Cổ tích giữa đời thường: Chăm lo cho những người dưng

22/06/2021 08:00 GMT+7

10 năm qua, anh Trần Thành Luân (ở P.La Khê, Q.Hà Đông, Hà Nội) đã dành rất nhiều thời gian để chăm lo cho các bệnh nhi bị ung thư máu, ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư, vì muốn các em được vui sống mỗi ngày.

Trần Thành Luân (34 tuổi) hiện là Phó chủ nhiệm CLB Niềm tin và hy vọng do anh Vũ Trường An - một bệnh nhân ung thư máu sáng lập, nhằm chia sẻ nỗi đau với các bệnh nhi ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư.
Tháng 5.2011, anh An cùng các bạn tình nguyện viên tổ chức sinh nhật cho các bé và đó là buổi sinh nhật đầu tiên, cũng là sinh nhật cuối cùng của anh An bên các bé. Không lâu sau, anh An qua đời. Tiếp nối ý tưởng của anh An, Trần Thành Luân đã cùng các thành viên trong CLB chung tay mang đến niềm tin và hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhi ung thư trong suốt 10 năm qua.

Mang yêu thương đến bệnh viện

Cứ cuối tuần, khi mọi người nghỉ ngơi, thì Trần Thành Luân lại cần mẫn đến Viện Huyết học truyền máu T.Ư để tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em nhỏ bị ung thư máu đang điều trị tại đây. Khi thì anh Luân dạy các bé tập tô màu, khi thì đọc truyện cho các bé nghe, khi thì tổ chức thi đố vui… Anh Luân cùng các bạn thành viên trong CLB tổ chức sinh nhật cho các bé, giúp các bé có thêm nhiều niềm vui và kỷ niệm trong tuổi thơ đầy giông bão của mình.
Có những buổi tối anh ở viện đến tận 23 giờ để vui chơi và tập hát cùng các bé. Sự xuất hiện của anh và các thành viên trong CLB đã trở thành niềm mong nhớ của các trẻ em ở đây. Các bé đã coi chú Luân như một người bạn, mang đến niềm vui và hy vọng. Bởi khi chú đến, các bé được bước ra khỏi phòng bệnh ngột ngạt với những ống tiêm truyền, để được vui chơi, trò chuyện. Và niềm vui tinh thần đó đã giúp các bé quên đi bệnh tật, đau đớn.
Một phụ huynh có con đang điều trị ở viện chia sẻ: “Các cháu bị “đánh” hóa chất rất mệt, bố mẹ dỗ dành mà không chịu ăn, nhưng khi chú Luân đến xúc cơm cho thì lại ăn. Có bé chân đau không muốn đi, nhưng chú Luân bảo đi đến cuối hành lang, chú sẽ tặng quà, thì lại cố gắng tập đi. Có những bé cả tuần nằm bết trên giường, không chịu ăn và uống thuốc, khi các cô chú của CLB đến động viên thì cháu đã nghe lời. Khi ấy, chúng tôi nhìn thấy con dậy vui chơi, cười đùa mà nước mắt tuôn rơi…”.
Chia sẻ về việc đến với hoạt động này, anh Luân cho biết trước đây anh làm công tác Đoàn ở P.La Khê, nên thường được mời đi dẫn chương trình. Khi CLB Niềm tin và hy vọng tổ chức chương trình trung thu đầu tiên cho các bệnh nhi ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư, anh đã đến làm chú cuội vui chơi cùng các bé. Khi đến đây, anh thấy bao gương mặt hồn nhiên, xinh tươi nhưng đầu không còn một sợi tóc, chân tay thì cắm toàn kim truyền… Hình ảnh đó đã níu anh ở lại. Kết thúc chương trình, anh cùng mọi người đến từng phòng tặng quà cho các bé và trò chuyện.
“Khi kể về con mình, các bà mẹ đã khóc rất nhiều. Các bệnh nhi thì sợ hãi vì đau đớn. Lúc đó, tôi nghĩ rằng việc tặng quà thôi chưa đủ, tình thương yêu mới cần thiết cho tất cả mọi người ở đây. Vì thế, tôi muốn cùng CLB chia sẻ tâm sự của họ và mang thêm nhiều niềm vui, tiếng cười đến đây, giúp các bé quên đi đau đớn hằng ngày”, anh Luân nhớ lại.
Cổ tích giữa đời thường: Chăm lo cho những người dưng

Các bé ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư coi anh Trần Thành Luân như người nhà

