Cổ tích ở Giang Thành

01/05/2020 07:02 GMT+7

Có những anh em ruột, tuổi mới 20 cùng khoác áo quân nhân, cùng trên tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 .

Họ hiện thân cho những người trẻ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để phấn đấu cho lý tưởng, thể hiện bản lĩnh và sống cống hiến...
Ở H.Giang Thành (Kiên Giang), khi nói chuyện hiếu học, ai cũng nhắc đến 2 anh em ruột là trung úy Danh Hải và thượng sĩ Danh Thành Tài ở ấp Khánh Tân, xã Tân Khánh Hòa, tự nuôi nhau suốt 3 năm học THPT, tự ôn thi và đỗ ngay năm đầu vào Học viện Biên phòng. Bây giờ, 2 anh em đang chống dịch  Covid-19 ở 2 đầu đất nước.

Rau cháo nuôi nhau

Trung úy Danh Hải, năm nay 25 tuổi, nguyên đội trưởng đội trinh sát, Đồn biên phòng Phú Mỹ (H.Giang Thành) được cử đi học nghiệp vụ tại Trường trung cấp Biên phòng 2 và hiện đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch ở chốt Bàu Đá, Đồn biên phòng Tân Hà (H.Tân Châu, Tây Ninh). Em trai Hải là thượng sĩ Danh Thành Tài, 22 tuổi, học viên năm thứ 4 chuyên ngành chỉ huy tham mưu, Học viện Biên phòng cũng đang tăng cường chống dịch ở chốt 1322, Đồn biên phòng Hoành Mô (Quảng Ninh).

Trung úy Danh Hải chuẩn bị bữa ăn sáng với mì tôm trên chốt Bàu Đá, Đồn biên phòng Tân Hà (H.Tân Châu, Tây Ninh)

Ảnh: Độc Lập

Đến Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (H.Giang Thành) hỏi chuyện 2 anh em ruột vượt khó, cùng đỗ Học viện Biên phòng, các thầy cô giáo ở trường ai cũng nhắc đến tên Danh Hải - Danh Thành Tài và bảo: “Giờ giáo viên vẫn kể lại chuyện vượt khó của 2 anh em, để học sinh học tập và noi theo”.
Nhà Hải - Tài ở ấp Khánh Tân được xếp vào đối tượng nghèo nhất xã. Bố Hải là ông Danh Hên (62 tuổi), mẹ là bà Thị Lượng (54 tuổi) đều người Khmer. Nhà có 5 chị em, 3 chị gái đầu đã lấy chồng, ở riêng, hoàn cảnh cũng chẳng dư dả gì. Năm 2010, khi Hải vào lớp 10 Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, em trai Danh Thành Tài mới lớp 7, thì cha mẹ phải gạt nước mắt lên Bình Dương làm thuê cho xưởng gỗ. Nguyên nhân cũng chỉ bởi mấy năm trồng lúa mất mùa, phải vay nợ nhiều và chủ nợ đến xiết ruộng.
Bố mẹ đi làm mướn, nhà chỉ có 2 anh em, đành lần hồi rau cháo nuôi nhau. Hồi ấy, khu vực ấp Khánh Tân còn là rừng cây um tùm, mỗi ngày 2 anh em dắt nhau đi bộ từ nhà đến trường 10 km, hết giờ học đợi nhau, lại lút cút 10 km đường về. 2 anh em có 3 bộ đồng phục. Đi đường thì quấn đồng phục lên cổ, mặc quần cộc để cây gai đỡ cào rách quần áo. Gần đến trường mới dừng lại mặc đồ, quàng khăn đỏ. Lương công nhân của bố mẹ ít ỏi, gửi về không đủ mua gạo nên ngoài giờ học, cả hai đi làm thuê làm mướn khắp trong xã, ai có việc gì ới gọi là 2 cậu bé đến phụ giúp, từ làm ruộng, đào ao, dựng nhà…
Cổ tích ở Giang Thành

Bà Thị Lượng, mẹ của Danh Hải - Danh Thành Tài che mưa trong căn nhà dột

Ảnh: Nguyễn Đình Thành

Cực khổ quá, giữa năm học 2010 - 2011, Danh Hải quyết định nghỉ học. Thấy học trò 1 tuần không đến lớp, thầy chủ nhiệm lớp đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh và động viên đi học lại. Cũng từ đó, các thầy cô trong trường bảo nhau góp cho 2 anh em từ cân gạo, cá khô, tiền mua mắm muối, mấy năm liền. Được thầy cô bảo ban giúp đỡ, 2 anh em tập trung vào học và học rất giỏi, nhất là các môn khối C...

