đây, tỉnh Bắc Ninh ra các quyết định xử phạt hành chính 6 đơn vị là hộ kinh doanh, công ty sản xuất giấy ở P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường. Đây là một trong số các nguồn thải trái phép, gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề sông Ngũ Huyện Khê, rồi từ đây, qua cống tiêu Đặng Xá chảy vào sông Cầu.

Chất thải gây ô nhiễm môi trường từ sông Ngũ Huyện Khê chảy qua cống tiêu Đặng Xá vào sông Cầu, gây ô nhiễm môi trường, làm khổ hàng nghìn người dân ở 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang

Ảnh Trần Cường

Dù vậy, nhiều người dân cho rằng, mức độ quyết liệt trong việc xử lý, giám sát xả thải ra môi trường của cơ quan chức năng vẫn chưa đủ mạnh để xử lý triệt để.
Theo một số chuyên gia về môi trường, chế tài xử lý các trường hợp xả thải trái phép ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, còn tình trạng phạt cho tồn tại, bắt cóc bỏ đĩa nên tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các dòng sông nói riêng còn khá phổ biến.

Cơ quan quản lý nhà nước nào có trách nhiệm?

Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi, hàng năm Bộ TN-MT vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc thanh kiểm tra trên phạm vi cả nước nhưng tình trạng xả thải trộm ra môi trường, nhất là ra các dòng sông vẫn liên tục tiếp diễn, trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), khẳng định xả thải trộm là vi phạm pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đều đã nhấn mạnh nội dung ngăn ngừa xả thải trộm.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để doanh nghiệp xả thải ra môi trường

Ảnh Lê Quân

Cụ thể, theo Nghị định 55 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tất cả hành vi liên quan xả trộm như lắp đặt hệ thống công trình, đường ống xử lý chất thải không đúng theo thiết kế ban đầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đều bị xử phạt nghiêm; các hành vi về xả thải vượt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ra môi trường… mức phạt tối đa chỉ là 1 tỉ đồng đối với cá nhân, 2 tỉ đồng đối với tổ chức.
Cũng theo ông Thịnh, trong Nghị định 155 đã quy định nhiều lực lượng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, bên cạnh lực lượng chính là thanh tra chuyên ngành về môi trường thuộc SởTN-MT địa phương, Bộ TN-MT... thì các lực lượng: cảnh sát môi trường, bộ đội biên phòng… đều có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Quan điểm là huy động được tổng thể hệ thống các lực lượng có liên quan vào cuộc phát hiện các hành vi xả thải trộm gây ô nhiễm môi trường. Nhất là, việc xả thải trộm ra môi trường ngày càng có nhiều hình thức tinh vi. Chính vì vậy, đòi hỏi có nhiều lực lượng vào cuộc. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nữa là sự nghiêm túc trong thực thi công tác của cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.