Cơ quan thi hành án tiếp nhận gần 1.600 sổ đỏ trong vụ án Vạn Thịnh Phát

22/02/2024 16:01 GMT+7

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang tiếp nhận nhiều tang vật có giá trị rất lớn trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ phía cơ quan điều tra.

Ngày 22.2, Cục Thi hành án dân sự (THADS TP.HCM) tiếp nhận các vật chứng của vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan từ cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Theo đó, các tang vật dự kiến nhận bàn giao, bao gồm: sổ cổ đông, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần; thiết bị điện tử, vật lưu trữ dữ liệu điện tử; các sổ tiết kiệm; điện thoại di động các loại; 965 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gần 1.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cơ quan thi hành án tiếp nhận gần 1.600 sổ đỏ trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Q.1, TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước đó, hôm 19.2, Cục THADS đã thành lập tổ tiếp nhận vật chứng gồm 15 thành viên, do ông Phan Văn Hoàng (Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính) làm tổ trưởng, cùng hai tổ phó là ông Trần Đình Hoàng (Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ 2) và bà Nguyễn Thị Bình (Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính).

Dự kiến ngày 5.3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội "tham ô tài sản", "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Đại án Vạn Thịnh Phát: Tiếp nhận gần 1.600 sổ đỏ

85 bị cáo còn lại gồm: 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: "tham ô tài sản", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng". Có 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã, TAND TP.HCM đã phát thông báo kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Đáng chú ý, trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, gồm: bị cáo Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội "tham ô tài sản" theo khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự; bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN, bị truy tố tội "nhận hối lộ" theo khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự.

Cơ quan thi hành án tiếp nhận gần 1.600 sổ đỏ trong vụ án Vạn Thịnh Phát- Ảnh 2.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

TL

Theo cáo trạng, mặc dù không giữ chức vụ gì trong SCB, nhưng do nắm 91,5% cổ phần SCB (cho cá nhân, pháp nhân khác đứng tên) nên thực tế, bị cáo Trương Mỹ Lan có "quyền lực" chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB.

Đồng thời, bị cáo Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chủ các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, nên bà Lan tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập các công ty "ma", tạo lập hồ sơ vay khống; cấu kết với các công ty liên quan tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB…

Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn 10 năm, từ năm 2012 - 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân hơn 2.250 khoản/hơn 1 triệu tỉ đồng. Đến giữa tháng 10.2022, còn hơn 1.280 hồ sơ vay, tương đương dư nợ hơn 677.200 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc gần 490.000 tỉ đồng, lãi/phí hơn 193.000 tỉ đồng). Nợ gốc của bị cáo Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.

Xem nhanh 12h ngày 23.2: Bà Trương Mỹ Lan chi tiền cho 17 quan chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.