Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui

17/10/2024 12:02 GMT+7

Lớp thư pháp An Yên (P.Phù Đồng, TP.Pleiku, Gia Lai) dành cho trẻ khiếm thính đã mang đến niềm vui, ước mơ và những điều kỳ diệu cho các em.

Trong cơn mưa lất phất, chút se lạnh từ cao nguyên, lớp thư pháp An Yên dành cho trẻ khiếm thính vẫn luôn ngập tràn niềm vui, sự ấm áp. 

Nơi đây có hơn 20 em khiếm thính đang miệt mài vẽ lên những ước mơ, vẽ nên những câu chuyện cảm động khi không thể nghe, không thể biểu đạt bằng lời nói.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 1.

Lớp thư pháp đặc biệt nơi con phố nhỏ cao nguyên

ẢNH: TRẦN HIẾU

Gian nan con chữ

Cô Trần Diễm Trinh, Giám đốc Trung tâm khuyết tật An Yên, một trong những cô giáo đứng lớp học đặc biệt này chia sẻ: "Nhiều năm qua, tôi mở lớp học dạy chữ cho trẻ khiếm thính. Nói thật, ngoài kỹ năng thì mình phải có sự kiên nhẫn, sự thương yêu dành cho các cháu thì mới dạy được. Nhưng tôi chưa là gì so với công sức chăm bẵm, dõi theo con của các bậc phụ mẫu. Họ mới thật là tuyệt vời!".

Theo cô Trinh, trong 5 năm học tại khuyết tật An Yên, các cháu sẽ được học chữ, học các kỹ năng sống để tự lo cho cá nhân, phần nào hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Với từng con chữ, cô trò phải vật lộn nhiều ngày các cháu mới hiểu, viết được. Vì vậy, mất từ 1 - 2 năm, cô trò mới vượt được một lớp. Các cháu đến trường từ lúc đã 7 - 8 tuổi, xong chương trình lớp 5 cũng đã 15 - 17 tuổi.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 2.

Niềm vui vỡ òa khi những bức thư pháp thành hình

ẢNH: TRẦN HIẾU

Thiệt thòi của các cháu là không nghe, không nói được nhưng thị giác lại bình thường. Vì thế, nhiều vấn đề gặp phải trong cuộc sống thường ngày mà không biểu đạt được có khi trở thành sự ấm ức, bực bội và ảnh hưởng không tốt đến tính cách các cháu.

"Các con đến lớp vừa được tiếp xúc với các bạn lại được học chữ, học cách giao tiếp bằng cử chỉ. Mình đã chứng kiến nhiều phụ huynh bật khóc thì thấy con viết được chữ, bày tỏ cảm xúc: "Con yêu ba mẹ! Biết ơn ba mẹ nhiều lắm". Nhưng tôi còn tham vọng mang đến cho các con nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Đấy là dạy cho các cháu học vẽ và đặc biệt là học thêm thư pháp. Bất ngờ quá, khi nhiều cháu cho thấy có khả năng. Khó khăn không thể nói hết được nhưng quả ngọt mang lại là đong đầy niềm vui", cô Trinh nói.

Lớp thư pháp đặc biệt

Từ 5 năm nay, lớp học vẽ dành cho các cháu khuyết tật tại Trung tâm khuyết tật An Yên được triển khai với tình yêu và cả sự sẻ chia của cô giáo Nguyên Bút. 

Cô Bút hiện đang là giáo viên dạy mỹ thuật ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Mỗi ngày cô phải đi 17 km mới tới trường.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 3.

Cô giáo dạy vẽ Nguyên Bút đã đồng hành với các cháu từ nhiều năm qua

ẢNH: TRẦN HIẾU

"Khi cô Trinh đặt vấn đề dạy các cháu vẽ, tôi rất hào hứng và nhận lời. Cứ mỗi tuần hai buổi, tôi dạy cho các cháu từ những nét vẽ cơ bản cho đến thành phẩm. Dù chỉ là những bức tranh bình thường nhưng đó là sự thành công không nhỏ của cô trò chúng tôi. Lớp học gần như miễn phí. Tôi chỉ lấy một chút cho có, gọi là chi phí xăng xe đi lại. Những năm qua đã có rất nhiều cháu "tốt nghiệp" từ lớp vẽ này", cô Nguyên Bút nói.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 4.

Niềm vui với từng con chữ thư pháp

ẢNH: TRẦN HIẾU

Nhưng một điều đặc biệt hơn, đấy là việc dạy thư pháp cho các cháu. Hơn nửa năm qua, lớp học này đã được CLB thư pháp Pleiku đỡ đầu.

Khi cô Trinh đặt vấn đề về việc các cháu khuyết tật học thư pháp, anh Trần Ngọc Dũng, Chủ nhiệm CLB thư pháp Pleiku, đã bất ngờ rồi bị cuốn hút vào chuyện này. Anh đồng ý ngay và khi phổ biến cho hơn 30 thành viên của CLB, ai cũng hào hứng. Vậy là lớp học thư pháp thành hình, hoàn toàn miễn phí. 

