Người dân ở đâu sau 2 kết luận thanh tra?
Thưa ông, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm, Thanh Niên nhận được rất nhiều câu hỏi về việc người dân ở đâu sau kết luận thanh tra này và kết luận thanh tra ngày 4.9.2018? Theo kiến giải của ông, thêm kết luận lần này có làm sáng rõ việc tương lai của người dân Thủ Thiêm sẽ thế nào không?
GS Đặng Hùng Võ: Thanh tra Chính phủ trong 2 năm liền (2018 và 2019) đã thực hiện kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) và đã thông báo 2 kết luận thanh tra như chúng ta đã biết.
Một số người có thắc mắc, người dân ở đâu tại kết luận thanh tra mới. Thực ra, người dân cùng với khiếu nại về việc thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được đề cập trong Thông báo số 1483 năm 2018, trong đó đã yêu cầu rà soát từng trường hợp cụ thể người dân đang khiếu nại, đặc biệt là người dân sinh sống trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh giới quy hoạch.
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có trên 15.000 trường hợp bị thu hồi đất phải di dời. Khiếu nại đông người có tới 115 người ký tên.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ là vậy, tôi cho rằng TP.HCM vẫn đang rà soát từng trường hợp cụ thể, và chắc chắn sẽ rất phức tạp, khi quá trình đã qua 15 năm kể từ khi ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của luật Đất đai 1993, trải qua luật Đất đai 2003 và nay đang sửa đổi luật Đất đai 2013.
Hơn nữa, kết luận thanh tra còn chỉ ra khu vực 4,3 ha tại phường An Bình (quận 2, TP.HCM) là nằm ngoài ranh giới quy hoạch. Tất cả chúng ta đều phải chờ đợi xem UBND TP.HCM sẽ giải quyết ra sao để đạt được sự đồng thuận của dân, trong một ngữ cảnh có khá nhiều sai sót, khuyết điểm từ phía quản lý.
Ở các nước có chính sách tiến bộ, người ta luôn đặt cư dân tại chỗ vào trung tâm của phát triển đô thị. Rất tiếc, ở ta lại luôn đặt nhà đầu tư vào trung tâm, tạo nên sự xung đột xã hội bắt nguồn từ sự cảm nhận bất công bằng về lợi ích.
Có nhiều quan điểm khác nhau về kết luận thanh tra vừa công bố, một số người cho rằng đây là bản thanh tra rất "nặng", chỉ rõ trách nhiệm; một số khác lại cho là còn né tránh khi chưa có một cái tên cụ thể nào được nói đến. Ông cho rằng kết luận như vậy đã đủ thẳng thắn chưa?
Tôi cho rằng kết luận là thẳng thắn và phù hợp với các quy định trong hệ thống pháp luật và thể chế quản lý hiện hành của nước ta.
Về trách nhiệm quản lý, kết luận đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý các cán bộ có liên quan thuộc quyền quản lý của thành phố, cũng như các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư dự án, và đề nghị Ủy ban Kiểm tra TƯ xem xét để giải quyết việc xử lý các cán bộ có liên quan thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Về trách nhiệm kinh tế, tức là trách nhiệm gây thất thoát và tham nhũng, lợi ích tính được bằng tiền, kết luận cũng chỉ ra những con số thất thoát cụ thể trong phạm vi có thể chỉ ra và yêu cầu làm rõ những khuất tất khác về lợi ích trong quá trình kiểm điểm tiếp theo như giá đất, cơ chế BT, thực hiện đấu giá đất và đấu thầu dự án...
Quan trọng nhất, đó là kết luận cuối cùng về xử lý sau thanh tra: yêu cầu chuyển sang cơ quan điều tra xem xét xử lý trách nhiệm kinh tế khi không thể khắc phục hoặc khắc phục không triệt để. Điều này có nghĩa là xử lý sau thanh tra mới là cốt lõi, kết luận thanh tra mới chỉ là đề cương để xử lý hậu quả.
Tất nhiên, tôi cũng như nhiều chuyên gia khác, và người dân, cũng cảm thấy có gì đó chưa hoàn toàn thỏa đáng trong kết luận thanh tra.
