Có thể chỉ dùng kết quả môn toán để sơ tuyển

07/10/2016 08:01 GMT+7

PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng đề minh họa môn toán nhìn chung ổn nếu chỉ tính đến mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, nhưng nếu dùng để tuyển sinh ĐH thì có vấn đề cần phải bàn.

Yêu cầu của đề có vẻ hơi dễ. Nội dung kiến thức của đề tương tự 2 năm gần đây, nhưng vì câu hỏi được ra dưới hình thức trắc nghiệm nên dễ trả lời đúng hơn. “Với giả thiết là kỳ thi hết sức nghiêm túc, điểm của thí sinh (TS) phản ánh thực tế thì chỉ cần dùng kết quả thi của Bộ là các trường ĐH khác đã tuyển sinh được. Nhưng với Trường ĐH Bách khoa thì có lẽ chúng tôi sẽ phải bàn kỹ hơn. Nếu có giải pháp nào đó thì chẳng hạn chỉ cần một buổi kiểm tra thêm môn toán cho những HS đạt kết quả tới một ngưỡng nhất định”, ông Điền cho biết.

tin liên quan

Dạy học theo đề minh họa
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, các sở GD-ĐT và các giáo viên trường THPT đã bắt tay vào việc lên kế hoạch ôn tập cho học sinh theo cách ra đề mới.


Đại diện các trường ĐH đều có chung nhận định, đề thi tạo được sự an tâm cho các trường khi xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2017. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, dựa trên những nhận định chuyên môn về đề thi minh họa trường có thể an tâm xét TS dựa trên kỳ thi này. Tương tự, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết không vấn đề gì nếu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT với đề thi dạng này.
Trong khi đó, ông Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tuyên Quang), đặt vấn đề: “Kết quả môn giáo dục công dân có được các trường ĐH đào tạo ngành luật, báo chí, quản lý… sử dụng để xét tuyển không. Nếu có thì HS sẽ phải học rất kỹ để đáp ứng cả phần kiến thức nâng cao của môn này thì mới có thể xét vào ĐH”.


Dễ dàng đạt điểm cao môn sử
Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho biết đề thi không bắt HS nhớ quá nhiều kiến thức, đặc biệt là ngày, tháng, năm cụ thể của sự kiện. Tuy nhiên ở một số câu, đáp án đưa ra thể hiện cái sai quá rõ, HS dễ dàng nhận biết đáp án đúng. Đề thi này chưa có câu hỏi để HS nhận xét, đánh giá, thể hiện thái độ và rút ra bài học cho bản thân nên chưa đáp ứng được yêu cầu của bộ môn khoa học xã hội như lịch sử. Vì vậy, HS dễ dàng đạt được điểm 9 - 10 ở đề trắc nghiệm hơn so với đề tự luận các năm trước. Ông Nguyễn Viết Đăng Du, GV sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), nhận xét mặc dù đề đã ra theo kiểu đánh giá khả năng tư duy của HS nhưng vẫn ở mức độ thấp. Nếu dựa vào đề này cho mục đích xét tuyển thì chưa thuyết phục.
Giáo dục công dân quá nặng về lý thuyết
Nguyễn Thị Mai Chi, Tổ trưởng tổ xã hội, Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), nhận định yêu cầu của câu hỏi phần giáo dục công dân trong đề minh họa rất đơn giản, thậm chí quá dễ. Câu hỏi trong đề mang tính khái quát và nặng về lý thuyết. Ông Tạ Công Minh, Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho rằng câu hỏi ở mức độ bình thường, không độc đáo. Trong đề thi có nhiều câu hỏi chỉ cần đọc là biết ngay đáp án, không cần suy luận.
Phần lớn câu hỏi môn địa mang tính ghi nhớ
Bà Trương Thị Tới, GV Trường THPT Trương Định (Hà Nội), cho rằng nội dung kiến thức trong các câu hỏi môn địa rất cơ bản, câu hỏi rõ ràng không mang tính thách đố, đề kiểm tra được các kiến thức kỹ năng rất tổng hợp. Nhưng phần lớn câu hỏi dừng lại ở mức ghi nhớ, nhận biết, thông hiểu và còn ít câu hỏi yêu cầu cấp độ cao nhằm phân loại HS. Nếu xét tuyển ĐH, CĐ thì cần phải có thêm câu hỏi có tính phân hóa chứ đề thế này thì sẽ có rất nhiều TS đạt điểm cao.
Cần nâng thời gian đề thi môn lý
Ông Bùi Thái Học, Tổ trưởng tổ vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cho rằng sẽ khó khăn cho TS về thời gian. Để giải quyết được đề thi này, thời gian làm bài thi của TS phải trên 60 phút mới chuẩn.
Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.