Bước ngoặt cơ duyên

Đầu năm 2013 cuối cấp THPT, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự H.Giang Thành về Trường THPT Thoại Ngọc Hầu tư vấn hướng nghiệp khối trường quân sự, Danh Hải mê ngay Học viện Biên phòng bởi có khoa quản lý bảo vệ biên giới, và nhất là “vào học, gia đình không phải đóng học phí” nên đăng ký tức thì. Thấy vậy, nhiều người lắc đầu: “Nghèo còn dám mơ. Trường ấy điểm cao ngất. Trước nay, huyện này có ai đỗ vào đó đâu?”. Càng nghe vậy, Danh Hải càng quyết chí. Thời kỳ ôn thi đại học, mỗi ngày cậu chỉ ngủ 2 tiếng đồng hồ, còn lại dành hết vào việc học. Thấy học trò tự học đến rạc người, nhiều thầy cô cho sách vở, gọi đến ôn thi miễn phí...
Kỳ thi tuyển sinh năm học 2013 - 2014, Danh Hải trúng tuyển Học viện Biên phòng với số điểm 22/19 và vào học K27 chuyên ngành phòng chống tội phạm và ma túy. Nhận giấy báo, Hải không biết địa danh (Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) nằm đâu nên lại hỏi thầy cô. “Bắc cầu” đến mấy lượt, rút cục cậu bé lần đầu tiên tự bước chân ra khỏi vùng biên giới Giang Thành cũng được một đồng hương trên TP.HCM giúp đỡ - chỉ bảo việc đi lại từ Nam ra Bắc. Tiền đi đường ăn uống, may có thầy hiệu phó xin cho suất học bổng gần 3 triệu đồng và các thầy cô lại gom góp cho.
Năm đầu tiên ra Bắc, Danh Thành Tài học đào tạo nguồn tại Trường đại học Trần Quốc Tuấn, cách Học viện Biên phòng hơn 10 km. Cứ cuối tuần là Danh Hải bắt xe buýt hoặc đi bộ sang thăm em. Được mấy lần, Tài ngăn: “Anh tập trung học hành đi. Để em tự lập. Em lớn rồi, tự lo cho mình được”.
Dịp tết 2016, Danh Hải thương em, dành dụm được ít tiền định mua vé tàu xe cho em về quê ăn tết, còn mình ở lại vẫn đi nấu bánh chưng thuê, nhưng Danh Thành Tài từ chối: “Em ở lại, sướng khổ gì cũng có anh em”.
Cuối năm 2013, Danh Hải có mặt tại Sơn Tây (Hà Nội) học lớp đào tạo nguồn 9 tháng tại Trường đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan Lục quân 1), trước khi vào làm học viên chính thức của Học viện Biên phòng. Những ngày đầu không quen thời tiết, môi trường khác lạ, luyện tập gian khổ... Danh Hải liên tục đau ốm và ngơ ngác, lầm lì như tự kỷ. Trung đội trưởng Hoàng Mạnh Linh dành nhiều thời gian tìm hiểu, biết hoàn cảnh của Hải nên thương như em trai, và kỳ nghỉ tết đầu tiên của đời bộ đội, trung úy Linh đã bỏ tiền túi mua vé tàu cho Danh Hải về quê ăn tết với lời dặn: “Động viên bố mẹ về chăm sóc em Tài. Có thế, mình mới yên tâm học”.
Trở lại trường, Danh Hải tự nhủ: “Hoàn cảnh mình không như các bạn, phải quyết tâm vượt qua” và chuyên tâm vào học tập, rèn luyện. Chăm chỉ, học giỏi và hạn chế chi tiêu đến mức tối đa, để gửi mấy trăm nghìn phụ cấp về quê nuôi em, nên cán bộ giảng viên ai cũng quý mến. Những kỳ nghỉ hè, nghỉ tết sau đó, khi biết Hải ở lại tìm việc làm thêm, lấy tiền phụ giúp cha mẹ, rất nhiều thầy cô trong trường đã giúp tìm. “Anh Hoàng Huy Đạt, chính trị viên đại đội giúp cho em đi làm ở cơ sở bánh chưng trong Thành cổ Sơn Tây mỗi dịp tết. Nghỉ hè thì em được giới thiệu xuống Cầu Diễn làm việc dọn phòng, phục vụ tại khách sạn Hương Bưởi”, trung úy Danh Hải thật thà kể và trầm ngâm: “Hết cuộc đời này, em không bao giờ quên các thầy cô đã giúp đỡ, động viên, từ THPT đến Học viện Biên phòng”.
Khi đã chính thức là học viên Học viện Biên phòng, Danh Hải tìm hiểu kỹ về ngành nghề và định hướng cho em Danh Thành Tài theo cùng. Không chỉ dành dụm phụ cấp, đi làm thêm dịp nghỉ hè, nghỉ tết lấy tiền gửi về nuôi em ăn học, Hải còn liên tục gọi điện về cho em khuyên nhủ, động viên, hướng dẫn ôn thi. Năm học 2015 - 2016, Danh Thành Tài cũng trúng tuyển Học viện Biên phòng với số điểm 24,5 điểm, vào học K30, chuyên ngành chỉ huy tham mưu. Năm ấy, Hải 20 tuổi và Tài mới 17 tuổi.
Câu chuyện 2 anh em Danh Hải - Danh Thành Tài cùng thi đỗ Học viện Biên phòng lan nhanh khắp H.Giang Thành. Ai cũng ngạc nhiên bởi từ trước giờ, việc vào trường quân đội nói chung và Học viện Biên phòng nói riêng là điều không tưởng với nhiều người nơi đây. Khát khao làm sĩ quan biên phòng được thổi bùng lên trong huyện và Danh Hải trở thành “chuyên viên tư vấn mùa thi” bất đắc dĩ, do các học sinh gọi điện hỏi kinh nghiệm thi cử, học hành, nghề nghiệp. Trong số đó, có đã thêm 2 học sinh ở Giang Thành thi đậu và hiện đang ở Học viện Biên phòng.
Vượt khó vươn lên trong sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, đồng đội, đến giờ 2 anh em Danh Hải - Danh Thành Tài miệt mài lại trả nghĩa từ mọi hành động, việc làm và được người dân khu vực biên giới Giang Thành gọi là “cánh én biên cương”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.