Tìm đến nơi, người dân ngạc nhiên: “Ông ấy vào rừng sống một mình bao năm nay” và chỉ cách đến ngọn đồi giữa hồ thủy điện Bản Chát gần 3 tiếng thuyền máy, xe ôm...
Từ mép nước lên đỉnh đồi, anh lái thuyền liên tục động viên: “Ở đây thôi” và cất tiếng hú gọi. Mấy phút sau mới thấy người đàn ông mặt vuông vức, nhàu nhĩ trong bộ quần áo dân tộc Thái: “Chô đây!” và tròn mắt nhìn tôi: “Cán bộ cấp trên đến thăm toàn gọi tôi vào bờ, mỗi cậu dám ra tận đây”.
Một mình giữ chốt
Ngồi trên mặt sàn chênh vênh, bên bếp lửa mới được thổi bùng làm sáng căn nhà cũ, ông kể: Sinh năm 1955, đến năm 1974 ông đã được gọi nhập ngũ. Nhưng lúc ấy gia đình nghèo đói, anh trai Tòng Văn Sơn và Tòng Văn Kiên đang trong quân đội nên gia đình xin cho ông được ở nhà làm lao động chính chuyên vào rừng đào củ mài, cứu đói mỗi bữa ăn.
Giữa năm 1976, UBND xã lại gọi nhập ngũ. Thấy các anh mình bị đau chân dọc đường hành quân xin về, Tòng Văn Chô bực mình: “Đi bảo vệ Tổ quốc bản làng, sao ai cũng cứ sợ? Các anh ở nhà nuôi bố mẹ, các em, để tôi đi thay cho việc các anh”.
|
Ngày 2.9.1976, Tòng Văn Chô nhập quân số Trung đoàn 254, bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai) đóng quân ở xã Bản Lầu, H.Mường Khương, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Chữ không biết, tiếng phổ thông cũng không nên mấy tháng tân binh, Tòng Văn Chô được cấp trên huấn luyện qua các… phiên dịch. Được cái lớn tuổi hơn so với các chiến sĩ khác, ở nhà quen mọi việc đi rừng leo núi nặng nhọc, thấy việc gì cũng lao vào làm giúp anh em nên Chô được đưa đi làm đường từ Bản Lầu lên Pha Long. Đầu 1978, binh nhất Tòng Văn Chô được đưa về Làng Mạ (nay là thôn Nà Mạ 1 - 2, xã Bản Lầu) chăn trâu bò, bởi “khỏe mạnh, chăm chỉ, quen đi rừng dễ tìm bò lạc”.
Cuối 1978, tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng. Liên tiếp xảy ra các vụ xô xát giành giữ đất; thậm chí lính Trung Quốc còn vượt biên sang Việt Nam bắt cóc cán bộ, nổ súng khiêu khích bộ đội. Tòng Văn Chô cùng đồng đội được lệnh lên điểm cao 391 đào hầm hào công sự, chốt giữ khu vực Làng Mạ và bảo vệ Nông trường Phong Hải ở phía sau. Rạng sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đồng loạt nã pháo vào tuyến biên giới Lào Cai, binh nhất Tòng Văn Chô đang gác ca cuối, chạy vào lay đại đội trưởng: “Thủ trưởng ơi, Trung Quốc nó đánh mình rồi” khiến người đang ngủ bực bội: “Nói năng linh tinh”. Chô quay sang kéo chính trị viên ra xem pháo nổ hướng TX.Lào Cai, Pha Long. Lúc ấy mọi người mới tin là thật.
8 giờ ngày 17.2.1979, hàng trăm lính Trung Quốc có pháo binh yểm trợ, tấn công hòng chiếm điểm cao 391, mở thông đường từ TT.Mường Khương về Bản Phiệt để thực hiện ý đồ kéo về H.Bảo Yên và Yên Bái phía sau. Chốt giữ tuyến 1, Tòng Văn Chô dùng trung liên RPD diệt hàng chục tên đi đầu và bị chúng dùng ĐKZ bắn sập công sự, ngất đi. Khi tỉnh dậy, Chô bò sang sườn đồi bên cạnh, dùng B41 diệt gọn khẩu đội ĐKZ của địch và một mình chặn địch, cho đồng đội rút sang trận địa khác.
Trưa 20.2.1979, Tòng Văn Chô được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội chốt giữ đồi yên ngựa cao điểm 393. Trận đánh ác liệt, Chô một mình một mũi đánh trả, diệt 10 tên địch. Cuộc chiến đấu giữ chốt của Tòng Văn Chô kéo dài đến trưa 24.2.1979, đơn vị chi viện thấy 393 ròng rã nổ súng, hành quân lên tiếp ứng mới thấy Tòng Văn Chô kiệt sức, người đầm đìa máu, trước mũi súng của ông, địch chết la liệt.
