Có thể học ngoại ngữ trong khi ngủ

14/02/2019 11:08 GMT+7

Nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện con người có thể học tập thông tin mới trong lúc ngủ, theo Medical News Today.

Các nhà khoa học đã biết rằng giấc ngủ củng cố việc học thông tin mới mà chúng ta thu thập được trong khi thức.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ phát hiện việc học cũng có thể diễn ra trong giấc ngủ sâu.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology, đã chỉ ra sự liên kết với các từ ngoại ngữ mới có thể xảy ra ở một số giai đoạn nhất định của giấc ngủ sâu, khi sóng não rất chậm.
Hiện tại có bằng chứng rõ ràng rằng việc nghe lại trong khi ngủ giúp củng cố ký ức và đưa thông tin này vào kho kiến thức thu được trước đó trong não.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng nhiều người cho rằng việc học không thể diễn ra trong khi ngủ vì "vắng nhận thức tỉnh táo trong giấc ngủ " và thiếu hoạt động cũng như hoạt chất não cần thiết, theo Medical News Today.
Tuy nhiên, các nghiên cứu kiểm tra việc học trong lúc ngủ ở người đã mang lại kết quả ngược lại.
Các nhà nghiên cứu đã bị thu hút bởi câu hỏi: Nếu trạng thái ngủ tăng cường dấu ấn ký ức hình thành trong khi thức thì tại sao trạng thái ngủ không thể tự hình thành dấu ấn ký ức mới.
Bằng việc sử dụng điện não đồ, họ đã ghi lại hoạt động sóng não ở 41 tình nguyện viên khỏe mạnh trong khi ngủ trưa và qua các bài kiểm tra trí nhớ tiếp theo.
Trong giấc ngủ trưa, các tình nguyện viên được đeo tai nghe có phát các bản ghi âm của nhiều cặp từ.
Họ đã nghĩ ra từng cặp từ gồm một từ là tiếng mẹ đẻ quen thuộc, trong khi từ còn lại là một ‘từ giả’ ngẫu nhiên.
Ví dụ, họ ghép từ ‘nhà’ với từ giả ‘tofer’, hoặc ‘nút chai’ và từ giả là ‘aryl’.
Sau giấc ngủ trưa, các tình nguyện viên đã trải qua một bài kiểm tra về ‘các liên kết được hình thành trong giấc ngủ’.
Trong mỗi bài kiểm tra, họ phải trả lời liệu hình ảnh mà từ được mô tả có phù hợp với ‘từ giả’ đã được nghe hay không.
Kết quả cho thấy sự ghi nhớ sẽ tốt hơn nếu âm thanh của ‘từ giả’ trong cặp từ được lặp lại liên tục khi giấc ngủ đạt đến đỉnh sóng chậm, theo Medical News Today.
Giai đoạn ngủ sâu, khi sóng não rất chậm, là giai đoạn có lợi nhất để củng cố những ký ức hình thành trước đó trong khi thức.
Khi não đi vào giấc ngủ sóng chậm, các tế bào não dần dần đồng bộ hóa hoạt động của chúng. Chúng rơi vào một mô hình xen kẽ sau mỗi 0,5 giây, giữa các chu kỳ của ‘hoạt động’ và ‘không hoạt động’. Các chu kỳ hoạt động xuất hiện ở các đỉnh của điện não đồ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tình nguyện viên chỉ có thể mã hóa mối liên hệ giữa một từ là tiếng mẹ đẻ, quen thuộc, được nghe trong khi ngủ, và ‘từ giả’ của nó trong hai điều kiện sau:
Điều kiện đầu tiên là sự lặp lại của cặp từ và điều kiện thứ hai là ‘từ giả’ phải được nghe đúng vào giai đoạn ‘hoạt động’ của giấc ngủ sóng chậm.
Nói cách khác, các tình nguyện viên có khả năng tốt hơn trong việc ghi nhớ nếu họ đã được nghe cặp từ nhiều lần và ‘từ giả’ phải được nghe trong khi các tế bào não đang trong giai đoạn ‘hoạt động’ của giấc ngủ sóng chậm.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Marc Züst, nói rằng họ cũng đã quan sát thấy việc thu thập các từ học được trong khi ngủ, trùng với hoạt động ở vùng đồi thị và vùng ngôn ngữ của não. Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong bộ nhớ và học tập. Đây là những khu vực não giống nhau, sẽ hoạt động khi học tập trong khi thức, theo Medical News Today.
Những cấu trúc não này có nhiệm vụ điều hòa sự hình thành trí nhớ của trạng thái ý thức, gồm trạng thái vô thức trong giấc ngủ sâu và trạng thái tỉnh táo trong khi thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.