Cô sinh viên tái chế rác, khôi phục nghề thổ cẩm truyền thống của người Mông

04/09/2022 10:39 GMT+7

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười tươi tắn và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ là những ấn tượng của mọi người về Bùi Thị Hương (22 tuổi), người đã và đang thực hiện dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm xã Suối Giàng (H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Mai một, ‘một mai’

Là người con của Yên Bái, Bùi Thị Hương có nhiều cơ hội du lịch, làm việc trên đỉnh núi Suối Giàng với độ cao khoảng 1.500 m, được bao phủ bởi mây trời, không khí vô cùng trong lành và thoáng mát.

Ngay từ nhỏ, hình ảnh các cô, các chị ngồi thêu, dệt thổ cẩm màu để lại cho Hương nhiều ấn tượng sâu đậm. Sau khi lớn lên, cô lại nhận thấy những đôi bàn tay khéo léo ngày nào đang dần bị chai sạn vì vất vả mưu sinh.

Vì lẽ đó, Bùi Thị Hương (bà con Suối Giàng vẫn thường gọi với cái tên thân mật là Hương Kim đang) học tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đã quyết vượt núi, lên bản thực hiện dự án ‘khôi phục làng nghề thổ cẩm’.

Hương Kim, cô gái trẻ tài năng, cống hiến hết mình cho quê hương Yên Bái

NVCC

Hương Kim chia sẻ: “Có lẽ cơ duyên của mình với thổ cẩm Suối Giàng bắt đầu từ nỗi sợ. Mình sợ rằng bản sắc thổ cẩm dân tộc Mông mất dần đi, rồi 5-10 năm nữa các lớp trẻ sẽ chẳng còn ai biết về nghề”.

Dự án được Hương Kim ấp ủ từ năm 2021 và bắt đầu thực hiện từ tháng 2.2022. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, tất bật từ Hà Nội về Yên Bái, một mình khoác trên vai chiếc cặp màu đen ‘phi’ xe máy lên núi cao, đã quá quen thuộc với bà con nơi đây.

Mãi tới tháng 4, Hương Kim mới tìm thêm được những thành viên đầu tiên đồng hành cùng mình. Tất cả họ đều có chung đam mê với nghệ thuật và muốn cống hiến vì cộng đồng. Và có khoảng 20 người dân tộc Mông đang tham gia dự án.

Nguyễn Thị Sinh (22 tuổi), thành viên nòng cốt của dự án cho hay: “Mình đi theo tiếng gọi của núi rừng, không nghĩ ngợi gì quá nhiều cả. Tất nhiên hành trình nào cũng có khó khăn, vất vả nhưng vì mong muốn khôi phục làng nghề, giúp cho bà con được ấm no đã là động lực giúp mình vượt qua tất cả”.

Trao đổi với Thanh Niên, Hương Kim kể về những khó khăn khi một mình bắt đầu làm dự án. Vì vẫn phải đảm bảo việc học tại Hà Nội nên cứ cuối tuần cô mới lại lên bản với bà con được nên mất nhiều thời gian di chuyển. Rồi khó khăn trong khi tìm đồng đội, khó để tìm được những người sẵn sàng lên vùng cao cùng bà con với mình.

Về phía người dân, họ rất muốn giữ nghề nhưng do đầu ra không ổn định nên rất khó trong việc vận động. Hơn nữa, 98% dân số ở đây là người dân tộc Mông nên việc giao tiếp, tuyên truyền vẫn còn hạn chế nhiều.

Hương Kim tươi tắn trong chiếc áo thổ cẩm của dự án ‘Khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng’

TV

“Có những hôm trời mưa, đường trơn và đồ nhiều, một mình chở đồ bằng xe máy lên núi để làm dự án cũng hơi vất vả. Một số người cảnh báo mình rằng sẽ thất bại, không thể khôi phục được làng nghề thổ cẩm ở đây. Nhưng mình vẫn làm bằng tình yêu, đam mê; mình còn trẻ thì mình cứ làm thôi, từng bước cố gắng chinh phục để dự án có được sự thành công hơn nữa”, Hương Kim tâm sự.

