Phơi nhiễm methanol có thể cực kỳ nguy hiểm, gây tổn thương đa cơ quan như mắt, não, gan, phổi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Chỉ 30 đến 60 phút sau khi uống, nồng độ cồn methanol trong máu sẽ đạt mức tối đa. Cơ chế gây độc của methanol là ức chế hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống, gây tình trạng như say rượu.
Sau khi đi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành axit formic. Sự tích tụ lượng lớn axit formic có thể gây tổn thương võng mạc và thần kinh thị giác, dẫn đến mù vĩnh viễn. Chỉ cần uống 10 ml methanol nguyên chất là có thể gây mù. Nếu uống 30 ml trở lên thì có thể gây tử vong.
Ban đầu, khi uống vào cơ thể, methanol sẽ gây ức chế hệ thần kinh trung ương và gây các triệu chứng tượng tự với người say rượu như buồn nôn, ói mửa, nhức đầu. Trong trường hợp tiếp xúc lượng lớn methanol qua da thì các triệu chứng này vẫn có thể xảy ra. Người uống methanol có thể bị viêm dạ dày.
Từ 18 đến 24 giờ sau khi uống, methanol được chuyển hóa thành nhiều chất khác nhau. Các chất này tích tụ và bắt đầu gây rối loạn thị giác, mù, hôn mê và tổn thương thận cấp tính.
Nhiều bệnh nhân miêu tả tình trạng rối loạn thị giác của họ là mờ mắt, trông như thể có làn sương mù hay xung quanh mờ trắng. Soi đáy mắt bằng đèn có thể thấy xung huyết đĩa thị giác và võng mạc phù nề. Bệnh nhân sẽ có nhịp tim nhanh hơn, thở dốc, buồn nôn, ói mửa, đau bụng vì nhiễm toan ceton.
Nếu uống lượng lớn methanol thì có thể xuất hiện hiện tượng phù phổi, trụy tim hay viêm tụy cấp xuất huyết. Một số người sống sót sau khi ngộ độc methanol còn xuất hiện triệu chứng ngoại tháp giống như những người mắc hội chứng Parkinson. Triệu chứng ngoại tháp là tình trạng rối loạn vận động do bất thường ở một nhóm tế bào thần kinh ở đáy não, vùng này gọi là hệ ngoại tháp, dẫn đến run tay, chân và cứng cơ.
Tùy theo mức độ ngộ độc mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, từ theo dõi chặt chẽ sức khỏe đến dùng thuốc giải độc, lọc máu, theo Healthline.
Bình luận (0)