(TNO) Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ cho rằng có khả năng tồn tại một đại dương ngầm bên dưới bề mặt Enceladus, một trong các mặt trăng của sao Thổ và sự sống có thể sinh sôi ở đó, theo Daily Mail.
Mặt trăng Enceladus của sao Thổ - Ảnh: AFP
|
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Carnegie Mellon, thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), thực hiện. Từ những dữ liệu mà tàu du hành Cassini cung cấp, các nhà khoa học phát hiện có các mạch phun nước trên bề mặt Enceladus.
Điều này chứng tỏ Enceladus đang diễn ra hoạt động địa chất và có khả năng tồn tại một đại dương ngầm bên dưới bề mặt. Không những vậy, họ còn xác định được nước từ những mạch phun ấy có nồng độ pH từ 11 đến 12. Chúng còn chứa muối natri clorua và natri cacbonat, 2 nguyên tố có rất nhiều trong nước biển ở Trái đất. Đó là môi trường phù hợp để một số loài vi khuẩn tồn tại và phát triển.
Enceladus là mặt trăng lớn thứ sáu của sao Thổ, được các nhà thiên văn học phát hiện vào năm 1789.
Các dữ liệu nghiên cứu do tàu du hành Cassini cung cấp. Con tàu được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng vào năm 1997 với nhiệm vu nghiên cứu sao Thổ và các mặt trăng quay quanh nó. Cassini đã vượt quãng đường 1,4 tỉ km và đến được vùng phụ cận của sao Thổ vào năm 2004.
Bình luận (0)