Hương Kim đã dùng hết tất cả số tiền tích lũy được từ các công việc làm thêm để chi trả cho các chi phí đi lại, ăn uống, phục vụ dự án. Trước tiên, cô đã khảo sát, sưu tầm các họa tiết hoa văn truyền thống, làm sơ thảo đề án bảo tồn họa tiết, lên thiết kế các sản phẩm mẫu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau đó mở các lớp học miễn phí dạy bà con cách phối màu, cách may sản phẩm. Hoạt động được bà con hưởng ứng tham gia nhất là tái chế quần áo cũ thành túi xách thổ cẩm để bảo vệ môi trường và lan tỏa được thổ cẩm của bà con.

Cô Giàng Thị Nhà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Giàng cho biết: “Dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng rất ý nghĩa và có giá trị. Chính quyền địa phương luôn ủng hộ và giúp đỡ dự án. Tuy nhiên việc vận động bà con, nhất là những người lớn tuổi có kinh nghiệm cùng tham gia là rất khó. Tôi cũng tham gia cùng dự án này để làm mẫu và tôi sẽ bằng hết sức mình vận động được nhiều nhất bà con tham gia để góp phần tăng thu nhập cho bà con”.

Sự quyết tâm, đồng lòng của Hương Kim và bà con dân tộc Mông tham gia dự án

NVCC

Sức sống mới cho thổ cẩm Suối Giàng

Với lợi thế đang theo học chuyên ngành thiết kế, có nhiều kiến thức về thời trang, Hương Kim nhận thấy rác thải từ ngành thời trang rất lớn. Rác thải từ các chất liệu không thân thiện với môi trường được xả ra hằng ngày hoặc một số người có đồ cũ không sử dụng nữa, cô đã nảy ra ý tưởng tái chế kết hợp với thổ cẩm.

Hương Kim hào hứng nói: “Mình chỉ muốn tăng thêm vòng đời của các loại đồ cũ để giảm thiểu lượng rác thải, ngoài ra thì đồ cũ cũng khá đa dạng về màu sắc nên rất phù hợp với thổ cẩm của đồng bào Mông (xã Suối Giàng) nên mình đã tái chế quần áo cũ với thổ cẩm, hai loại này kết hợp với nhau tạo ra sản phẩm rất lạ mắt, sử dụng được”.

Với cô, tái chế giống như một văn hoá vậy. Hương Kim luôn mong muốn những sản phẩm túi xách từ vải thổ cẩm kết hợp với quần áo tái chế có thể lan toả đến đông đảo mọi người đểvừa bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vừa bảo vệ môi trường. Qua việc hướng dẫn bà con tái chế đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; nâng cao tính sáng tạo, tính thẩm mỹ cho bà con vùng cao.

Chia sẻ thêm về dự án, Hương Kim nói đối với hoạt động tái chế, đây được xem là một trong số các hoạt động gốc rễ của dự án. Thông qua đây, bà con có thêm nguồn thu nhập, cô cũng sẽ trích 10% lợi nhuận mỗi chiếc túi bán ra để tạo quỹ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ vùng cao. Quỹ này sẽ được dùng để giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh thực sự khó khăn, tổ chức các lớp học truyền dạy nghề mỹ thuật… cho trẻ em và phụ nữ. Và được biết thời gian tới cô cũng tăng cường việc quảng bá sản phẩm tới mọi người, nhất là thị trường nước ngoài vì họ rất chuộng đồ thủ công.

Túi tái chế từ quần jeans phối hợp với thổ cẩm. Sản phẩm do chính tay bà con làm ra

TV

Chị Sổng Thị Pàng, một trong số người dân xã Suối Giàng đang tham gia dự án phấn khởi chia sẻ, trước kia, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào cho khách du lịch thuê quần áo dân tộc. Có những mùa thì đủ sống, có những mùa ít khách thì khó khăn. Tham gia dự án chị cũng được học may, làm túi để bán thêm.

Nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người là nguồn động lực to lớn nhất để mình tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn, Hương Kim cho biết, dù sẽ còn rất khó khăn nhưng sẽ làm đến hết sức có thể chứ không bỏ dở giữa chừng. Và sau này, khi tốt nghiệp xong mình cũng sẽ về giúp đỡ bà con chứ không ở lại phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.