Cơ quan thuế sẽ yêu cầu mở thủ tục phá sản ?

23/06/2020 00:00 GMT+7

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giải phóng những khoản nợ lưu cữu, không có khả năng thu hồi nhưng vẫn “treo” trên hệ thống.

Đó là một trong những góp ý của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) lên Bộ Tài chính trong trường hợp doanh nghiệp phá sản tại dự thảo Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Xử lý nợ thuế mất khả năng thu hồi

Theo góp ý của VCCI, điều 4.3 và điều 7.3 của dự thảo quy định trường hợp doanh nghiệp (DN) đã có quyết định thụ lý phá sản hoặc đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì sẽ được đưa vào hồ sơ để khoanh nợ, xóa nợ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp DN lâm vào tình trạng phá sản nhưng không làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Điều này có thể khiến cơ quan thuế không có cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Xóa nợ thuế nhập khẩu cho một doanh nghiệp đã phá sản

UBND TP.HCM vừa ký Quyết định số 2204 xóa nợ thuế cho Công ty may xuất khẩu Thành Công (96 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội), với số tiền thuế được xóa trên 88 triệu đồng. Số nợ thuế nêu trên gồm tiền thuế nhập khẩu và tiền chậm nộp tính đến thời điểm ngày 8.6.2020. Công ty này đã được phá sản theo Quyết định số 01 ngày 13.5.2005 của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Căn cứ các quy định hiện hành, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định xóa nợ thuế theo thẩm quyền. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 6 trường hợp DN nợ thuế được xóa nợ theo quy định, với tổng số thuế được xóa trên 10 tỉ đồng.
 
Theo quy định của luật Phá sản, bản thân cơ quan thuế cũng được coi là một chủ nợ của DN và có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu DN nợ thuế quá 3 tháng. Do đó, VCCI cho rằng dự thảo nên bổ sung quy định hướng dẫn các cơ quan thuế theo hướng: Nếu DN lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan thuế tự mình nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, để có cơ sở khoanh nợ, xóa nợ thuế.
Trên thực tế, số nợ thuế mất khả năng thu hồi hiện nay ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ thuế cần phải xử lý. Theo Tổng cục Thuế tính đến cuối tháng 2, tổng nợ thuế là 85.977 tỉ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu hồi khoảng 40.655 tỉ đồng, chiếm 47,3% tổng số tiền nợ thuế, tăng 1,1% so với cuối năm 2019 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân dẫn đến tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng lên là do số tiền phạt chậm nộp (0,03%/ngày) phần nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh tăng lên.
Dự thảo thông tư trên hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 quy định một số đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1.7.2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Có khả thi ?

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trước thực trạng nợ thuế không có khả năng thu hồi cao thì kiến nghị của VCCI là cần thiết. Khi DN phá sản, đồng nghĩa số nợ thuế treo trên hệ thống thuế được xóa. Số nợ thuế mất khả năng thu hồi hiện nay khá lớn, kéo dài nhiều năm, có khoản nợ lên đến 10 năm, hay chủ DN chết... nên cần có hướng xử lý những món nợ thuế đã “tê liệt”.
Trước mắt, theo ông Trần Xoa, cần thực hiện thí điểm quy trình rút gọn xét xử tại tòa án mở thủ tục phá sản DN theo thủ tục đơn giản, lựa chọn những khoản nợ từ 10 năm trở lên để xét xử. Khi quy trình này thông suốt, sẽ áp dụng đại trà và xử lý nhanh những trường hợp nợ thuế. Quy định cơ quan thuế có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN nợ thuế quá 3 tháng nếu áp dụng cho những khoản nợ sau ngày 1.7.2020, có khi DN lại sợ không dám để nợ lâu. Dù vậy, ông Trần Xoa hoài nghi về việc thực thi của quy định này, bởi cơ quan thuế khi thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản DN sẽ phải cử cán bộ thuế thực hiện làm hồ sơ, tạo thêm trách nhiệm cho cán bộ thuế.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc điều hành Công ty luật IPIC, cho rằng cũng cần tính đến trường hợp DN cố tình chây ì không nộp thuế quá 3 tháng để lợi dụng chính sách, được thực hiện phá sản, xóa nợ thuế.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định: Cơ quan thuế hoàn toàn có thể triển khai được quy định này nếu được quyền, việc xử lý nợ của cơ quan thuế sẽ thuận lợi hơn. Ở nước ngoài, cơ quan thuế có quyền khởi kiện DN ra tòa để khoanh lại tài sản của DN, thực hiện nộp thuế. Hiện nay, cơ quan thuế chỉ mới thực hiện xóa nợ cho các hộ kinh doanh trên 10 năm, còn đối với DN thì chưa. Việc đưa DN ra tòa thực hiện thủ tục phá sản, lúc này việc khoanh nợ, xử lý tài sản DN sẽ được thực hiện và cơ quan thuế có điều kiện thu hồi tiền thuế vào ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.