ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo khá cụ thể về kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT năm 2021. Như vậy, cho đến nay, cả nước chỉ có 3 đơn vị có kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng với tính chất đánh giá năng lực học sinh, gồm ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Các “trường lớn” tổ chức kỳ thi riêng
Với kỳ thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (có tên gọi là kỳ thi đánh giá tư duy), trường sẽ tổ chức tại 2 địa điểm là Hà Nội và Thanh Hóa. Chỉ những thí sinh (TS) ít nhất đạt điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển từ 7,0 trở lên mới được dự thi.
Dự kiến nhà trường sẽ lọc ra từ 8.000 - 10.000 TS được tham dự thi xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của TS, gồm 3 môn theo tổ hợp mà TS lựa chọn: toán - lý - hóa; toán - hóa - sinh; toán - văn - tiếng Anh. TS sẽ làm bài thi trên giấy. Đặc biệt kỳ thi này yêu cầu khá cao với TS về môn toán (thời gian làm bài môn toán chiếm 1/2 thời gian làm bài thi). Ngoài ra, so với kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, ưu điểm của kỳ thi này là có nội dung môn tiếng Anh với thời lượng làm bài 60 phút.
Kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội lấy tên gọi là kỳ thi đánh giá năng lực, với nhiều mục tiêu.
Kỳ thi hướng tới việc đánh giá 3 nhóm năng lực chính của TS: Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực toán, xử lý số liệu, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận logic...; Năng lực khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên/công nghệ, khoa học xã hội. Bài thi bao gồm 150 câu hỏi với tổng thời gian làm bài là 195 phút. Trong đó, phần đánh giá tư duy định lượng có thời gian làm bài dài nhất, với 75 phút. Hai phần còn lại (tư duy định tính, khoa học tự nhiên - xã hội), mỗi phần TS làm bài trong 60 phút. TS làm bài thi trên máy tính. Hình thức câu hỏi là trắc nghiệm.
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi tại Hà Nội cho khoảng 10.000 - 12.000 TS.
Theo nhiều trường ĐH, cả 2 kỳ thi đều được tổ chức bởi những đơn vị có năng lực khảo thí tốt nên kết quả thi hứa hẹn đáng tin cậy. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chi phối mà việc sử dụng kết quả này làm căn cứ để tuyển sinh của các trường có nhiều vấn đề cần suy tính, kể cả với những đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phù hợp hơn với khối trường ĐH kỹ thuật, công nghệ nhưng vì quy mô kỳ thi nên nguồn tuyển phù hợp hơn với những trường tốp trên. Vì vậy đến nay cũng chỉ có một trường công bố có sử dụng phương thức dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, là Trường ĐH Mỏ địa chất.
Phải dùng thêm các tiêu chí phụ
Theo ông Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, trường ủng hộ chủ trương tiến hành tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Vì thế, việc sử dụng kết quả kỳ thi này là một trong 3 phương thức tuyển sinh của trường năm 2021.
ĐH Quốc gia Hà Nội công bố
|
“Có thể khi sử dụng bài thi đánh giá năng lực do Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, chúng tôi sẽ phải sử dụng một số tiêu chí phụ để đánh giá phần ngoại ngữ của TS. Hiện chúng tôi cân nhắc là nên dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT ở bài thi ngoại ngữ hay kết quả học ngoại ngữ của học sinh ở THPT”, ông Minh nói.
GS Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hà Nội, cho biết trường sẽ tiếp tục dựa vào kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh. Tuy nhiên, y dược là khối đặc thù nên tuyển sinh cho khối này thế nào sẽ là một vấn đề được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của hiệp hội các hiệu trưởng trường y dược tới đây.
“Ngoài kiến thức, các em còn phải có phẩm chất thấu cảm - đồng cảm với người bệnh. Cho nên chúng tôi mong về lâu dài các bộ câu hỏi của các kỳ thi đánh giá năng lực đưa vào được những nội dung có thể đánh giá năng lực này”, GS Hải nói.
Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng việc có 3 kỳ thi đánh giá năng lực ở cả 2 đầu Nam - Bắc đối với trường rất có ý nghĩa, do trường có cả các cơ sở ở phía bắc (Hà Nội, Quảng Ninh) và phía nam (TP.HCM). Ở phía nam thì thuận lợi hơn, do kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM phù hợp với các tiêu chí tuyển chọn của Trường ĐH Ngoại thương trong xét tuyển. Nhưng với các kỳ thi ở phía bắc, trường phải tìm hiểu thêm để làm rõ căn cứ sử dụng. Ví dụ, với kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu ĐH này không tách điểm của 2 khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trong phần khoa học) thì các trường khác cũng khó dùng. Hoặc do chỉ tổ chức ở Hà Nội, khả năng tiếp cận kỳ thi của TS ở các vùng miền như thế nào cũng là một vấn đề. Hoặc việc quy đổi thang điểm của kỳ thi ra thang điểm tương đương các kỳ thi chuẩn hóa của quốc tế như thế nào?...
Bình luận (0)