Dưới góc nhìn của tôi, Thủ Thiêm có một cảnh quan địa lý đặc biệt, được đặt vào một vị trí địa kinh tế cũng đặc biệt. Với đặc điểm này, nếu biết làm thì có thể đưa TP.HCM thực sự trở lại là hòn ngọc quý của Viễn Đông. Tất nhiên, nếu không biết làm thì ngọc sẽ bị nát. Điều kiện tiên quyết của biết làm là đặt lợi ích của dân vào trung tâm của phát triển. Đây chính là điều mà tôi có cảm giác còn rất thiếu trong kết luận thanh tra.
Theo ông, việc cơ quan thanh tra cho các cơ quan liên quan 6 tháng để khắc phục các kiến nghị về tài chính trước khi chuyển cơ quan điều tra có ý nghĩa như thế nào, nhất là khi các vị quan chức liên quan đã nghỉ hưu?
6 tháng để khắc phục các sai lầm là một thời gian đủ để thực hiện, nếu việc triển khai thực sự thành tâm, trên nguyên tắc lấy tự phê bình làm trọng tâm. Nếu như vậy thì các quan chức của thành phố, mọi đối tác có liên quan, dù đã về hưu hay đang tại chức, cũng không phải là vấn đề trở ngại.
Câu hỏi lúc này được đặt ra là lấy nguyên tắc tự phê bình làm trọng liệu có quá "lãng mạn" hay không, khi mà lợi ích ở đây được tính theo đơn vị ngàn tỉ đồng?
Theo tôi, các sai lầm ở đây không chỉ 6 tháng, mà cho đến 6 năm cũng khó khắc phục đúng, vì sai từ thể chế phát triển: kể từ quy hoạch, thực hiện quy hoạch, đẩy người dân đang sinh sống dồn về một góc tái định cư, chỉ định nhà đầu tư, đổi đất lấy hạ tầng...
Ở vị trí đặc biệt của Thủ Thiêm, có thể lấy ngay giá trị đất đai tại chỗ làm nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển. Lý thuyết đã được GS Hernando De Soto chứng minh (xin xem cuốn sách Sự bí ẩn của vốn), thực tế tại Việt Nam cũng đã được chính quyền Đà Nẵng chứng minh. Vậy thì chỉ còn 2 kịch bản có thể xẩy ra, một là khắc phục sai sót cho qua chuyện, và hai là chuyển tiếp sang điều tra hình sự.
Đất đã giải phóng mặt bằng mà vẫn làm BT là một nghịch lý phi thường
Kết luận thanh tra có nói việc định giá đất là 26 triệu đồng/m2 để giao cho nhà đầu tư BT đã khiến các nhà đầu tư được hưởng chênh lệch địa tô lớn; có kiến nghị thu hồi đất để đấu giá và đánh giá "có khả năng gây thiệt hại lớn cho nhà nước". Theo ông, việc thu hồi đất đấu giá lại với phần đất đối ứng cho nhà đầu tư có khả thi không?
Việc định giá 26 triệu đồng/m2 cho toàn bộ đất đai tại Thủ Thiêm để đổi cho nhà đầu tư theo cơ chế BT khi nhà nước đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng là vô lý. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn biện luận rằng do đất chưa giải phóng mặt bằng nên phải áp dụng BT. Đây là đất đã giải phóng mặt bằng mà vẫn dùng BT thì quả là một nghịch lý phi thường.
Trong trường hợp này, thành phố hoàn toàn có thể đấu giá đất trong nhóm các nhà đầu tư có đủ năng lực để thu tiền và trả tiền cho các nhà đầu tư hạ tầng với đúng giá trị hạ tầng được kiểm toán kỹ thuật và tài chính. Ngay việc định giá 26 triệu đồng/m2 để áp dụng chung là một lý do để tuyên bố các hợp đồng BT là vô hiệu.
Ông bình luận thế nào về việc Thủ Thiêm hiện đang hụt hơn 8.700 tỉ đồng mà kết luận thanh tra có nêu?
Con số 8.700 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận cũng chỉ mang tính khái quát về thâm hụt ngân sách tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong quá trình triển khai 15 năm qua. Trong quá trình phát triển, một nguyên tắc tối cao là lợi ích phải lớn hơn chi phí, kể cả về kinh tế, xã hội và môi trường, dưới dạng đo đếm được, cũng như không đo đếm được.
