Ngày 31.7, tại TP.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) T.Ư, Viện Pasteur Nha Trang tổ chức hội thảo "Ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng chống sốt xuất huyết (SXH)".
Theo nhận định của Viện VSDT T.Ư, dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” đang thực hiện đúng tiến độ với chất lượng đảm bảo.
|
Như Thanh Niên đã thông tin, đầu tháng 4.2013, gần 800 gia đình trên đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang) đã tiếp nhận 8.000 con bọ gậy (lăng quăng) từ Viện VSDT T.Ư để thả tại nhà mình. Những con lăng quăng này nở ra từ trứng muỗi được cấy vi khuẩn Wolbachia. Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối với số muỗi trên đảo, đẻ ra trứng; khi nở ra, số muỗi con này sẽ không còn khả năng lây bệnh SXH. Cũng từ đó, các thế hệ muỗi tiếp theo cũng sẽ mang theo vi khuẩn Wolbachia, dần dần loại muỗi mang vi khuẩn này sẽ áp đảo, thay thế muỗi tự nhiên trên đảo, bệnh SXH sẽ được loại trừ.
TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện VSDT T.Ư, cho biết theo kết luận ban đầu thì hiện nay tỷ lệ thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia tại đảo Trí Nguyên đạt từ 70 - 80%, tỷ lệ bọ gậy mang Wolbachia đạt 96%; không có ổ dịch SXH tại đảo. “Trường hợp xuất hiện dịch SXH tại đảo Trí Nguyên trong quá trình ứng dụng muỗi mang Wolbachia trên đảo, dự án sẽ phối hợp với chính quyền và y tế địa phương thực hiện các biện pháp giám sát và phòng chống dịch theo quy định; đồng thời dự án sẽ ngừng thả muỗi ngay lập tức cho đến khi dịch chấm dứt hoàn toàn”, TS Dương nói.
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDT T.Ư, đã trình bày ý tưởng về việc mở rộng dự án “nuôi muỗi trị bệnh” ra TP.Nha Trang nếu thành công. Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ủng hộ ý tưởng trên, tuy nhiên ông cho rằng Nha Trang là TP du lịch, nên việc nghiên cứu, ứng dụng phải rất thận trọng.
TS Peter Ryan, quản lý dự án Loại trừ bệnh SXH toàn cầu, đến từ ĐH Monash (Úc), cho biết kết luận từ các thử nghiệm thực địa tại Úc từ năm 2011 đến nay, có thể khẳng định rằng phương pháp sử dụng
Wolbachia là an toàn và được cộng đồng ủng hộ. Sau 2 năm phóng thả, Wolbachia vẫn duy trì trên quần thể muỗi tại thực địa và chúng vẫn có khả năng giảm lan truyền SXH.
Nguyễn Chung
Bình luận (0)