“Ngày hôm sau địch lại tấn công lên chốt yên ngựa, đạn hết người hy sinh cũng gần hết nên phải rút về trại K21 - Nông trường Phong Hải. 12 giờ đêm hôm ấy, xe tăng Trung Quốc tràn vào nông trường. Thấy xạ thủ Nguyễn Văn Nhân bắn 2 phát không trúng, tôi giằng khẩu B41 bắn chiếc đi đầu cháy bùng, chiếc sau không dừng kịp, lao vào cháy theo. Đạn trong xe nổ như tết”, Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Tòng Văn Chô nhớ lại.
|
Học chữ khó hơn đánh nhau
“Ối giồi ôi! Đánh nhau thì không sợ, mà sau đánh nhau lại sợ quá!”, ông Chô bật lên câu cảm thán giữa mạch kể chuyện khiến tôi cười bò. Lần sợ đầu tiên là sau ngày 6.3.1979, khi lính Trung Quốc bắt đầu rút quân về nước, binh nhất Tòng Văn Chô phải về sở chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn đóng trong hang đá ở Km 21, quốc lộ 4E (Phố Lu, H.Bảo Thắng, Lào Cai) để báo cáo thành tích chiến đấu.
“Các ông chuyên gia Liên Xô mắt xanh mũi lõ cứ xì xà xì xồ bắt tôi diễn lại quá trình chiến đấu, giải thích cả trên sa bàn. Lúc ấy tiếng phổ thông mình còn chưa sõi, nên cứ phải nói chuyện bằng động tác”, AHLLVT Tòng Văn Chô nhớ lại vậy và cười: “Tôi bảo với cấp trên: Cho tôi về chiến đấu hoặc thu dọn chiến trường. Bắt tôi gặp Liên Xô là tôi trốn về quê đấy. Nghe thế, ai cũng cười”.
Nguồn vui của ông mỗi đêm là ngồi với cây đàn tính tẩu của người Thái, phập phùng vừa đàn vừa hát. “Ai sống mãi trong hào quang được đâu” ông bảo và ngân nga lời hát của người Thái vùng Tây Bắc |
Cuối năm 1979, binh nhất Tòng Văn Chô được về Hà Nội báo công và gặp mặt Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Trước hôm nhận danh hiệu AHLLVT, ông ra điều kiện: “Không bắt phát biểu bằng tiếng phổ thông, tôi mới nhận”. Khi được đưa đi tham quan Liên Xô và Cuba, ông cũng ra điều kiện trên và đi đến đâu cũng hỏi xem “có người Thái mình ở bàn nào gần đây không”, khiến phiên dịch lắc đầu quầy quậy.
Lần sợ thứ 2 là khi… học chữ. Tòng Văn Chô được đưa về trường văn hóa của Bộ Chỉ huy quân sự Hoàng Liên Sơn (nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái), nhận lệnh “phải đọc thông viết thạo trong 8 ngày”. Liên tục trong 1 tuần, nhóm giáo viên gồm 5 thầy cô giáo ăn ở cùng cậu chiến sĩ người Thái to vâm vấp nhưng chưa sõi tiếng phổ thông, cứ thấy người lạ là co rúm sợ hãi. Mỗi ngày, ông Chô chỉ có 4 tiếng đồng hồ để ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, còn lại là học và học. Hết tập đọc tập viết đến cộng trừ nhân chia. “Có lúc mình định trốn đấy. Nhưng do là mệnh lệnh nên phải chấp hành thôi”, ông Chô nhớ lại.
Hết mấy tháng tham quan, nói chuyện và báo cáo thành tích, Tòng Văn Chô được phong hàm vượt cấp từ binh nhất lên thiếu úy và lại nhận lệnh đi học ở trường quân chính Quân khu 2 trong 3 năm liền; mỗi năm học xong 3 lớp. Đầu 1983, thi xong tốt nghiệp lớp 9, thiếu úy Chô khoác ba lô chạy một mạch ra khỏi cổng trường, vừa chạy vừa van vỉ: “Cho tôi lên Vị Xuyên chiến đấu. Tôi không học nữa đâu”. Thấy thiếu úy Chô cương quyết trốn học đi chiến đấu, cấp trên đành chuyển ông làm đại đội trưởng của Trung đoàn 891 Hoàng Liên Sơn và tháng 10.1984 về Ban Chỉ huy quân sự H.Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu) làm trợ lý động viên, tác chiến.
Đầu năm 1993, do không đáp ứng yêu cầu về trình độ nên đại úy Tòng Văn Chô được cho nghỉ phục vụ trong quân đội, về công tác tại địa phương… Ít ai biết hiện nay, AHLLVT Tòng Văn Chô sống một mình trên đồi giữa hồ thủy điện Bản Chát (xã Mường Cang, H.Than Uyên). Nguồn vui của ông mỗi đêm là ngồi với cây đàn tính tẩu của người Thái, phập phùng vừa đàn vừa hát. “Ai sống mãi trong hào quang được đâu” ông bảo và ngân nga lời hát của người Thái vùng Tây Bắc: Inh lả ơi. Sao noọng ời. Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời. Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười. Inh lả ơi. Sao noọng ơi. Con thuyền ra tới giữa hồ, vẫn nghe tiếng hát hòa trong tiếng đàn tính tẩu khe khẽ, lăn tròn trên mặt nước, ra tít xa xa…
Bình luận (0)