Tất nhiên, con số thiệt hại nêu trên cũng chỉ liên quan đến chi phí từ ngân sách nhà nước. Để đánh giá toàn diện, chúng ta cần tính đến các thiệt hại (chi phí trừ lợi ích) khác về kinh tế, cùng với các thiệt hại về xã hội và môi trường. Một thiệt hại xã hội quan trọng đang diễn ra cần đánh giá là lòng dân không đồng thuận với cách phát triển do thành phố thực hiện.
Bí thư Thành ủy TP.HCM thời kỳ đó sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước hết
Theo ông, ai là những người phải chịu trách nhiệm cho sai phạm tại Thủ Thiêm? Sai phạm ở dự án này là lỗi chủ quan do không biết, hay cố tình dẫm đạp lên các quy định của pháp luật?
Trong thể chế của nhà nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện và chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình như Hiến pháp đã quy định. Như vậy, người chịu trách nhiệm toàn diện là Bí thư Thành ủy trong giai đoạn xảy ra các sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dưới đó, là các cán bộ lãnh đạo của thành phố, lãnh đạo của các sở, ngành, tổ chức thuộc bộ máy của thành phố.
Mặc dù chưa có đầy đủ thông tin, nhưng tôi cũng đã bám thông tin khá sát về Thủ Thiêm trong giai đoạn thành phố thực hiện việc thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi đó, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường cho ý kiến nhất trí với khung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của thành phố cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bộ đã có công văn nói rằng không đồng ý với đề nghị của thành phố. Sau đó mươi ngày, Bộ trưởng đã chỉ đạo gửi công văn đề nghị UBND TP.HCM cứ quyết định theo thẩm quyền và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.
Theo tôi, cái sai ở đây mang tính hệ thống và chủ quan, ở dạng khoét rộng các khoảng hở pháp luật để sai phạm lọt qua. Câu chuyện tại sao các bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm đều biến mất khỏi lưu trữ, kể cả Văn phòng Chính phủ và lưu trữ quốc gia có thể là đầu mối của hệ thống sai phạm, cần điều tra làm rõ.
Thứ nữa, quá trình phát triển Thủ Thiêm đã kéo dài qua 3 đời luật Đất đai (1993, 2003 và 2013), cũng là một trường pháp lý dễ vận dụng theo mục tiêu riêng.
Cái sai trung tâm ở đây là sử dụng công cụ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thiếu minh bạch và tùy tiện trong điều tiết lợi ích từ giá trị đất đai tăng thêm do phát triển hạ tầng mang lại, thể hiện việc sao nhãng với lợi ích của người dân, chú trọng quá nhiều tới lợi ích của các chủ đầu tư. Điều cần làm rõ tiếp là có tham nhũng hay không gắn với các sai phạm đã xẩy ra?
Vậy làm sao để tránh những Thủ Thiêm tiếp theo?
Để tránh các Thủ Thiêm tiếp theo, thể chế quản trị công tốt cần đặt làm trung tâm của hệ thống pháp luật nước ta. Thể chế này gồm 3 nội dung chính: một là công khai - minh bạch thông tin quản lý; hai là người dân tham gia vào quản lý và giám sát; ba là trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý trước dân.
Về lý thuyết, người ta đã chứng minh rằng tại các nước có thể chế chính trị nhất nguyên, quản trị công tốt là công cụ duy nhất để kiểm soát quyền lực. Vì vậy, đây là việc nhất quyết phải làm ở dạng chi phối toàn diện quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, thể chế, tổ chức ở nước ta. "Chính quyền điện tử" đang xây dựng hiện nay, cũng như "Chính quyền thông minh" sẽ phát triển ngày mai tạo điều kiện thực sự dễ dàng trong triển khai quản trị công tốt ở nước ta.
Giải pháp khắc phục kiểu sai phạm Thủ Thiêm là khá rõ, nhưng chắc còn nhiều gian nan vì tư lợi vẫn đang đặt ra nhiều chướng ngại vật trên đường dân tộc ta đi lên.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)