“Kêu cứu” thiếu hụt vật liệu…
Trong suốt mấy tháng qua, các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, giá tăng cao dẫn tới nguy cơ vỡ tiến độ. Vấn đề này đã được Chính phủ nhiều lần đưa vào nghị quyết yêu cầu phải tháo gỡ dứt điểm, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, cho biết dự án này ban đầu thiếu khoảng 2 triệu m2 đất đắp. Tuy nhiên, nhờ địa phương nơi dự án chạy qua là Thừa Thiên Huế đã đẩy nhanh các thủ tục cấp phép mỏ... nên hiện tại dự án thiếu khoảng 700.000 m3.
Không chỉ riêng dự án Cam Lộ - La Sơn, theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tính đến đầu tháng 9, có 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn 11 tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp gồm: Mai Sơn - QL45 (Ninh Bình), QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai).
Các dự án này đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường, gồm 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác nhưng do chưa giải phóng mặt bằng hoặc cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, cao tốc Bắc - Nam sẽ đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ. Đặc biệt, 2 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ không thể hoàn thành vào tháng 12.2022..
|
Hàng triệu tấn tro xỉ, đất đá thải mỏ uy hiếp môi trường
Trong khi các dự án cao tốc khan hiếm vật liệu, nguy cơ chậm tiến độ thì ở nhiều địa phương hàng chục triệu tấn tro xỉ, đất đá thải từ mỏ than vẫn như quả “bom bùn” khổng lồ uy hiếp môi trường, đe dọa sức khỏe người dân.
Theo Sở TN-MT Quảng Ninh, tính đến tháng 9.2021, lượng tro xỉ còn tồn tại các bãi chứa của nhà máy nhiệt điện khoảng 25 triệu tấn. Tại các bãi chứa này đang trong tình trạng quá tải, đã vậy mỗi năm vẫn phải tiếp nhận thường xuyên 7,6 triệu tấn. Việc “giải cứu” các bãi tro xỉ tại địa phương này đang gặp khó khăn khi lượng tro xỉ bị tồn quá lâu không thể tái sử dụng.
Không chỉ lãng phí hàng triệu tấn tro xỉ đang phải lưu không tại các bãi chứa, hiện nay Quảng Ninh còn đối mặt với những cơn mưa bụi từ những núi thải mỏ. Nguồn đất đá phế thải sau khai thác của ngành than đang được chất cao như núi nhân tạo hàng ngày đầu độc người dân.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án dùng làm vật liệu san lấp các dự án đường giao thông trên địa bàn. Cuối tháng 8 vừa qua, những chuyến xe đầu tiên chở đất đá thải mỏ của ngành than đã được dùng để san lấp cho việc thi công tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Song, để có được thủ tục trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh phải “chạy vạy” các cơ quan cấp bộ suốt 1 năm qua.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, cho biết để tận dụng nguồn đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp các dự án, công trình trên địa bàn, từ năm 2020 địa phương này xây dựng gửi Bộ TN-MT cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo (TP.Hạ Long), với số lượng 700.000 m3. Theo giải thích của ông Long, lý do thủ tục gặp khó, phải kéo dài là do đất, đá thải mỏ là hoạt động khoáng sản đi kèm than. Chính vì vậy, việc quản lý như là khoáng sản thông thường, thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ TN-MT, muốn sử dụng được nguồn đất đá nói trên, UBND tỉnh Quảng Ninh phải báo cáo xin ý kiến Bộ TN-MT.
|
Bộ Xây dựng nói được, Bộ GTVT đang nghiên cứu
Đối với tro xỉ dư thừa lâu ngày không thể dùng làm nguyên liệu cho nhà máy gạch, xi măng thì hoàn toàn có thể sử dụng để làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vì sao chúng ta không tận dụng để làm?
Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết đến nay đã có tiêu chuẩn rất rõ ràng về tro xỉ để làm vật liệu xây dựng, san lấp do Bộ KH-CN nghệ ban hành. Về phía Bộ Xây dựng, cũng đã có ban hành Quy chuẩn 16 về vật liệu xây dựng, trong đó cũng đã nêu rõ quy chuẩn tro bay để làm vật liệu xây dựng. Tro xỉ, tro bay của các nhà máy, cơ sở khi đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì được phép dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng. Đây cũng theo là chủ trương của nhà nước để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Đối với đất đá thải mỏ, theo ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), Nghị định 158 hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản quy định đất đá của quá trình khai mỏ thải được gọi là khoáng sản đi kèm, có giá trị kinh tế. Để khai thác khoáng sản đi kèm này, thì các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải gửi thông báo bằng văn bản đến Sở TN-MT của địa phương hoặc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN. Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận sẽ phải hoàn thành kiểm tra thực địa, kiểm tra hồ sơ, tài liệu có liên quan và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đi kèm đó.
Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, thông thường đất đá thải ra trong quá trình khai thác mỏ được tận dụng để làm vật liệu san lấp thì không cần làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc tận dụng đất đá từ mỏ san lấp giúp bảo vệ môi trường, không gây lãng phí tài nguyên.
Về phía Bộ GTVT, trao đổi với Thanh Niên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, cho biết thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo từ Chính phủ, hiện Bộ GTVT đang giao cho Vụ Khoa học công nghệ và Viện KHCN thuộc Bộ GTVT đang nghiên cứu việc sử dụng tro xỉ vào công trình giao thông. “Các đơn vị sẽ rà soát lại tiêu chuẩn vật liệu tro xỉ từ thiết kế đến thi công, nghiệm thu. Nếu sử dụng sẽ phải thử nghiệm trước tại một công trình sau đó nghiệm thu, đánh giá xem sử dụng được nguồn vật liệu tro xỉ này có thể sử dụng tại loại đường cấp 3, cấp 4 hay đường cao tốc. Sau đó sẽ tính đến bài toán kinh tế kỹ thuật có đáp ứng được hay không, nếu đáp ứng được sẽ có báo cáo để đưa vào sử dụng tuỳ loại vật liệu tương thích với từng cấp đường”, ông Lâm nói.
Theo chuyên gia kinh tế PGS TS Ngô Trí Long, dùng tro xỉ và đất đá thải mỏ san lấp đường cao tốc giải quyết được cả 2 mục tiêu là giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu. “Tất nhiên chi phí vận chuyển có thể sẽ cao hơn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết với các tuyến cao tốc gần các khu vực thải ra tro, xỉ. Các bộ, ngành và địa phương cần rốt ráo chung tay xử lý vì lợi ích chung, vì mục tiêu tăng trưởng xanh như Chính phủ đã định hướng”, ông Long nói.
Bình luận (0)