Cô Tâm Kính - người phụ nữ đầu tiên tham gia dự thảo thể lệ tổng tuyển cử

19/10/2022 07:17 GMT+7

Trong Sắc lệnh số 39 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 26.9.1945, Ủy ban Dự thảo Thể lệ Tổng tuyển cử gồm 9 thành viên và cô Tâm Kính là phụ nữ duy nhất. Những thành viên còn lại: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Không bộ Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà…

Người phụ nữ tân tiến viết báo tiếng Pháp

“Năm 1974, chị Tâm Kính từ trong Nam ra dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc, khi đến thăm anh Võ Nguyên Giáp, anh còn để sẵn một tập báo Le Travail và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm làm báo tiếng Pháp thời Phong trào Mặt trận Bình dân”.

Đó là lời của nhà báo Như Quỳnh, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, kể cho tôi nghe. Giọng Nam bộ ấm, dễ nghe, bà Như Quỳnh chia sẻ thêm: Bà Tâm Kính khi làm ở báo Le Travail (Lao động), có ông Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Lâm ở tòa soạn. Ban đầu chỉ sửa bài, dần dần, bà viết báo được bằng tiếng Pháp và biết nghề làm báo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Bà Như Quỳnh cho tôi xem bức ảnh bà Tâm Kính chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà khách T78 của T.Ư Đảng (TP.HCM).

Bà Tâm Kính (trái) trong chuyến công tác nước ngoài

Tư liệu gia đình

Lần tìm tài liệu, tôi được biết rằng, trước năm 1935, bà Tâm Kính đã tham gia làm cho tờ L'essor. Đây là tờ tuần báo chữ Pháp, quảng cáo và khuyến khích thương mại, công nghệ, ra được 105 số thì báo đình bản. Làm thêm một tờ báo tiếng Pháp nữa nhưng rồi tờ báo cũng phải đóng cửa, bà Tâm Kính đi dạy học. Đến đầu tháng 8.1936, đi dạy ở Lào Cai về, vừa bước chân xuống ga Hà Nội, cô Tâm Kính đã thấy cảnh phố phường quen thuộc có gì là lạ. Hà Nội đã khác trước. Thì ra Mặt trận Bình dân bên nước Pháp lên cầm quyền, đã ban hành những chính sách cởi mở hơn, ít nhiều làm tác động tới các nước thuộc địa, trong đó có VN. Tù chính trị được ân xá. Những tù chính trị từ Côn Đảo, Sơn La, Buôn Ma Thuột… lần lượt trở về Hà Nội. Họ đã tập trung nhau lại để ra báo, nhất là báo tiếng Pháp xuất bản tự do không phải xin phép chính quyền thuộc địa.

Ở Hà Nội có tờ báo Le Travail (Lao động) ra đời theo đề nghị của nhà cách mạng Nguyễn Thế Rục. Báo Le Travail do ông Trịnh Văn Phú đứng tên Chủ nhiệm.

Bà Tâm Kính tới số nhà 43 Hàng Da thì gặp ông Trần Đình Long lúc này tham gia quản lý tờ báo. Sau một hồi trò chuyện, trước khi ra về, bà Tâm Kính có hứa: Mỗi tuần một lần khi báo Le Travail ra, bà sẽ đi bán dạo buổi tối quanh bờ hồ. Và bà sẽ dành một buổi sáng đến phục vụ anh em ở tòa soạn sửa morasse (bản in).

Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết

Sắc lệnh số 39 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 26.9.1945, thành lập Ủy ban Dự thảo Thể lệ Tổng tuyển cử. Ủy ban này gồm 9 thành viên và “cô Tâm Kính” là phụ nữ duy nhất. Tiếp ngay sau đó, trong Sắc lệnh số 78 ngày 31.12.1945 thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (ban đầu gồm 40 người), tên cô Tâm Kính xuất hiện một lần nữa qua nét bút mực được ghi bổ sung cùng bà Vĩnh Thụy.

Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết có nhiệm vụ: Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ. Ủy ban đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ và có quyền giao thiệp với tất cả bộ và công sở để thu thập tài liệu.

Toàn quốc kháng chiến, bà Tâm Kính lên An toàn khu Việt Bắc và tham gia làm báo ở Cơ quan Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (tiền thân của Hội LHPN VN). Thi sĩ Anh Thơ trong hồi ký Tiếng chim tu hú kể lại ngày đầu tiên về công tác tại tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam đã gặp một thiếu phụ khoảng 27, 28 tuổi đứng chờ và đỡ ba lô cho mình. Nhà báo Tâm Trung giới thiệu với tác giả Bức tranh quê:

- Chị Huỳnh Bội Hoàn là Thư ký tòa soạn báo chúng ta đấy, chị ạ.

Huỳnh Bội Hoàn là tên mới của bà Tâm Kính. Lúc đó, thấy trăng vừa ló khỏi bóng lá cọ đầu nhà, bà Hoàn reo lên:

- Trăng của thi sĩ đấy nhé! Không ai được nhận vơ đâu!

Câu nói có duyên của người chị làm thi sĩ Anh Thơ bật cười. Làm công tác báo chí ở cơ quan phụ nữ T.Ư, thi sĩ Anh Thơ nhận xét: “Chị Hoàn là người có văn hóa nên rất tế nhị”. Cũng chính bà Bội Hoàn là người dìu dắt, nâng đỡ thi sĩ Anh Thơ theo được con đường của Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản VN, do bà làm người giới thiệu thứ nhất. (còn tiếp)

Bà Tâm Kính (1920 - 2008) tên thường dùng là Bội Hoàn và Lê Thị Thu. Từ năm 1951 bà vào Nam công tác, làm quyền Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (1952 - 1954), Chánh văn phòng BCH T.Ư Hội LHPN Giải phóng miền Nam VN (1964), Phụ trách Ban Sử phụ nữ T.Ư, viết bộ Lịch sử phong trào phụ nữ VN (1974)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.