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của cô Trinh, họ đánh vật với từng cách cầm bút, từng nét vẽ… Tất cả vỡ òa khi những bức thư pháp do các cháu khiếm thính thể hiện rất có thần đã "ra lò" như thế.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 5.

Huỳnh Anh Thư (18 tuổi, ở P.Hội Phú, TP.Pleiku), nghệ sĩ thư pháp của lớp học

ẢNH: TRẦN HIẾU

"Mình rất thương tụi nhỏ. Các em có nhiều năng khiếu mà chính tôi còn bất ngờ. Các em có những điều rất riêng biệt. Khi học viết thư pháp, các em tập trung nghiêm túc. Điều đó giúp các em phát triển bản thân vượt bậc", anh Dũng nói.

Những "nghệ sĩ" thư pháp khiếm thính

Cháu Nguyễn Quách Cao Kỳ (14 tuổi, học viên lớp thư pháp An Yên), hào hứng: "Cháu rất thích học thư pháp. Cháu tham gia đều đặn. Cũng có nét dễ, nét khó nhưng giúp cháu rèn luyện sự tỉ mỉ, khả năng tập trung hơn".

Còn đối với Trần Uyên Linh, đến với thư pháp là một trải nghiệm bất ngờ, thú vị. "Sáu tháng là khoảng thời gian chưa nhiều nhưng cháu thích lắm. Có hôm thì viết đẹp, có hôm viết chưa được như ý, chưa được các thầy cô vừa lòng nhưng cháu không bỏ cuộc. Cháu muốn vượt qua khó khăn, càng cố gắng tập viết để tiến bộ hơn. Cháu mong sau này sẽ mở một quán cà phê, trong không gian đấy sẽ trang trí những tác phẩm thư pháp đẹp nhất của mình", cháu Linh tâm sự.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 6.

Anh Trần Ngọc Dũng, Chủ nhiệm CLB thư pháp Pleiku (hàng đầu bên trái), đang thị phạm cho các cháu

ẢNH: TRẦN HIẾU

Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, khi tham gia lớp học vẽ và viết thư pháp, các cháu đã tự tin hơn và có động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Như em Kiều Minh Hiếu (16 tuổi), có bố cũng là một người khiếm thính. Khi mới chập chững tập đi, mẹ Hiếu đã rời xa bố con, đi xây dựng cuộc sống khác.

"Từ nhỏ, cháu Hiếu ở cùng ông bà nội. Trước kia, cháu thường thu mình lại, ít tiếp xúc với mọi người. Nhưng có lần tình cờ ông nội biết đến lớp học của cô Trinh nên đưa cháu đến đây. Từ đó, cháu được học chữ, học vẽ, học thư pháp... Nhờ vậy, cháu giao tiếp với mọi người nhiều hơn, cởi mở hơn. Tôi thấy ở cháu có năng khiếu viết thư pháp cũng như vẽ mà trước đây gia đình chưa nhận ra", anh Kiều Mạnh Linh (chú ruột của cháu Hiếu) tâm sự.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 7.

Cô Phan Thị Kim Thanh, Phó chủ nhiệm CLB thư pháp Pleiku, hỗ trợ các cháu học thư pháp

ẢNH: TRẦN HIẾU

Theo anh Chu Văn Bình, ba của cháu Chu Lê Quỳnh An (13 tuổi), cháu An là con đầu trong của vợ chồng, hai cháu sau sinh đôi phát triển bình thường. "Hơn một tuổi, vợ chồng tôi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cháu An và đã đưa đi nhiều nơi kiểm tra, chữa trị nhưng bất thành. Đưa con đến lớp học thư pháp, tôi mong cháu vui hơn khi có bạn bè cùng trang lứa và có cùng sở thích", anh Bình nói.

Cô thầy đặc biệt miệt mài dạy thư pháp cho trẻ khiếm thính: Gian nan mong các em luôn vui- Ảnh 8.

Anh Trần Ngọc Dũng cho biết sẽ hỗ trợ các cháu khiếm thính học thư pháp lâu dài

ẢNH: TRẦN HIẾU

Trường hợp đặc biệt nhất là cháu Phạm Thanh Nga (13 tuổi, ở huyện Ia Grai, Gia Lai), không có cha, mẹ bị bệnh tâm thần. "Cháu Nga bị khiếm thính, ở với mình từ mấy năm nay. Cuối tuần được ông ngoại đón về. Mới đây, bà ngoại cũng mất vì bạo bệnh", cô Trinh kể.

Theo anh Dũng, với người bình thường, việc học viết thư pháp đã khó, với các em khiếm thính càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, người dạy luôn tìm cách truyền đạt sao cho dễ hiểu, dễ thực hành... 

"Các anh chị, các bạn đến với các cháu bằng tình yêu thương và cũng chỉ có yêu thương mới có thể kiên trì, truyền dạy được ở các lớp dạy chữ, dạy vẽ hay dạy thư pháp đặc biệt này. Tôi và các thành viên của CLB thư pháp Pleiku sẽ cố gắng cùng cô Trinh truyền đạt cho các cháu thật nhiều", anh Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.