Nếu bạn đi từ cảm giác tràn đầy năng lượng đến kiệt sức, thiếu sắt có thể là nguyên nhân.
Thèm đá lạnh là triệu chứng phổ biến của thiếu sắt - Ảnh: Shutterstock |
Ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp điều trị bệnh thiếu máu. Nhưng đôi khi thiếu sắt không phải do không bổ sung đủ trong chế độ ăn uống, mà do nhiều nguyên nhân: cơ thể không có khả năng hấp thụ chất sắt, tác dụng phụ của thuốc hoặc phẫu thuật, quá trình sản xuất tế bào máu đỏ không đủ hoặc mất máu.
Ngoài một số triệu chứng như mệt mỏi, cáu kỉnh, khó thở..., thiếu sắt còn có các biểu hiện sau:
Thích ăn “bẩn”. Các nhà khoa học cho biết những người thiếu sắt nặng thường có xu hướng thèm các loại thức ăn không phải là thực phẩm như bụi bẩn, đất sét, các mảnh vụn sơn, bìa cứng... Tình trạng này được gọi là hội chứng Pica và nhiều người thường xấu hổ khi thừa nhận những chứng nghiện kỳ lạ của mình.
Móng tay cong ngược lên. Cùng với móng tay yếu và dễ gãy, móng tay có hình chiếc thìa - còn gọi là Koilonychia là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu sắt trầm trọng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi thấy móng tay, chân có hình dạng cong lên dù không chịu sự tác động nào từ bên ngoài, rất cần thiết để làm xét nghiệm máu.
Môi nứt nẻ. Ngoài tác động của thời tiết, độ ẩm, không khí, thói quen liếm môi khiến môi khô và nứt, môi nứt nẻ cũng là dấu hiệu của thiếu sắt. Khoảng 1/3 số người bị thiếu sắt có biểu hiện nứt ở góc của miệng, hay còn gọi là bệnh Cheiliti, khiến khó ăn, cười, hoặc thậm chí là nói lớn.
Sưng lưỡi. Một triệu chứng khác ít được biết đến khi thiếu sắt là viêm lưỡi, khiến lưỡi bị sưng và đau. Khi bị viêm lưỡi, lưỡi phồng lên khiến lớp da gà bình thường trên bề mặt biến mất và khiến người bệnh cảm thấy khó nhai, nuốt, hoặc nói chuyện.
Nghiện ăn đá lạnh. Ăn đá liên tục cũng là một dạng cụ thể của hội chứng Pica, còn gọi là pagophagia, và thèm đá là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt nặng. Một số bác sĩ đưa ra giả thuyết rằng nhai đá làm tăng sự tỉnh táo ở những người thiếu sắt (vốn luôn cảm thấy chậm chạp, mệt mỏi) hoặc giúp làm dịu lưỡi bị sưng.
Chân ngứa ran. Nếu bạn ngồi trên ghế nhưng chân vẫn không cảm thấy thoải mái và luôn có cảm giác muốn tiếp tục di chuyển, triệu chứng này có thể là hội chứng chân không ngừng nghỉ (RLS). Những người bị RLS lúc nào cũng có cảm giác muốn di chuyển. Ngoài ra, những người thiếu sắt cũng có cảm giác này, đồng thời chân bị nóng, ngứa, hoặc có cảm giác như côn trùng bò xung quanh. Các bác sĩ vẫn không hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy thiếu sắt có thể là nguyên nhân gây nên chứng ngứa ran ở chân.
Bình luận (0)