ẢNH: NVCC

Những câu chuyện ám ảnh

Trong 10 năm qua, anh Luân và các tình nguyện viên, cùng những tấm lòng thiện nguyện đã tổ chức được hàng trăm buổi sinh nhật và hoạt động vui chơi cho các bệnh nhi ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư. CLB còn tổ chức các chương trình lớn như Tết Thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu, Noel, Xuân yêu thương cho các bé và vận động gây quỹ được gần 10 tỉ đồng để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có những gia đình không có tiền thuê xe cấp cứu về quê, CLB đã kêu gọi cộng đồng để có những chuyến xe cuối cùng đưa các bé về nhà.
Cũng tại bệnh viện này, có nhiều câu chuyện khiến anh Luân cảm thấy luôn canh cánh trong lòng. Có những bé đến ngày sinh nhật thì phải sang phòng cấp cứu. Dù các cô chú đã nhanh chóng mua quà bánh mang sang, nhưng bé đã không kịp thổi nến… Rất nhiều bé lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật và có những bé lần sinh nhật đầu tiên cũng là lần sinh nhật cuối cùng.
Và có những điều ước dang dở mà anh Luân chưa kịp thực hiện cho các bé. Cậu bé Hoàng (ở Yên Bái) hồn nhiên, lém lỉnh, chỉ mong đến trung thu để được tham dự, được rước đèn, nhưng đến ngày CLB tổ chức trung thu, chạy sang phòng gọi “Hoàng ơi…”, thì gia đình đã đưa bé về quê để chờ mất rồi. Còn bé Dũng (ở Phú Thọ) chỉ mong cô chú về nhà mình chơi, nhưng cứ mỗi lần cô chú lên kế hoạch thì bé lại phải đến viện điều trị. “Mong ước chưa thành, thì con đã ra đi. Bé mất gần 1 năm thì chúng mình về thăm nhà mới của con, để con được toại nguyện…”, anh Luân nghẹn ngào kể.
Sau giờ vui chơi ở viện, anh thường đi các phòng xem bạn nào khỏe, không phải tiêm truyền thì đưa đi ăn KFC. Đang trên đường đi có bé hỏi: “Chú khỏi bệnh lâu chưa?”. “Không, chú không phải bệnh nhân đâu nha, chú chỉ lên chơi với các con thôi”. “Chú ơi bệnh này là bệnh người nghèo hả chú, vì ở đây nhà nào cũng nghèo?”. “Nhà giàu chứ, chú thấy tiêu bao nhiêu là tiền mà”. “Chú cứ đùa, cháu chỉ mong mau khỏi để không tốn tiền chữa nữa thôi”…

Từ tiếng khóc đến tiếng cười

10 năm trước, Trần Thành Luân mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH GTVT và đi làm. Khi ấy, bạn bè anh đều tập trung lo cho sự nghiệp, nhưng Luân thì lại dành nhiều thời gian đến Viện Huyết học truyền máu T.Ư để hoạt động thiện nguyện. Nhìn anh bế trên tay những đứa trẻ đầu trọc lóc, tay đầy dây dịch tiêm truyền, tôi không khỏi ái ngại.
Hỏi vì sao anh lại dành cả thanh xuân để gắn bó với công việc thiện nguyện này, Luân chia sẻ: “Tôi muốn mang đến cho các bé nhiều niềm vui, tiếng cười, và tiếp thêm sức mạnh, động lực tinh thần để giúp các con có thêm sức khỏe chiến đấu và vượt qua bệnh tật”. Anh Luân cũng cho biết điều ý nghĩa và đặc biệt nhất mà CLB đã làm được cho các bệnh nhi ung thư máu không phải là cái gì đó quá cao sang, to tát mà đơn giản đó chỉ là những nụ cười. “Những ngày đầu chúng tôi mới đến viện, hầu như không bao giờ nghe tiếng cười, chỉ toàn là tiếng khóc của các cháu và bố mẹ. Nhưng rồi, qua những hoạt động của CLB và hoạt động của các nhà hảo tâm khác nữa, các cháu đã cười nhiều hơn”, anh Luân tâm sự.
Hiện tại, anh Luân vẫn chọn một công việc tự do là bán vé máy bay với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, để có nhiều thời gian đến viện làm thiện nguyện. “Sao mọi người tập trung kiếm tiền, còn anh thì lại chỉ chăm lo cho những người dưng?”, tôi hỏi. Anh Luân cười: “Tôi may mắn được gia đình ủng hộ, nên chỉ cần kiếm đủ tiền tự trang trải được cho cuộc sống. Cuộc sống của tôi đơn giản lắm. Tôi thấy có nhiều niềm vui mỗi lúc vào viện. Tôi như quên hết mọi chuyện khác, mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để các cháu cười. Các cháu cười thì mình cũng cười, như vậy là hạnh phúc rồi”!
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho biết: “Chúng tôi vô cùng biết ơn Trần Thành Luân và CLB Niềm tin và hy vọng vì đã hoạt động rất hiệu quả ở viện. Có các tình nguyện viên, bệnh nhi và người nhà được động viên tinh thần, vật chất để giảm bớt áp lực và lo lắng. Luân luôn là người nhiệt tình, trách nhiệm và tận tâm với người bệnh. Khi Luân và các bạn tình nguyện viên đến thì các cháu rất vui và coi như người nhà. Ngoài ra, Luân và CLB còn là cầu nối giữa cộng đồng với bệnh viện, mang đến những nguồn lực hỗ trợ để bệnh nhân giảm bớt khó khăn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.